+Aa-
    Zalo

    Giải mã tiếng chuông và lời nguyền “oán tình nhân” ở chùa Thiên Mụ

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Không biết tự bao giờ, chùa Thiên Mụ, một ngôi chùa rất nổi tiếng xứ Huế khoác lên mình câu chuyện về lời nguyền “oán các đôi tình nhân”.

    (ĐSPL) - Không biết tự bao giờ, chùa Thiên Mụ, một ngôi chùa rất nổi tiếng xứ Huế khoác lên mình câu chuyện về lời nguyền “oán các đôi tình nhân”. Theo đó, những đôi tình nhân đưa nhau lên chùa vãn cảnh sẽ không bao giờ có thể đến được với nhau. Cũng chính vì lời nguyền vô căn cứ đó, nhiều cặp đôi đã không dám đến ngôi chùa này khi chọn những địa điểm hẹn hò. Vậy đâu là sự thật?

    Tiếng chuông giải tỏa muộn phiền, khổ đau

    Cố đô Huế bấy lâu nay được xem như một kho tàng còn lưu giữ rất nhiều những công trình văn hóa mang đậm tính lịch sử của thời phong kiến, cũng như là vùng đất có nhiều ngôi chùa cổ nhất của cả nước. Trong số đó, chứa đựng nhiều ý nghĩa lịch sử nhất, được xây dựng lâu đời nhất chính là chùa Thiên Mụ, hay còn biết đến là Linh Mụ. Ngôi chùa này bấy lâu nay được nhân gian nhuốm màu huyền thoại với biệt danh, “chùa Nhà trời”.

    Tương truyền, ngọn đồi Hà Khê, nơi tọa lạc của chùa Thiên Mụ ngày nay là nơi hội tụ linh khí, rất linh thiêng nhưng từ lâu đã bị một viên tướng nhà Đường (Trung Quốc) tìm cách đào sâu chân đồi nhằm ngăn cách long mạch. Đúng vào cái đêm đó, có một người phụ nữ mặc đồ đỏ tuy rất trẻ nhưng tóc lại bạc trắng ngồi dưới chân đồi than vãn rồi cất tiếng nói to: “Đời sau nếu có bậc quân chủ muốn bồi đắp mạch núi để làm mạch cho Nam triều thì nên lập chùa thờ Phật, thỉnh cầu linh khí trở về nơi núi này để phúc dân giúp nước, tất không có gì phải lo”.

    Toàn cảnh chùa Thiên Mụ.

    Những lời căn dặn này cùng hình ảnh người phụ nữ tóc bạc trải qua nhiều đời, được lưu truyền bởi những người dân sống ở đây cuối cùng cũng tìm đến được chúa Nguyễn Hoàng khi ông đang trên đường mở rộng bờ cõi về phía Nam. Kể từ đó, Nguyễn Hoàng cho xây dựng một ngôi chùa ở vùng đất linh thiêng này để mong việc mở rộng cơ đồ, xây dựng một Nhà nước phong kiến mới ở Đàng Trong gặp nhiều thuận lợi và nhận được sự đồng thuận của các đấng thần linh của “nhà trời”.

    Để tìm hiểu thực hư câu chuyện, chúng tôi đã tìm gặp trụ trì Thích Trí Tự và được biết: “Chùa Thiên Mụ là một trong những ngôi cổ tự của xứ Huế, nổi bật giữa sườn đồi bởi ngọn tháp cao có kiến trúc bát giác độc đáo. Dù được xây dựng khá muộn, sau này vào thời vua Thiệu Trị (1844) nhưng cho đến bây giờ, tháp Phước Duyên vẫn luôn là biểu tượng rõ rệt nhất của chùa Thiên Mụ. Tháp cao được xây dựng bảy tầng với cầu thang xoắn ốc thờ một tượng Phật ở mỗi tầng và qua năm tháng vẫn còn lưu giữ những nét đẹp được đánh giá cao về mặt mỹ thuật.

    Hòa thượng Thích Trí Tự bên tháp Ôn Linh Mụ.

