(ĐSPL) - Giá xăng vừa tăng 1.200 đồng/lít không chỉ khiến người tiêu dùng bức xúc, nhiều đại biểu Quốc hội lo ngại việc giá xăng tăng sẽ ảnh hưởng tới tốc độ phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Giá xăng tăng: Sao không sử dụng quỹ bình ổn?
Trước biến động của giá xăng dầu trên thị trường thế giới, giá xăng dầu trong nước cũng được điều chỉnh liên tục. Từ đầu năm đến nay, xăng dầu trong nước đã trải qua 5 lần điều chỉnh giá, trong đó 3 lần điều chỉnh tăng, hai lần điều chỉnh giảm.
Cụ thể, ngày 6/1/2015 giá xăng dầu được điều chỉnh giảm không đáng kể 300 đồng/lít. Đến ngày 21/1, giá xăng tiếp tục được đều chỉnh giảm 1.900 đồng/lít với xăng RON 92.
Sau đó là các đợt tăng giá xăng mạnh. Ngày 11/3, giá xăng dầu trong nước được điều chỉnh tăng 1.600 đồng/lít với xăng RON 92 và RON 95. Sau gần 2 tháng giữ giá, ngày 5/5 giá xăng dầu trong nước lại tăng thêm 1.950 đồng/ lít với xăng RON 92, 95. Và đến hôm qua (20/5), giá xăng lại một lần nữa được điều chỉnh thêm 1.200 đồng/lít cho xăng A92 và E5.
Như vậy, tổng mức 2 lần giảm là 2.200 đồng/ lít. Trong khi đó tổng mức tăng qua ba lần vào khoảng 4.800 đồng/lít.
Trước đó, tại thời điểm điều chỉnh giá xăng tăng mức gần 1.950 đồng/lít, Bộ Tài chính cho rằng trong khoảng thời gian từ 13/4 – 5/5/2015, giá xăng dầu trên thị trường thế giới đã tăng cao đột biến. Vì vậy thời điểm 5/5, nếu không sử dụng quỹ bình ổn xăng dầu (Quỹ BOG) thì giá xăng phải tăng đến hơn 3.000 đồng.
Từ đầu năm đến nay, xăng dầu trong nước đã trải qua 5 lần điều chỉnh giá, trong đó 3 lần điều chỉnh tăng, hai lần điều chỉnh giảm. |
Như vậy với động thái điều chỉnh giá xăng RON 92 và xăng sinh học E5 tăng lên 1.200 đồng/lít hôm qua, tổng giá xăng tăng tính từ 5/5 cũng đã hơn 3.000 đồng/lít. Phải chăng việc điều chỉnh lần này đã nằm trong lộ trình tăng giá của Liên Bộ Công thương-Tài chính? Bởi nếu trước đó, giá xăng được điều chỉnh tăng một lúc hơn 3.000 đồng/lít nhiều khả năng vấp phải sự phản đối của dư luận?...
Mặc khác, xung quanh việc tăng giá xăng ngày 20/5, nhiều câu hỏi được đặt ra: Tại sao Liên Bộ không sử dụng Quỹ bình ổn giá (BOG) nhằm giảm bớt gánh nặng cho người dân trong khi sau Quý 1/2915, Quỹ BOG vẫn còn dư hơn 2.800 tỷ đồng?
Thêm nữa, việc điều chỉnh tăng giá xăng vào 20h ngày 20/5 được Bộ Tài chính lý giải là do giá xăng dầu gần đây biến động liên tục khiến giá cơ sở cao hơn giá bán xăng dầu trong nước. Tuy nhiên, số liệu của Bloomberg cho thấy, giá xăng từ ngày 5/5 (đợt tăng giá gần nhất của xăng Việt Nam) tới nay đã diễn biến theo chiều hướng giảm.
Cụ thể, nếu như giá dầu thô ngày 5/5 là 60,38 USD/thùng thì giá xăng tính tới ngày 20/5 là 58,59 USD/thùng, giảm 1,79 USD/thùng, tương đương giảm 2,96\%.
Cùng với đó, việc thực hiện điều chỉnh tăng giá xăng của Liên Bộ Tài chính Công thương cũng dường như đi ngược lại với tuyên bố thuế môi trường không ảnh hưởng đến giá xăng trong giai đoạn trước tháng 5.
Tuy nhiên chỉ sau khi áp dụng cách tính thuế môi trường tăng từ 1.000 đồng lên 3.000 đồng/lít thì giá xăng trên thị trường liên tục được điều chỉnh tăng và đến thời điểm này, mức tăng đã ngang bằng với mức thuế môi trường đánh lên mỗi lít xăng.
Trước những vấn đề trên, ở góc độ chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Minh Phong - chuyên g cho rằng việc điều chỉnh giá xăng tăng 1.200 đồng/lít ngày 20/5 vừa qua là do diễn biến thị trường trước đó.
“Đáng nhẽ chúng ta phải tăng từ trước đó vì giá xăng dầu thế giới tăng tuy nhiên do quy định về việc điều chỉnh giá sau 15 ngày, đúng ngày điều chỉnh tăng giá thì giá xăng dầu trên thị trường thế giới giảm”, TS. Phong cho biết.
