Ngày 1/11, liên Bộ Tài chính – Công Thương đã điều hành giá xăng dầu trong nước theo chu kỳ 10 ngày/lần.
Tại kỳ điều hành lần này, giá xăng E5RON92 và RON95-III đồng loạt tăng. Cụ thể, xăng E5RON92 tăng 249 đồng/lít lên 22.614 đồng/lít; xăng RON95-III tăng 416 đồng/lít lên 23.929 đồng/lít.
Ở chiều ngược lại, dầu điêzen 0.05S và dầu madút lần lượt là 21.940 đồng/lít và 22.305 đồng/lít (giảm lần lượt 549 đồng/lít và 448 đồng/lít). Mỗi kg dầu madút cũng giảm 373 đồng xuống 16.240 đồng.
Giá bán xăng dầu này được áp dụng từ 15h ngày 1/11/2023.
Liên Bộ Công Thương – Tài chính quyết định không trích lập và không chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá đối với tất cả các mặt hàng xăng dầu.
Theo cơ quan quản lý, giá xăng dầu diễn biến tăng giảm đan xen như trên là do thị trường xăng dầu thế giới kỳ điều hành lần này chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố.
Đó là việc gián đoạn nguồn cung từ cuộc xung đột ở Trung Đông không cao và việc tăng sản lượng từ Mỹ và OPEC khiến giá xăng dầu từ ngày 23-10 đến 1-11 có biến động tăng giảm đan xen.
Cụ thể, bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới giữa kỳ điều hành giá vừa qua tăng khoảng hơn 1% với xăng và giảm từ 2-3% với mặt hàng dầu.
Như vậy, tính từ ngày 3/7, giá xăng đã tăng tới 9 lần, giữ nguyên 1 lần và giảm 2lần, theo báo Tuổi trẻ.
Trước đó, ngày 23/10 của liên Bộ Tài chính - Công Thương đã điều chỉnh giá xăng dầu. Cụ thể, tất cả các mặt hàng xăng, dầu đều tăng giá, với mức tăng cao nhất gần 500 đồng/lít. Cụ thể, giá xăng E5 RON 92 tăng 458 đồng/lít, lên 22.365 đồng/lít; xăng RON 95 tăng 469 đồng/lít, lên 23.513 đồng/lít.
Về mặt hàng dầu, giá dầu diesel tăng 79 đồng/lít, lên 22.489 đồng/lít; giá dầu hỏa tăng 289 đồng/lít, lên 22.753 đồng/lít và giá dầu mazut tăng 375 đồng/kg, lên mốc 16.613 đồng/kg.
Mới đây, Bộ Công Thương vừa hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 95 và 83 về kinh doanh xăng dầu, gửi Chính phủ sau tiếp thu ý kiến các bộ, ngành. Theo đó, Nhà nước vẫn điều hành giá trong nước để kiểm soát nguồn cung, giá bán trong nước. Thời gian điều chỉnh giữa hai đợt thay đổi giá bán lẻ được rút ngắn xuống còn 7 ngày, cố định vào thứ năm hàng tuần.
Trường hợp thứ năm trùng vào ngày cuối cùng của năm Âm lịch (29 hoặc 30 Tết Nguyên đán), lịch điều hành giá thực hiện vào ngày thứ 4 liền kề trước đó. Nếu thứ năm trùng vào ngày mùng 1, 2 hoặc 3 Tết, thì thay đổi giá vào ngày mùng 4 Tết.
Nếu trùng ngày nghỉ lễ, giá xăng dầu sẽ điều chỉnh vào thứ tư liền kề. Nếu trùng các ngày nghỉ lễ còn lại, nhà chức trách sẽ điều hành vào ngày làm việc đầu tiên sau kỳ nghỉ lễ.
Bộ Công Thương sẽ báo cáo Thủ tướng quyết định thời gian điều hành giá phù hợp nếu giá thế giới có biến động bất thường, ảnh hưởng tới phát triển kinh tế xã hội, theo VnExpress.
Vân Anh (T/h)