+Aa-
    Zalo

    Giải mã vết chân bí ẩn trong ngôi đình 400 năm tuổi

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Những cái chết bất đắc kỳ tử, những người tâm thần bị gắn với chuyện bị “thánh quở” khiến nhiều người bán tín bán nghi về sự huyền bí của đình làng So.

    (ĐSPL) - Những cái chết bất đắc kỳ tử, những người tâm thần bị gắn với chuyện bị “thánhquở” khiến nhiều người bán tín bán nghi về sự huyền bí của đình làng So.

    Chết không nhắm mắt vì lời đồn.

    Một người dân sống ở gần đình cho biết: “Người dân trong làng, đặc biệt là phụ nữ, ai cũng kiêng nói tới từ “lã” sợ phạm vào từ húy là họ bà Vương Mẫu – người thân sinh ra Tam vị nguyên soái Đại vương. Từ xa xưa, vào các mùa lễ hội hậu cung vẫn được mở để người dân vào làm lễ, thắp hương.
    Thế nhưng, cách đây rất lâu, có một cô gái đi vào hậu cung thắp nhang, vì mải mê cười đùa cùng đám bạn nên cô đã trót nói ra từ “lã” ngay trước hậu cung của đình làng. Một thời gian sau, cô gái nọ bị thần kinh và bỏ đi biệt xứ”. Người dân trong làng cho rằng vì cô gái kia nói “từ cấm”, động đến gia đình nhà Ngài ngay giữa đình làng nên bị quở phạt, phải bỏ làng mà đi nơi khác.

    Hậu cung đình làng So.

    Chúng tôi tìm về thăm gia đình cô gái bỏ đi biệt xứ kia như trong lời đồn đại của người dân được biết bố mẹ cô gái đã qua đời. Hiện nay, chị ruột của cô gái là bà H. cũng đã 70 tuổi. Bà H. cho biết: “Không có chuyện thánh thần quở phạt, em gái tôi bỏ đi là vì trước đó nó yêu một chàng trai nhưng bố mẹ tôi chê chàng trai đó nghèo, cấm đoán không cho chúng đến với nhau.
    Quá phẫn uất nên em tôi mới lên đình làng thắp hương, giãi bày lòng mình và rời bỏ gia đình đi nơi khác. Người ta ác ý đồn đại em tôi bị tâm thần rồi bỏ đi khiến gia đình tôi luôn dằn vặt trong sự đau đớn. Từ ngày rời làng đi, em tôi không một lần quay về, chẳng biết bây giờ nó ra sao. Trước khi về cõi vĩnh hằng mẹ tôi đã không thể nhắm mắt xuôi tay bởi đứa con gái mà bà thương nhớ bao năm không biết giờ ở đâu và vẫn chịu mang những lời đồn cay nghiệt”.

    Bà H. chị của cô gái bỏ đi biệt xứ như trong lời đồn đau xót kể về câu chuyện của gia đình mình.