    Hiện nay, tại chùa Thiên Mụ còn đang lưu giữ hai chiếc chuông. Một chiếc không bao giờ đánh được, đúc từ thời chúa Nguyễn Phúc Chu năm Canh Dần (1710) nay đặt ở bên phải tháp Phước Duyên mang ý nghĩa như một pháp khí của chùa, giúp mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an. Còn một chiếc là nguồn gốc của tiếng chuông, đúc vào thời vua Gia Long (1815) được đặt ở gác chuông nằm bên trái cổng chùa dẫn vào điện Đại Hùng phía trong. Có được âm độ cao vút và ngân xa như vậy vì chuông đúc bởi hợp kim đặc biệt, kết hợp cùng vị trí đặt chuông phần nào làm tiếng chuông có độ vọng với âm sắc vang xa, cao vút thấu đến lòng.

    Theo trụ trì Thích Trí Tự thì từ xưa đến nay, chuông chùa vẫn được đánh mỗi ngày hai thời (hai lần), vào 19h30 và 3h30. Không phải bất kỳ ai cũng đánh và đủ sức đánh được, bởi tiếng chuông Thiên Mụ phải đánh đúng 3h30 mỗi sáng trong một tiếng đồng hồ và bằng 108 dùi. Với người thường, chắc chắn sẽ không làm chủ được bản thân để mỗi sáng thức dậy đúng giờ và đánh đủ 108 tiếng chuông trong 60 phút liên tục như vậy. Điều đó có nghĩa là người đánh chuông phải luyện tập và có sự say mê riêng thì mới thực hiện được liên tục trong thời gian dài mà vẫn giữ được nhịp đánh. Trụ trì cho biết thêm: Thời phong kiến, người đánh chuông chùa Thiên Mụ do Tăng cang (chức danh do triều đình phê chuẩn) của chùa phân công. Kế tục hạnh nguyện và giữ hồn cho tiếng chuông Thiên Mụ hiện nay là các nhà sư trẻ đang tu học tại chùa.

    Giải thích lý do đánh 108 tiếng chuông, trụ trì Thích Trí Tự cho rằng, theo giáo lý nhà Phật, chúng sinh trong tam giới (gồm dục giới, sắc giới và vô sắc giới) đều có chung bát khổ (sinh khổ, lão khổ, bệnh khổ, tử khổ, ngũ ấm xí thạnh khổ, oán tằn hội, ái biệt ly khổ và cầu bất đắc khổ). Từ căn bản của 8 điều khổ sẽ dẫn đến 108 nỗi phiền não được chia nhỏ theo trạng thái tâm lý và tình cảm. Trong mỗi tiếng chuông của người thiền giả đều mang theo tâm nguyện từ bi gửi gắm đến chúng sinh, giải tỏa mọi muộn phiền, đau khổ.

    Đôi lứa vẫn đến cầu duyên

    Gặp gỡ nhóm bạn trường cao đẳng Du lịch Huế đang làm hướng dẫn viên du lịch ở chùa, nhóm phóng viên chúng tôi tình cờ được nghe câu chuyện về lời nguyền “chia cắt tình duyên” sẽ xảy đến cho các cặp đôi đang yêu nhau đến khấn vái hay tham quan chùa. Lời đồn này có khá nhiều trên các trang web, các diễn đàn du lịch và được nhiều người dân ở Huế kể lại như lời “căn dặn” đối với các cặp đôi trẻ đến khấn ở cửa Phật. Tò mò, hỏi kỹ, chúng tôi nhận được câu trả lời “tin hay không thì tùy”.

    Theo lời kể của cô Trần Thị Tuệ, người con đất Kim Long (Huế) đã sống ở đây nhiều năm với gánh nước trà, được nghe nhiều câu chuyện từ khách thập phương thì, có lẽ mọi tin đồn đều bắt nguồn từ câu chuyện tình đầy nước mắt của đôi trai gái từ thời chúa Nguyễn cai trị Đàng Trong. Chuyện kể rằng, đôi trai gái rất mực yêu thương nhau nhưng do gia cảnh người con trai nghèo khó nên gia đình nhà gái không chấp thuận, thế rồi cả hai tìm đến cái chết dưới dòng Hương Giang để thể hiện tình yêu của đôi lứa. Nhưng ngang trái sao, cô gái không chết mà được người dân cứu sống rồi năm tháng dài quên đi tình yêu cũ để cưới một người con của gia đình làm quan. Linh hồn người con trai năm xưa không tìm được người yêu của mình, uất ức mới nhập vào nơi cửa tự rồi quyết chia rẽ những cặp nhân tình đến thăm chùa. Câu chuyện đó đã trở thành giai thoại trong dân gian và sau đó dị bản thành truyền thuyết như sau này.

    Nói về tin đồn “oán cặp tình nhân”, trụ trì Thích Trí Tự giải thích: “Bản thân thầy tỏ ra rất bất bình và cho rằng, đây là những tin đồn vô lý và sai về giáo lý của Đức Phật. Trong giáo lý của Phật có đạo luật Hàn Thuyên. Cửa Phật luôn chúc phúc cho những người yêu nhau sống suốt đời hòa thuận. Những tin đồn này chỉ là sự trùng hợp, làm những bạn trẻ có cảm giác lo ngại khi đến thăm chùa”. Cũng theo lời tâm sự của trụ trì thì “đó có thể là sự trùng hợp ngẫu nhiên”. Bởi vì hàng năm vẫn có rất nhiều cặp vợ chồng, đôi lứa yêu nhau lên tham quan chùa, cầu duyên, cầu phúc, xin xăm vào những ngày đầu năm, ngày rằm nhưng thầy vẫn chưa nghe một lời phàn nàn hay than vãn về việc chia tay.

    Có thể kết luận rằng, những tin đồn về lời nguyền về chùa Thiên Mụ chỉ là những câu chuyện truyền miệng chưa được kiểm chứng. Tuy nhiên, những truyền thuyết, lời đồn xung quanh Chùa Thiên Mụ phần nào làm cho nơi cổ tự này càng hấp dẫn hơn đối với những vị khách từ tứ phương đến và muốn tìm hiểu các nét đẹp cũng như lịch sử lâu đời của chùa nói riêng và của kinh thành Huế nói chung.

    Chuyện “oán tình nhân” chỉ là chuyện trong dân gian

    Trao đổi với PV, nhà Huế học, Phan Thuận An cho biết: “Ngôi cổ tự này từ xưa đến nay thường được gọi bởi ba cái tên, đó là: “Thiên Mụ” - do chúa Nguyễn Hoàng đặt, “Linh Mụ” - do vua Tự Đức đặt nhằm tránh xúc phạm chữ “thiên” nghĩa là trời để vua có thể sinh con nối dõi và “Thiêng Mụ”- do cách phát âm chệch đi của người Huế. Còn tin đồn kia thì là câu chuyện được thêu dệt trong dân gian…

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/giai-ma-tieng-chuong-va-loi-nguyen-oan-tinh-nhan-o-chua-thien-mu-a79381.html
    Ngôi chùa dạy ngoại ngữ miễn phí

    Ngôi chùa dạy ngoại ngữ miễn phí

    (ĐSPL) - Nằm khuất sâu trong một con hẻm nhỏ gần cầu vượt Chợ Cầu (Q.12, TP.HCM) có ngôi chùa tình thương mang tên chùa Lá. Hàng ngày tại ngôi chùa này vẫn luôn náo nhiệt bởi có rất nhiều học sinh, sinh viên đến đây để học ngoại ngữ. Điều đặc biệt là các lớp học này được miễn phí hoàn toàn.

    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Ngôi chùa dạy ngoại ngữ miễn phí

    Ngôi chùa dạy ngoại ngữ miễn phí

    (ĐSPL) - Nằm khuất sâu trong một con hẻm nhỏ gần cầu vượt Chợ Cầu (Q.12, TP.HCM) có ngôi chùa tình thương mang tên chùa Lá. Hàng ngày tại ngôi chùa này vẫn luôn náo nhiệt bởi có rất nhiều học sinh, sinh viên đến đây để học ngoại ngữ. Điều đặc biệt là các lớp học này được miễn phí hoàn toàn.

    Những ngôi chùa nơi đầu sóng

    Những ngôi chùa nơi đầu sóng

    Ở Trường Sa, chùa không chỉ là địa điểm sinh hoạt tín ngưỡng, tâm linh của người dân, mà còn là nơi thờ tự những người đã hy sinh quên mình vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền