Theo báo Tiền Phong, giá bán lẻ mới của xăng RON95 là lên 23.960 đồng/lít sau khi tăng 1.170 đồng/lít. Xăng E5RON92 bán lẻ tăng 1.160 đồng/lít, lên 22.790 đồng/lít. Dầu diesel loại 0,05S bán lẻ tăng 1.110 đồng, lên 20.260 đồng/lít.
Tại kỳ điều hành này, liên Bộ tiếp tục dừng trích lập vào Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đối với tất cả các mặt hàng xăng dầu.
Các doanh nghiệp được trích sử dụng Quỹ Bình ổn giá với mặt hàng dầu diesel là 400 đồng/lít. Mức trích Quỹ với dầu hỏa là 300 đồng/lít. Các mặt hàng xăng RON95, E5 RON92 và dầu madut áp dụng mức trích sử dụng 0 đồng.
Đây là lần thứ 2 liên tiếp giá mặt hàng nhiên liệu tăng trên 1.100 đồng/lít. Tính từ đầu năm đến nay, giá xăng đã trải qua 22 lần điều chỉnh, trong đó có 12 lần tăng, 7 lần giảm và 3 lần giữ nguyên.
Trước đó, tại kỳ điều chỉnh gần nhất ngày 21/7, giá xăng E5 RON 92 tăng 1.220 đồng/lít, lên 21.630 đồng/lít; xăng RON 95 tăng 1.300 đồng/lít, lên 22.790 đồng/lít. Tương tự, giá dầu diesel tăng 890 đồng/lít lên 19.500 đồng/lít.
Thông tin trên báo Tuổi trẻ, theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu, giá xăng dầu có xu hướng tăng mạnh trong thời gian qua đã khiến mức chiết khấu quay đầu giảm mạnh và có thời điểm về mức 0 đồng như giia đoạn trước.
Trong khi đó, việc sửa đổi Nghị định 83 và nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu vẫn "giậm chân tại chỗ" sau nhiều tháng, Bộ Công Thương chưa công bố dự thảo sửa đổi để lấy ý kiến các bên liên quan.
Các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu cho rằng cơ chế điều hành hiện nay đang gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp kinh doanh, đặc biệt là quyền không được lấy hàng ở nhiều hệ thống và luôn bị nhà bán buôn chèn ép giá.
Mới đây, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký quyết định phê duyệt quy hoạch hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Cụ thể, với hạ tầng xăng dầu, dự trữ dầu thô và sản phẩm chế biến xăng dầu đáp ứng tối thiểu 20-25 ngày nhập ròng, xăng dầu thương mại đáp ứng 30-35 ngày, còn hạ tầng dự trữ quốc gia là 15-30 ngày nhập khẩu ròng.
Với LPG, hạ tầng dự trữ đạt sức chứa tới 800.000 tấn giai đoạn 2021-2030 và tới 900.000 tấn giai đoạn sau năm 2030.
Do vậy, Việt Nam sẽ xây mới 500.000m3 kho chứa xăng dầu đến 2030 phục vụ dự trữ quốc gia. Kho dự trữ dầu thô sẽ được xây mới 1-2 kho tại các khu vực gần nhà máy lọc dầu (Dung Quất, Nghi Sơn, Long Sơn), với tổng công suất 1-2 triệu tấn dầu thô, báo Tiền Phong thông tin.
Vân Anh(T/h)