Trước câu hỏi Quỹ BOG còn nhiều tại sao không sử dụng để giảm gánh nặng cho người dân? TS Phong cho rằng, Quỹ BOG của các doanh nghiệp không đồng đều, có doanh nghiệp còn có doanh nghiệp đã hết. Vì vậy nếu yêu cầu doanh nghiệp trích từ Quỹ BOG sẽ làm khó doanh nghiệp không còn Quỹ BOG.
“Để đảm bảo vấn đề điều chỉnh giá xăng được công khai minh bạch theo tôi bỏ Quỹ BOG và tăng cạnh tranh”, TS. Nguyễn Minh Phong nói.
Đại biểu quốc hội lo ngại
Thông tin trên báo Dân trí, trao đổi bên lề kỳ họp sáng nay 21/5, nhiều đại biểu Quốc hội lo ngại việc giá xăng tăng sẽ ảnh hưởng tới tốc độ phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Theo đại biểu Quốc hội Cao Sỹ Kiêm, giá xăng tăng phụ thuộc vào cung cầu trong nước, giá thế giới và cơ chế điều hành giá xăng theo nguyên tắc thị trường. Tuy nhiên, ông cũng bày tỏ thái độ băn khoăn về quyết định tăng giá xăng, thay vì có thể điều chỉnh thuế xuất nhập khẩu xăng.
“Nếu Liên Bộ điều chỉnh giảm thuế nhập khẩu thì giá xăng lần này có thể giữ nguyên. Doanh nghiệp đang phục hồi hoạt động sản xuất, kinh tế đang lên và mới bắt đầu dễ thở hơn, nhưng cùng lúc tăng cả xăng, điện, tỷ giá có thể gây ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp, làm giá thành sản phẩm tăng lên. Điều này khiến cho việc tăng sức cạnh tranh của hàng hóa trong nước bị hạn chế”, ông Kiêm lo ngại.
Đại biểu Quốc hội Bùi Thị An cho rằng, Việt Nam đã theo cơ chế thị trường, giá xăng tăng là theo thị trường, thể hiện tính hội nhập của nền kinh tế.
“Tuy nhiên, chúng ta là thị trường định hướng XHCN, đương nhiên phải có sự quan tâm của Nhà nước. Tôi đề nghị công khai giá xăng từ giá nhập, các nức lỗ, lãi một cách cụ thể. Giá xăng ảnh hưởng đến cuộc sống của nhân dân nên tăng nhanh, giảm chậm dân kêu”, bà An đề xuất.
Bà An nhắn nhủ Liên Bộ cần phải công khai các yếu tố hình thành nên giá xăng dầu, nguồn hàng nhập… “Chính phủ cần yêu cầu các đơn vị kinh doanh xăng phải minh bạch. Quốc hội nên có giám sát chặt chẽ giá xăng”, bà An nói.
Nhiều đại biểu Quốc hội lo ngại việc giá xăng tăng sẽ ảnh hưởng tới tốc độ phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. |
Cho rằng giá xăng cần phải điều chỉnh cho phù hợp với xu thế giá thế giới, nhưng đại biểu Trần Hoàng Ngân lưu ý cơ quan chức năng cần theo sát biến động khó lường của giá thế giới. Theo quan sát của vị đại biểu này, trong ngày 20 - 21/5, giá xăng dầu thế giới đã giảm, nhưng Việt Nam lại điều chỉnh tăng.
“Việc điều chỉnh giá xăng dầu của ta dựa vào một chu kỳ nhất định, một thời gian nhất định, chứ không căn cứ vào biến động giá từng ngày. Cách đây khoảng 1 tuần, giá xăng dầu thế giới tăng, nên ta cũng tăng. Tuy nhiên, do thời điểm công bố giá xăng của ta không phù hợp với giá xăng trên thế giới, tạo nên sự căng thẳng cho người tiêu dùng”, ông Ngân nói.
Do đó, ông Ngân đề xuất Quốc hội nên có một giám sát chuyên đề về giá xăng dầu. Bởi đây là vấn đề thiết yếu trong đời sống hàng ngày và được nhân dân rất quan tâm.
Ông Ngân phân tích, theo quy định, việc điều chỉnh giá xăng phải có thời gian và thời gian đó trong vòng 15 ngày. Trong khi đó, giá xăng dầu các nước được điều chỉnh từng ngày, thế nên mới có độ chênh, khi giá xăng thế giới đang giảm thì giá trong nước lại tăng.
“Nên rút ngắn thời gian điều chỉnh giá xăng, tạo thói quen cho người dân về sự lên, xuống của giá xăng. Chỉ có như thế mới không tạo ra những cú sốc về giá. Vấn đề là làm sao giám sát được hiệu ứng đô- mi - nô từ giá xăng dầu đến giá cả các mặt hàng khác”, ông Ngân nhấn mạnh.
Ngọc Anh (Tổng hợp)
Video: Cách dùng tiền để "mua" hạnh phúc[mecloud]HgcHEp9tvt[/mecloud]