Trung Quốc đang tự mâu thuẫn với bản thân khi tính toán đến lợi ích của mình.
|
Nếu không tỉnh táo, “giấc mơ Trung Hoa” sẽ trở thành “ác mộng” |
Tiến sĩ Gerhard Will, chuyên gia Đông Nam Á và châu Á của Quỹ Khoa học và Chính trị thuộc Viện Chính trị và An ninh quốc tế Đức phân tích về những mâu thuẫn nội bộ của Trung Quốc trong các hành động hung hăng của nước này: Tôi nghĩ rằng nếu bạn đọc bản báo cáo của Nhóm Nghiên cứu khủng hoảng quốc tế (ICG) thì bạn có thể thấy rằng, trong báo cáo của họ, họ đã “phân vai” cho các “nhân vật” khác nhau của Trung Quốc như Ngoại trưởng Trung Quốc, Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) hay của Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc. Theo đó, các “diễn viên” sẽ có những vai diễn hoàn toàn đối lập với nhau. Ví dụ như ngay khi Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì đến Việt Nam để bàn về việc giảm căng thẳng trên Biển Đông thì CNOOC lại đưa thêm giàn khoan đến khu vực này.
Trung Quốc đang tự mâu thuẫn với bản thân khi tính toán đến lợi ích của mình. Một mặt họ muốn mở rộng lãnh thổ một cách trái phép khi đưa ra tuyên bố “đường 9 đoạn”. Mặt khác, các nhà lãnh đạo của Trung Quốc lại mong muốn tiến hành một “sự trỗi dậy hòa bình” nhằm giành được sự ủng hộ của các nước láng giềng trong khu vực để thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, và hai điều này thường không đi liền với nhau.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thường nói về “giấc mơ Trung Hoa”. Theo Tiến sĩ Gerhard Will, người Trung Quốc chọn từ "giấc mơ" bởi vì thường trong giấc mơ mọi thứ dù trái ngược đến đâu cũng có thể xảy ra. Tuy nhiên, khi “tỉnh giấc”, Trung Quốc sẽ nhận ra rằng mình cần phải có một quyết định rõ ràng nếu không thì “giấc mơ Trung Hoa” sẽ trở thành ác mộng.
Trung Quốc không thể cùng một lúc muốn trở thành một siêu cường về quân sự và dùng sức mạnh quân sự này để áp đặt các tuyên bố chủ quyền của mình trên Biển Đông, một mặt lại muốn trở thành một nền kinh tế mạnh có các mối quan hệ kinh tế với nhiều nước khác. Đây chính là mâu thuẫn trong suy nghĩ của Trung Quốc và họ cần phải biết rằng mình cần gì nhất.
Một điều đáng chú ý nữa là Trung Quốc nói rằng họ muốn khai thác dầu trong khu vực mà họ ngang nhiên tuyên bố là của mình nhưng họ không hề tiến hành bất kỳ một hoạt động khai thác thực sự nào. Thay vào đó, họ dồn tiền để đưa hàng loạt máy bay, tàu hải quân và nhiều loại tàu khác đến khu vực này để bảo vệ giàn khoan của họ. Số tiền chi cho các hoạt động này thừa đủ để Trung Quốc mua dầu trên khắp thế giới. Những hành động của Trung Quốc không hề cho thấy sự logic về khía cạnh kinh tế. Chính vì thế, việc Trung Quốc cần làm là phải xác định rõ được lợi ích cụ thể của mình ở Biển Đông và sớm đưa ra quyết định của mình chứ không phải là cứ mơ mộng viển vông.
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/giac-mo-trung-hoa-se-tro-thanh-ac-mong-a38536.html