(ĐSPL)- Đó là ngôi đình cổ kính với gần 500 năm tuổi, tọa lạc tại làng Mỹ Lợi, xã Vinh Mỹ, huyện Phú Lộc (Thừa Thiên - Huế), nơi đã lưu giữ bản thư tịch cổ thời Hậu Lê viết bằng chữ Hán - Nôm khẳng định chủ quyền Việt Nam ở quần đảo Hoàng Sa.
Theo nhiều gia phả của những dòng họ lớn trong làng cũng như nhiều thư tịch cổ lưu lại ở đình làng Mỹ Lợi để lại, ngôi đình cổ kính này được ra đời vào năm 1558, gắn liền với công cuộc mở cõi của chúa Nguyễn (Nguyễn Hoàng) về phái Nam tiến.
Được biết, sau khi đình làng Mỹ Lợi được công nhận là di tích lịch sử văn hóa quốc gia, rất nhiều các cơ quan, đoàn thể tiến hành nghiên cứu về đình làng này. Đặc biệt là đoàn nghiên cứu Bảo tàng Huế đã về phối hợp với các nhà “nghiên cứu” làng, tìm đọc hết 200 văn bản thư tịch cổ đoàn và đã bất ngờ phát hiện thư tịch cổ viết về chủ quyền Việt Nam nơi đảo Hoàng Sa.
Ngôi đình gần 500 năm tuổi nơi lưu giữ hơn 200 bản thư tịch cổ |
Theo các bô lão của làng, thư tịch cổ viết về chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa được phát hiện là một loại thư tịch cổ được viết bằng chữ Hán – Nôm, thuộc thời kì Hậu Lê dưới thời vua Lê Hiển Tông niên hiệu Cảnh Hưng năm thứ 20. Nội dung bản thư tịch cổ này viết về “Tuần quan cửa Biện Hải (nay là cửa biển Tư Hiền) là Thuận Đức Hầu phê cho phường Mỹ Toàn (tức xã Mỹ Lợi); về phường An Bằng (nay là làng An Bằng, xã Vinh An, huyện Phú Vang)”, nội dung “Nguyên Năm Quý Hợi 1743, phường An Bằng buộc phường Mỹ Toàn đón chiếc thuyền Đội Hoàng Sa của Lái Tín ở chỗ giáp ranh kéo về đến bờ sông. Qua vụ thuế tiết liệu năm Mậu Dần (1758), khoản của thuyền thủ trưởng. Phường An Bằng lại bắt phường Mỹ Toàn cùng chịu, mỗi bên đem nộp tại chính điện. Đến nay (1759), phường Mỹ Toàn thúc phường An Bằng cùng phường Mỹ Toàn đem nộp võ tàu nhưng phường An Bằng cố ý không đem nộp võ tàu ấy. Phường Mỹ Toàn bèn trình đơn lên. Vậy giao cho phường Mỹ Toàn bắt phường An Bằng đền tiền ba quan. Nay phê cho như vậy”,theo “Văn bản sao dịch quốc ngữ Đội tuần tra đảo Hoàng Sa” – lưu giữ tại đình làng Mỹ Lợi.
Trao đổi với PV báo ĐS&PL Online, cụ Nguyễn Hào (82 tuổi), Trưởng làng Mỹ Lợi cho biết: “Tại ngôi đình cổ xưa của làng Mỹ Lợi lưu giữ rất nhiều bản thư tịch cổ, thời gian gần đây các nhà nghiên cứu đã phát hiện có một bản thư tịch cổ viết bằng chữ Hán - Nôm về chủ quyền Việt Nam ở quần đảo Hoàng Sa. Nhân dân địa phương rất vinh dự đã phát hiện được tài liệu quý về chủ quyền thiêng liêng đất nước ở biển đảo Hoàng Sa”.
Đồng thời, ngay sau khi phát hiện được thư tịch quý này, các bô lão trong làng đã thống nhất với chính quyền địa phương cũng như các nhà nghiên cứu Huế gửi lên cho Sở Văn Hóa Thể thao và Du lịch Huế để tặng cho Bộ ngoại giao tiếp tục lưu giữ và tiến hành bảo tồn bức thư tịch lâu năm này.
Việc phát hiện ra bản thư tịch cổ trên, một lần nữa khẳng định chủ quyền thiêng liêng của dân tộc Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa do chính cha ông chúng ta đã để lại. Đây được xem là tài liệu quý giá cho chúng ta trong công bảo vệ chủ quyền biển đảo hiện nay.
Một số hình ảnh quý giá tại ngôi đình cổ làng Mỹ Lợi đang lưu giữ hơn 200 bản thư tịch và bức thư tịch viết bằng chữ Hán - Nôm về chủ quyền Việt Nam ở quần đảo Hoàng Sa.
Bản thư tịch cổ bằng chữ Hán – Nôm viết về chủ quyền Việt Nam ở quần đảo Hoàng Sa được các bô lão photo lưu giữ tại ngôi đình sau khi ban tặng cho Bộ ngoại giao |
Cụ Nguyễn Hào, Trưởng đình lành Mỹ Lợi (bên trái) cùng với các bô lão bên chiếc tủ quý giá đựng trên 200 bản bức thư tịch |
Bản châu phê của vua với ba chữ Phổ ý Bỗn đươc dịch ra là Bảo vệ cấp dưỡng Đội tuần Quan Bảo vệ đảo Hoàng Sa, một ấn chỉ quý giá còn lưu giữ tại đình làng |
Với bản sao dịch quốc ngữ Đội tuần tra đảo Hoàng Sa |
Và bản đồ quý giá của phường Mỹ Toàn (nay làng Mỹ Lợi) vẫn còn nguyên vẹn và được lưu giữ rất cẩn thận tại ngôi đình. |