Theo báo Lao động, ngày mai (2/5) là đến kỳ điều hành giá bán lẻ xăng dầu theo Nghị định 80/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 95 và Nghị định 83.
Giá xăng dầu trong nước đang chịu tác động của giá xăng dầu thế giới và thị trường Singapore.
Trên thị trường thế giới, giá dầu thế giới tuần qua ghi nhận tuần leo dốc sau 2 tuần giảm liên tiếp.
Tuy nhiên, sang tuần này, giá dầu thế giới giảm liên tục từ phiên đầu tuần.
Theo dữ liệu từ Oilprice, lúc 12h25' ngày 1/5 (giờ Việt Nam), giá dầu Brent được giao dịch ở mức 85,59 USD/thùng, giảm 0,74 USD, tương đương 0,86% so với phiên liền trước. Còn giá dầu WTI ở mức 81,15 USD/thùng, giảm 0,78 USD, tương đương 0,95% so với phiên liền trước.
Còn tại thị trường Singapore, trong kỳ vừa qua, giá xăng thành phẩm bình quân ở thị trường này tăng so với kỳ trước. Nhưng mức tăng không quá lớn.
Dựa trên diễn biến giá xăng dầu thế giới, lãnh đạo một số doanh nghiệp xăng dầu nhận định, giá xăng trong nước tại kỳ điều hành ngày mai (2/5) có thể đi lên.
Các doanh nghiệp xăng dầu dự báo, nếu cơ quan điều hành không chi Quỹ bình ổn giá xăng dầu (Quỹ BOG) thì giá xăng E5 RON 92 có thể tăng 60-80 đồng/lít, giá xăng RON 95 có khả năng tăng từ 70-90 đồng/lít. Còn giá dầu diesel có thể đứng yên.
Nếu dự báo trên là chính xác thì giá xăng RON 95 có thể lấy lại mốc 25.000 đồng/lít.
Trong trường hợp liên bộ Tài chính - Công Thương chi Quỹ BOG thì giá xăng có khả năng giữ nguyên.
Từ đầu năm đến nay, giá xăng đã có 9 lần tăng, 6 lần giảm, 2 lần trái chiều.
Trước đó, tại kỳ điều hành ngày 25/4, liên Bộ Công Thương - Tài chính quyết định gỉam giá bán lẻ xăng RON 95-III mức 322 đồng/lít, về còn 24.915 đồng/lít. Giá bán lẻ xăng E5 RON 92 giảm 307 đồng/lít, về còn 23.919 đồng/lít.
Trong khi đó, giá các mặt hàng dầu biến động trái chiều. Giá dầu diesel giảm 730 đồng/lít, về còn 20.716 đồng/lít. Giá dầu hỏa bán lẻ giảm 730 đồng/lít, về còn 20.686 đồng/lít. Ngược lại dầu mazut tăng 202 đồng/kg, lên mức 17.408 đồng/kg, theo báo Tiền Phong.