    Cái chết tức tưởi của ông K. cũng được nhiều người cho rằng liên quan đến việc nói phạm từ cấm. Ông vốn là người dân của làng So, nhà mới có tang (người làng kiêng kỵ) nhưng ông vẫn lên đình thắp nhang và rồi vô tình nói từ cấm giữa hậu cung. Ngay lúc đó, ông đã bị “thánh đánh” ngã dúi xuống, đập đầu vào thềm cửa, thâm tím chân tay. Thời gian sau ông ốm liệt giường rồi qua đời.
    Để tìm hiểu sự thật, PV, gặp anh T. (con trai ông K.) và được biết: “Bố tôi ngã đập đầu vào thềm cửa đình là do tiền sử ông bị bệnh tai biến”. Gia đình anh T. chạy chữa cho ông K. cũng đỡ nhiều. Nhưng thời gian đó, anh trai của ông K. qua đời đột ngột làm tinh thần ông suy sụp.
    Vì thế khi vào đình làng ông bị vấp ngã. Một thời gian sau, gia đình ông K. đã chạy chữa khắp các bệnh viện nhưng bác sỹ đều nói không cứu chữa được nữa. “Hai tháng sau bố tôi qua đời. Từ cái chết của bố tôi người ta thêu dệt nên những câu chuyện “Ngài phạt” đầy ác ý khiến phận con cháu như chúng tôi hết sức phẫn uất”, anh T. nói.
    Xôn xao vết chân bí ẩn
    Mới đây, trong dịp lễ hội người làng So phát hiện trong ngôi đình bốn trăm năm tuổi ấy có những vết chân rất kỳ bí trên bảng đình. Theo các cụ cao niên trong làng: “Đây là vết chân người, nhỏ và thon rất giống vết chân phụ nữ. Đứng dưới sàn đình ngửa mặt lên mới nhìn thấy vết chân. Như vậy, nếu ai đó muốn để lại vết chân trên bức hoành này tức là phải đi ngược. Người bình thường không thể làm được việc đó. Hơn nữa, bước chân bình thường không thể in trên gỗ một thời gian dài, lại càng ngày càng trở nên rõ nét như vậy”.
    Xem thêm video: Video: Nhiễu loạn thông tin về sự hoành hoành của rắn lục đuôi đỏ.
    Sự xuất hiện của vết chân khiến người dân trong làng bàn tán xôn xao và những câu chuyện nhuốm màu huyền bí khi xưa được bàn tán nhiều. Lý giải về sự xuất hiện của vết chân kỳ bí này cụ Nguyễn Danh Hữu, một vị cao niên cho biết: “Thời xa xưa khi dựng đình từng trụ lim bằng gỗ, từng viên ngói hay, báng gỗ làm xà ngang đều được các cụ tỉ mỉ lau chùi sạch sẽ.
    Nhất là ngôi đình được dựng theo thánh chỉ của vua Đinh Tiên Hoàng như đình làng So thì công tác chuẩn bị không thể làm ẩu được. Cất nóc lên họ còn ngắm nghía xem có bị lệch không? Đã thẳng như thiết kế chưa? Vậy nên không thể một cái hoành gỗ có vết chân người mà lại được mang ra làm hoành chính trụ của đình. Vả lại, tôi đã gắn bó với ngôi đình này mấy chục năm, vị trí của từng chiếc đinh tôi còn thuộc nên không thể có chuyện vết chân này có từ khi dựng đình mà giờ tôi mới biết”.
    Tương truyền vào thời chống Mỹ, đình làng là kho chứa quân nhu, đạn dược. Có những khi quân nhu, đạn dược chất cao lên gần sát mái đình. Vì thế, có người cho rằng, đó là vết chân ai lúc trèo lên vác quân nhu xuống mệt quá nằm đưa chân lên chạm tới bảng đình. Thế nhưng, liệu có vết chân nào trải qua 40 năm mà tới giờ vẫn còn in rõ? Hơn nữa, những vết chân cách nhau khoảng 60cm giống như đang đi chứ không phải vô tình đặt chân lên. Trước những nghi vấn như thế khiến cho các vết chân càng trở nên huyền bí, là đề tài bàn tán trong các cuộc trà dư, tửu hậu.
    Ông Vương Đắc Thế, Trưởng xóm Sổ thuộc làng So cho biết: “Đình làng So gắn với rất nhiều giai thoại, trong tâm thức của dân làng ai cũng tin sự linh thiêng của ngôi đình. Có thể nói phát hiện ra vết chân trên hoành đình khiến cho ngôi đình này càng trở nên kỳ bí, người dân mỗi người nói một hướng, không biết đâu là sự thật”.
    Trao đổi cùng PV, cụ Vương Đắc Võ (Ban quản lý đình So) cho biết: “Đây không thể là bước chân của người bình thường vì người thường không có khả năng ấy. Có thể do Ngài hiển linh báo trước cho con cháu điều gì đó nhưng con cháu người trần mắt thịt nên vẫn chưa hiểu ra”.
    Tìm lời giải đáp về vết chân kỳ bí xuất hiện ở đình làng So, tiến sỹ Vũ Thế Khanh, Tổng giám đốc UIA cho biết: “Vết chân trên bảng đình của đình cách mặt đất 6m kia con người có thể tự tạo bằng rất nhiều cách khác nhau không có gì khó cả. Mọi người luôn nghĩ đây là ngôi đình rất thiêng, vì thế vết chân ấy có thể là sự trêu đùa hơi quá của ai đó nhằm thêu dệt nên câu chuyện kỳ bí. Giả sử nếu có thần thánh thật thì thần thánh cũng không làm những việc tầm thường như vậy khiến người dân hoang mang”.
    Đình So, xứ Đoài được xây dựng vào năm 1673 thờ tam vị Nguyên Soái Đại Vương có công giúp Đức vua Đinh Tiên Hoàng dẹp loạn 12 sứ quân. Hậu cung của đình làng So là nơi đặt bàn thờ ba vị nguyên soái Đại vương. Trong hậu cung có cung cấm nơi đặt bài vị, sắc phong của “ba Ngài”. Được biết, hậu cung là nơi chỉ có mình cụ Nguyễn Danh Hữu (còn gọi là cụ Từ đại diện ban Quản lý di tích đình làng) được vào, ngoài ra, không ai được phép.
    Nhà phong thủy, nhà ngoại cảm Nguyễn Cung Hà cũng lên tiếng trước những kỳ bí ở làng So: “Người ta đồn đại chuyện thánh thần “vật” chết dân làng là không có căn cứ khoa học. Chúng ta cần tỉnh táo để không tự biến mình thành những người mê tín, dị đoan”.

    NGUYỄN THANH

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/giai-ma-vet-chan-bi-an-trong-ngoi-dinh-400-nam-tuoi-a90075.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan