(ĐSPL) - Tập đoàn Dầu khí lo ngại giá thành sản xuất tại 2 nhà máy Dung Quất và Nghi Sơn sẽ khó cạnh tranh với hàng nhập khẩu khi các hàng rào thuế quan dần gỡ bỏ...
Giá xăng lại tăng
Giá xăng tăng thêm 189 đồng/lít từ 15h hôm qua (3/10) theo quyết định của liên Bộ Công thương - Tài chính.
Cụ thể, theo văn bản điều hành, xăng RON 92 tăng 189 đồng/lít; xăng E5 tăng 189 đồng/lít.
Điều chỉnh giảm giá dầu diesel 0.05S 163 đồng/lít; giảm giá dầu hỏa 74 đồng/lít; giảm giá dầu mazut 180CST 3.5S 206 đồng/kg.
Như vậy, giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường không cao hơn mức:
- Xăng RON 92 không cao hơn 18.139 đồng/lít
- Xăng E5 không cao hơn 17.644 đồng/lít
- Dầu diesel 0.05S không cao hơn 13.723 đồng/lít
- Dầu hỏa không cao hơn 12.725 đồng/lít
- Dầu mazut 180CST 3.5S không cao hơn 9.442 đồng/kg
Theo Bộ Công thương, giá thành phẩm xăng dầu thế giới thời gian gần đây biến động lên xuống không ổn định.
Bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới trong 15 ngày kể từ ngày 18-9-2015 đến hết ngày 2-10-2015 là 62,292 USD/thùng xăng RON 92; 58,864 USD/thùng dầu diesel 0.05S; 58,788 USD/thùng dầu hỏa; 232,566 USD/tấn dầu mazut 180CST 3.5S.
Bộ Công thương khẳng định điều hành giá như trên theo đúng nguyên tắc nghị định 83/2014 về kinh doanh xăng dầu.
Như vậy sau 5 tháng tăng và 3 tháng giảm giá, nhiên liệu này lại có một tháng điều chỉnh tăng trở lại. Trước đó, trong đợt điều chỉnh tăng gần nhất là ngày 18/9, giá bán xăng dầu trên thị trường Singapore nhích nhẹ 3 USD so với chu kỳ trước, khiến các doanh nghiệp kinh doanh trong nước chịu lỗ 600 đồng mỗi lít.
Thống kê của Bộ Công Thương, tính trung bình trong 8 phiên giao dịch qua, giá xăng dầu thành phần RON 92 tại Singapore tăng nhẹ từ mức 61 USD một thùng lên gần 62,4 USD. Đây cũng là chu kỳ đầu tiên giá xăng tại thị trường nhập khẩu chính của Việt Nam có phiên giao dịch trên 64 USD một thùng trong suốt 45 ngày.
Báo cáo ngày 24/9 của Petrolimex cũng cho thấy, mức dư quỹ bình ổn tiếp tục tăng trong suốt 3 tháng qua, hiện đạt trên 1.717 tỷ đồng. Thậm chí, trong tháng 8, cả nước không sử dụng một đồng quỹ nào.
Trên trang Globalpetrolprices, cập nhật ngày 28/9 cho thấy giá xăng Việt Nam đang ở mức 0,84 USD một lít, ở thứ 47 trên thế giới và thứ 4 trong khu vực ASEAN.
Trước đó, theo ông Nguyễn Tiến Thỏa, Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), giá xăng Việt Nam đang ở một mặt bằng cao do tác động của tỷ giá cũng như các quy định về định mức trong kinh doanh xăng dầu của Nhà nước. Vị này cũng dự báo, giá trong nước khó vượt qua ngưỡng 18.000-19.000 đồng một lít đến cuối năm 2015 nếu giá từ các nguồn nhập khẩu vẫn dao động quanh mốc 60 USD một thùng.
Tập đoàn Dầu khí lo ngại giá thành sản xuất tại 2 nhà máy Dung Quất và Nghi Sơn sẽ khó cạnh tranh với hàng nhập khẩu khi các hàng rào thuế quan dần gỡ bỏ... |
PetroVietnam lo ế xăng dầu
Trước đó, khoảng giữa tháng 9, theo tin tức trên báo VnExpress, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PetroVietnam) đã có báo cáo gửi Thủ tướng về những khó khăn trong thực hiện cam kết bao tiêu sản phẩm của Lọc hóa dầu Nghi Sơn (Thanh Hóa).
Theo tính toán của PetroVietnam, khi nhà máy này vận hành thương mại vào năm 2017 và đạt công suất tối đa vào năm 2018, nguồn cung xăng dầu nội địa chủ yếu từ hai nhà máy Nghi Sơn và Dung Quất sẽ đạt gần 17,6 triệu m3. Tập đoàn cho rằng khi ấy, các sản phẩm xăng sẽ cơ bản đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước, trong khi nguồn cung diesel sẽ vượt cầu gần 850.000 m3.
Cùng với đó, giá thành sản phẩm là điều khiến PetroVietnam lo lắng khi thuế đối với xăng dầu nhập khẩu từ một số thị trường sẽ rất thấp, do các cam kết hội nhập. Điều này khiến các thương nhân đầu mối nhiều khả năng sẽ tăng dần sản lượng nhập khẩu từ bên ngoài, thay vì mua hàng từ Dung Quất hay Nghi Sơn.
“Nếu Chính phủ không kiểm soát chặt chẽ lượng xăng dầu nhập khẩu, không có các thay đổi về cơ chế, chính sách trong kinh doanh xăng dầu thì việc tiêu thụ sản phẩm bao tiêu sẽ gặp rất nhiều khó khăn và rủi ro lớn”, văn bản của PetroVietnam đánh giá.
Với lý luận này, PetroVietnam kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo giải quyết các vấn đề khó khăn nêu trên nhằm bao tiêu sản phẩm của nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn. Cụ thể, Tập đoàn này đề xuất điều chỉnh các chính sách về kinh doanh xăng dầu trên cơ sở chỉ cấp quota nhập khẩu sau khi cân đối đảm bảo tiêu thụ toàn bộ sản phẩm trong nước (từ Nghi Sơn và Dung Quất) để đảm bảo các nhà máy này lọc dầu trong nước tiêu thụ an toàn, hiệu quả toàn bộ sản phẩm.
Trên thực tế, đây không phải lần đầu PetroVietnam kêu khó và xin ưu đãi với các dự án lọc dầu. Trước đó, từ cuối năm 2014, Tập đoàn đã không ít lần kiến nghị giảm thuế với sản phẩm của nhà máy Dung Quất để cạnh tranh với xăng dầu nhập ngoài. Tuy nhiên, trả lời báo chí tại buổi họp báo Chính phủ đầu tháng này, Thứ trưởng Tài chính Vũ Thị Mai cho rằng “mức hiện nay là hợp lý”.
Cụ thể, sau khi nhận được kiến nghị của Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) về việc Nhà máy lọc dầu Dung Quất có nguy cơ phải đóng cửa vì thuế nhập khẩu cao hồi tháng 4, Bộ Tài chính đã cho phép điều chỉnh theo hướng giảm. Theo đó, thuế nhập khẩu ưu đãi đối với xăng đã giảm từ 35\% xuống 20\%, các mặt hàng dầu cũng giảm tương ứng 10-15\%.
Trong văn bản gửi đến cơ quan chức năng sau đó, BSR đề xuất giảm tiếp thuế với một số mặt hàng. Song theo lãnh đạo Bộ Tài chính, quan điểm của cơ quan này là vẫn giữ nguyên mức thuế.
Ngọc Anh (Tổng hợp)