+Aa-
    Zalo

    Giải thưởng “Nụ cười công chức”: Trao xong xuôi tất cả lại về..

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Nhiều công chức thể hiện thái độ tốt nhất để mong “ẵm” giải thưởng cao quý. Liệu khi phục vụ người dân, liệu họ có nhớ đến những tiêu chí cơ bản ấy.

    (ĐSPL) - Ở giải thưởng “cười”, nhiều công chức luôn thể hiện thái độ tốt nhất để mong “ẵm” được giải thưởng cao quý. Thế nhưng, khi phục vụ người dân, liệu họ có nhớ đến những tiêu chí cơ bản về sự tận tình, thân thiện...

    Vừa qua, hội Doanh nhân trẻ Đà Nẵng đã trao giải thưởng “Nụ cười công chức thành phố Đà Nẵng 2014” cho 10 cán bộ, công chức. Theo quy chế xét chọn thì người được tôn vinh phải là người xuất sắc tiêu biểu, có thành tích nổi trội được cơ quan, đơn vị công nhận, được doanh nghiệp đánh giá cao, tận tụy và hết lòng phục vụ nhân dân, đặc biệt là đối tượng doanh nhân, doanh nghiệp. Những cán bộ công chức làm việc tại bộ phận tiếp dân được ưu tiên trong quá trình xét chọn.

    Cán bộ, công chức trực tiếp tiếp xúc với người dân chưa hiểu hết tác dụng của nụ cười. Ảnh minh họa

    Trao đổi với PV báo Đời sống và Pháp luật, bà Nguyễn Thị Khá, Ủy viên thường trực Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội bày tỏ sự quan tâm về giải thưởng “Nụ cười công chức” do hội Doanh nhân trẻ Đà Nẵng tổ chức. Bà Khá cho rằng, qua những chiến dịch, giải thưởng như trên cho thấy ngành nghề nào cũng cần nụ cười, sự thân thiện, đặc biệt đối với cán bộ, công chức – những người thường xuyên tiếp xúc với nhân dân.Trước đó không lâu, cư dân mạng xã hội cũng liên tục chia sẻ những hình ảnh về chín vị lãnh đạo cấp cao của tỉnh Quảng Ninh cùng xuất hiện trong một clip phát động chiến dịch xây dựng “Nụ cười Hạ Long”. Trong cùng một tư thế hai tay khum lại tạo hình trái tim và trên môi nở nụ cười, các chính trị gia của Quảng Ninh mong muốn gửi gắm đến cộng đồng một thông điệp về một Hạ Long văn minh, thân thiện.

    “Không phải tự dưng mà có giải thưởng này, bởi lẽ nhiều người đã kêu ca quá nhiều với cách làm việc khó chịu của một số vị cán bộ, công chức. Cái quan trọng nhất là khi người dân gặp khó khăn, vướng mắc thì cán bộ phải giúp đỡ, chỉ dẫn tận tình để giải quyết công việc. Thực tế, đây là cái chưa có ở các bộ phận một cửa, bộ phận tiếp dân”, bà Khá chia sẻ.

    “Giải thưởng cười” ở “vương quốc” luôn vắng tiếng cười!... Đây là “giải thưởng quý hiếm” và nếu như nó được nhân rộng ra cả nước thì biết đâu khi đó, các cơ quan công quyền sẽ vắng bặt những khuôn mặt nhăn nhó, cau có hoặc khinh khỉnh, lạnh lùng vốn “ngự trị thâm căn, cố đế” ở nơi đây?!

    BÙI HOÀNG TÁM

    Các thành phố khác nên học tập thành phố Đà Nẵng để hiệu quả công việc ngày càng tốt hơn.                            

    KHÁNH DƯƠNG

    Nói gì thì nói hiệu quả công việc, thái độ phục vụ và cái tâm, cái tầm mới là điều người dân cần. “Một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ” nhưng chỉ cười mà không giải quyết công việc cho người dân bằng cái tâm thì cười làm gì? Lúc đó không khéo lại phản tác dụng và đạo đức giả.  

    VĨNH THUỴ

    Trong giải thưởng “Nụ cười công chức” do hội Doanh nhân trẻ Đà Nẵng tổ chức vừa qua, điều đáng lưu ý là trong danh sách 10 người được trao giải thưởng, thì đa phần đều là… sếp. Nổi bật nhất trong các sếp nhận giải là Phó Chủ tịch thành phố, tiếp theo là tới hàng Giám đốc Sở, Chủ tịch quận, Cục trưởng rồi mới tới cả loạt trưởng và phó các phòng ban quan trọng liên quan đến doanh nghiệp và doanh nhân tại sở Kế hoạch đầu tư, cục Thuế, sở Xây dựng, quỹ Đầu tư phát triển thành phố… Chỉ duy nhất một nhân viên là chuyên viên phòng Tuyên truyền hỗ trợ người nộp thuế thuộc cục Thuế Đà Nẵng.

    Về vấn đề này, bà Khá cho hay: “Tôi xin nói thẳng, các sếp tiếp xúc với người dân rất ít nên họ chưa hiểu hết được những thủ tục nhiêu khê mà ở cơ quan họ còn tồn tại. Mà càng ít va chạm thì càng ít bị kêu ca, càng dễ “ẵm” giải. Nụ cười công chức là gì? Là cái mà chúng ta hướng đến nền hành chính phục vụ người dân một cách tốt nhất. Nụ cười phải xuất phát từ cái tâm phục vụ người dân chứ không phải để đối phó, hình thức”.

    Cùng trao đổi với PV báo Đời sống và Pháp luật, ĐBQH Đinh Thị Mai Lan cho rằng giải thưởng “Nụ cười công chức” quá mang tính hình thức. “Tôi không ủng hộ những cái gọi là phong trào trong khi cuộc sống thực tế không có. Nếu ý thức của người công chức tốt, được người dân hài lòng thì cần gì phải trao giải thưởng. Giải thưởng có làm thay đổi được những cái tồn tại trong cách làm việc, tiếp dân của một bộ phận cán bộ, công chức hiện nay không hay vẫn là câu chuyện: “Thi xong xuôi tất cả lại về”, bà Lan nhấn mạnh.

    “Phải thế nào” cán bộ mới... cười

    GS. Trần Ngọc Thêm - tác giả của những công trình nghiên cứu về văn hóa có uy tín nhận xét rằng, công chức không thân thiện, thậm chí cáu gắt là hiện tượng phổ biến, đặc biệt là ở bộ phận tiếp xúc nhiều với dân, nhóm ngành có lương bổng thấp.

    GS. Trần Ngọc Thêm đưa ra lý giải nguyên nhân công chức ít cười bằng hình ảnh so sánh giữa nơi công quyền truyền thống như UBND xã với nơi tiếp khách hàng ở công sở hiện đại ngày nay như công ty nước ngoài, tập đoàn nhà nước đã cổ phần hóa, ngân hàng...

    Những nơi này, cơ sở vật chất hiện đại, có chỗ ngồi cho khách rộng rãi, mát mẻ, có máy lạnh, có nhân viên đứng trực giúp khách lấy số thứ tự... rất văn minh. Do vậy, khi con người đến nơi có dịch vụ cao, văn minh hơn họ cũng sẽ ứng xử một cách văn minh. Ví dụ, con người đến siêu thị mua hàng sẽ có cách ứng xử khác với khi ở chợ truyền thống. Hoặc cũng là một người, nhưng khi họ đi phương tiện máy bay sẽ có cách ứng xử khác với đi xe ô tô giá rẻ.

    GS. Trần Ngọc Thêm nhấn mạnh đến việc nhiều công chức còn mang trong mình cách ứng xử hành chính thời phong kiến, qua thời bao cấp đến hiện nay là ứng xử xin – cho. Trong đó, cán bộ công chức là người cho, dân đến cơ quan công quyền là người xin. Bao giờ người cho cũng phải trịch thượng. Đó là lối ứng xử từ trên xuống, không phải ngang hàng. Cho nên người ta không cảm thấy có trách nhiệm thân thiện, thậm chí còn cao đạo mắng chửi để tỏ ra quyền lực, khách hàng quỵ lụy và nhiều khi còn hàm ý “phải thế nào” mới được cho.

    Nhiều cán bộ công chức đang đi học cười

    Ông Lê Anh Sơn, Chủ tịch Yoga cười Việt Nam.

    Theo ông Sơn, chúng ta thường hành động theo thói quen, chịu ảnh hưởng của môi trường sống. Nụ cười công sở, nụ cười của những người đại diện chính quyền không chỉ nói đến một động tác cơ học trên khuôn mặt mà còn phải là nụ cười nhân văn, nhân bản, xuất phát từ ý thức, trách nhiệm và trái tim của mỗi người.Trao đổi với PV báo Đời sống và Pháp luật, ông Lê Anh Sơn, Chủ tịch Yoga cười Việt Nam, người từng có đề xuất táo bạo cần phải dạy cười cho cán bộ, công chức chia sẻ: “Đã đến lúc Việt Nam cần xây dựng con người thân thiện, dịch vụ thân thiện góp phần phát triển đất nước. Nụ cười và sự thân thiện chính là biểu hiện của một xã hội văn minh. Ai cũng biết nở nụ cười, giữa con người với con người trong xã hội sẽ thân thiết hơn, bớt đi những hiềm khích, toan tính và cả tội ác’’.

    Thời gian gần đây trong số học viên của ông Sơn có rất nhiều người là công chức đến từ bộ NN&PTNT, bộ Công Thương, Cảnh sát giao thông Hà Nội, tổng cục Đường bộ, tổng cục thuế Hà Nội… Mới đầu tham gia, các học viên này thường có một chút bỡ ngỡ, ngại ngùng, nhưng sau khi hiểu ích lợi của tiếng cười trong công việc, họ cởi mở và hòa nhập rất nhanh. “Phải nói rõ rằng, nụ cười không phải chỉ đến từ một phía. Cần phải xây dựng môi trường thân thiện. Cán bộ công chức thân thiện và công dân thân thiện. Khi đó nụ cười sẽ lan tỏa”.

    CAO TUÂN

    Xem thêm clip: Lật mặt 'quý ông' chạy công chức, chiếm đoạt nửa tỷ đồng

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/giai-thuong-nu-cuoi-cong-chuc-trao-xong-xuoi-tat-ca-lai-ve-a93702.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan