Theo thông tin từ kết luận điều tra vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an cáo buộc bà Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát thâu tóm, sở hữu phần lớn cổ phần SCB để dễ dàng "sắp xếp" dàn lãnh đạo, bộ máy của ngân hàng này. Rất nhiều công ty con, công ty liên kết được bà giao cho người nhà, người thân tín điều hành và quản lý.
Cuối năm 2011, bà Trương Mỹ Lan thâu tóm 3 ngân hàng tư nhân bằng việc mua, sở hữu phần lớn số lượng cổ phần tại các ngân hàng này. Ngày 1/1/2012, 3 ngân hàng hợp nhất với tên gọi Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB). Bà Lan sở hữu, chi phối tới 91,563% vốn điều lệ, được đứng tên bởi 27 pháp nhân, cá nhân.
Với việc sở hữu/nắm quyền chi phối số cổ phần của SCB như trên, bà Lan đã đưa người thân tín của mình ngồi vào các vị trí chủ chốt tại SCB như: HĐQT, Ban Tổng giám đốc… để sử dụng những người này điều hành toàn bộ hoạt động của SCB; sử dụng ngân hàng này để chủ yếu phục vụ cho mục đích cá nhân của Chủ tịch Vạn Thịnh Phát. Những người này được đánh giá là người có trình độ, hoạt động lâu năm trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng và đặc biệt là nghe theo chỉ đạo của bà Lan. Ở từng vị trí, những người này được bà Lan trả mức lương khủng, từ 200 triệu đến 500 triệu đồng/tháng.
Lời khai của bà Lan thể hiện, Chủ tịch Vạn Thịnh Phát là người đồng ý để Nguyễn Thị Thu Sương, Đinh Văn Thành và Bùi Anh Dũng làm Chủ tịch HĐQT SCB qua các thời kỳ. Trong đó, lý do ông Bùi Anh Dũng được bà Lan lựa chọn là "hiền, không quậy phá, được lòng người". Với vị trí Phó Chủ tịch HĐQT SCB, bà Lan kéo bị can Trầm Thích Tồn từ chức vụ Tổng Giám đốc Công ty Đại Trường Sơn đến làm thành viên HĐQT SCB (trước hợp nhất) và cuối cùng là trở thành Phó Chủ tịch HĐQT SCB sau khi việc hợp nhất hoàn thành.
Đối với ban điều hành SCB, bà Lan lựa chọn Võ Tấn Hoàng Văn làm Phó Tổng giám đốc, sau đó là Tổng Giám đốc. Sau khi Văn nghỉ, bà Lan cho Hoàng Minh Hoàn làm quyền Tổng Giám đốc SCB nhưng bị can này xin nghỉ sau một tháng vì áp lực công việc. Vị trí này sau đó được giao cho Trương Khánh Hoàng, theo đề xuất của Đinh Văn Thành.
Cũng theo thông tin từ kết luận điều tra, để hợp thức việc rút tiền, tránh bị cơ quan chức năng phát hiện, truy vết dòng tiền, bà Lan chỉ đạo các bị can tại SCB và Vạn Thịnh Phát sử dụng các phương án vay vốn khống thực hiện giải ngân, chuyển tiền vào các tài khoản của những cá nhân, pháp nhân "ma" hoặc cho họ rút tiền mặt để "cắt đứt dòng tiền". Khi cần sử dụng ngay một số tiền mặt, bà Lan chỉ đạo Bùi Văn Dũng (lái xe riêng) đến SCB chi nhánh Sài Gòn để nhận tiền. Cùng lúc đó, nhân viên SCB sẽ liên hệ với người của Vạn Thịnh Phát yêu cầu cung cấp pháp nhân, cá nhân nhận tiền, rút tiền... lập phiếu chi và các thủ tục để hoàn tất nghiệp vụ rút tiền mặt.
Sau đó, những cá nhân/đại diện pháp nhân "ma" sẽ đến ngân hàng để ký chứng từ rút tiền. Tiền mặt sẽ được xuất khỏi quỹ, giao cho Dũng. Tài xế của bà Lan sau đó sẽ chở tiền về nhà Chủ tịch Vạn Thịnh Phát ở tòa nhà Sherwood (quận 3, TPHCM), giao cho một cá nhân tên Trần Thị Hoàng Uyên.
Lúc này, Uyên theo chỉ đạo của bà Lan sẽ giao tiền cho những người đến nhận và không lưu trữ, ghi chép gì về người nhận tiền. Một phương thức khác được nêu trong kết luận điều tra là Dũng sẽ chở tiền từ ngân hàng về trụ sở Tập đoàn Vạn Thịnh Phát ở số 193-203 Trần Hưng Đạo (quận 1 TP.HCM), giao theo chỉ đạo của bà Lan hoặc chuyển tiền trực tiếp cho các cá nhân mà bà Lan yêu cầu.
Kết quả điều tra xác định, từ ngày 26/2/2019 đến ngày 12/9/2022, Dũng đã vận chuyển khoảng 108.878 tỷ đồng và hơn 14,757 triệu USD từ SCB về Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, nhà của bà Lan hoặc đưa, giao cho một số cá nhân theo chỉ đạo của nữ chủ tịch tập đoàn.
Nguyễn Lâm - Khánh Ngân