(ĐSPL) - Giá vàng SJC đã tăng hơn 3,1 triệu đồng/lượng chỉ trong nửa năm giúp nhiều nhà đầu tư "hốt bạc".
Giá vàng SJC đã tăng hơn 3,1 triệu đồng/lượng chỉ trong nửa năm
Cái kết ngoạn mục cho giá vàng tháng 6 gắn liền với sự kiện làm chấn động toàn bộ các thị trường tài chính toàn cầu mang tên “Brexit”, với việc người dân Anh đã bỏ phiếu đồng ý rời khỏi khối Liên minh Châu Âu (EU) trong cuộc trưng cầu dân ý ngày 23/6 vừa qua.
Tại thị trường Việt Nam, đóng cửa phiên giao dịch tuần vào trưa ngày 2/7, giá vàng SJC niêm yết trên bảng giá giao dịch của Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn áp dụng tại thị trường TP. Hồ Chí Minh đứng tại mức 35,45 – 35,85 triệu đồng/lượng (giá mua vào – bán ra), áp dụng tại thị trường Hà Nội và các địa phương khác đứng tại mức 35,45 – 35,87 triệu đồng/lượng. Còn trên hệ thống của Tập đoàn DOJI, giá vàng SJC đóng cửa tuần đứng tại mức 35,68 – 35,83 triệu đồng/lượng.
Như vậy, tính chung cả tuần vừa qua (27/6 – 2/7), giá vàng SJC đã tăng lên 700 ngàn đồng/lượng. Nếu tính riêng trong 2 ngày đầu tháng 7 thì giá vàng SJC đã tăng 630 ngàn đồng/lượng và riêng trong cả tháng 6, giá vàng SJC đã tăng đạt tới 2,5 triệu đồng/lượng. Theo đó, giá vàng SJC hiện đã tăng tới 3,12 triệu đồng/lượng kể từ đầu năm 2016 tới nay và đang đứng ở vùng giá cao nhất trong 21 tháng – kể từ ngày 30/9/2014.
Trên thị trường thế giới, giá vàng cũng đã tăng giá khá ấn tượng trong phiên đóng cửa tuần, giúp cho giá vàng thế giới có tuần tăng giá thứ 5 liên tiếp và đưa giá vàng lên vùng giá cao nhất trong 21 tháng. Cụ thể, tại thời điểm đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần, giá vàng giao ngay niêm yết trên sàn giao dịch Kitco đứng tại mức 1.341,61 USD/ounce, tăng khoảng 20 USD/ounce so với giá đóng cửa phiên trước đó và ghi dấu đạt mức tăng khoảng 1\% trong cả tuần qua.
Như vậy, giá vàng đã có tuần thứ 5 đi lên liên tiếp và hiện đang đứng ở mức giá cao nhất trong 21 tháng. Tính chung trong 6 tháng đầu năm, giá vàng đã tăng lên khoảng 24,4\% và riêng trong tháng 6 đạt mức tăng tới khoảng 8,7\%.
Trước đó, trong những tháng đầu năm 2016, giá vàng cũng đã được hưởng lợi, nhờ việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã nhiều lần trì hoãn việc tăng lãi suất đồng USD, do tình hình kinh tế Mỹ cũng như kinh tế toàn cầu còn gặp những khó khăn.
Nhưng “cú thúc” cho giá vàng có mức tăng nhanh, bất ngờ và tạo ấn tượng nhất chính là sự kiện mang tên Brexit. Đến nay, mặc dù đã có những phản ứng trái chiều về hậu sự kiện Brexit, nhưng bất chấp việc thị trường chứng khoán toàn cầu đã có sự hồi phục khá mạnh mẽ sau sự kiện Brexit, giá vàng hiện vẫn tiếp tục đi lên mạnh mẽ, điều đó cho thấy vẫn còn tâm lý lo ngại của giới đầu tư đối với những hệ lụy từ sự kiện nước Anh rời khỏi EU trong thời gian tới. Bởi với truyền thống của giới đầu tư là luôn coi vàng như một kênh đầu tư an toàn trong bối cảnh địa chính trị và kinh tế bất ổn, vì vậy mặt hàng kim loại quý này lại được giới đầu tư quan tâm và dòng tiền được thu hút đáng kể vào kênh đầu tư này.
Giá vàng SJC đã tăng hơn 3,1 triệu đồng/lượng chỉ trong nửa năm. (Ảnh minh họa). |
Giới đầu tư vàng “hốt bạc”
Chuyên gia Trần Thanh Hải cho biết sự kiện Anh rời EU vừa qua đã khiến bảng Anh và EUR mất giá, đồng đôla tăng.
“Về nguyên tắc đồng đôla tăng giá kéo giá vàng giảm nhưng lần này, vàng và USD lại cùng đi lên. Lý do là sau sự kiện Anh rời EU, người dân đã bán bảng Anh và EUR chuyển sang mua vàng và đôla như một kênh bảo toàn tài sản. Tuy nhiên lực mua vàng mạnh hơn lực mua USD nên dẫn đến cả USD và vàng đều tăng, trong đó giá vàng tăng mạnh hơn”, ông Hải cho biết.
Theo ông Hải, sự kiện Anh rời EU tác động thế nào thì đến nay vẫn chưa lường hết được, nhưng có vẻ sự phản ứng của dân Anh đang quyết định nhiều nhất.
“Có thể vàng và USD vẫn giữ ở mức cao trong vòng từ 1-2 tháng nữa, sau đó sẽ có sự chuyển dịch. Nếu kinh tế Mỹ mạnh lên, FED tăng lãi suất thì đồng USD sẽ thắng thế, còn nếu ngược lại vàng sẽ neo cao. Như vậy về trung hạn cái quyết định sẽ là kinh tế Mỹ và USD-Index chứ không phải sự kiện Anh rời EU”, ông Hải dự đoán.
Còn liệu giá vàng có trở lại mức giá như thời đỉnh cao, theo ông Hải là khó xảy ra.
“Vàng sẽ lình bình ở mức 1.300 USD/ounce. Còn diễn biến sau đó thế nào thì phải chờ đến tháng 9, khi kỳ nghỉ hè kết thúc và khi đó người dân bình tĩnh trở lại cũng như các thông tin về chính sách của Mỹ rõ ràng hơn”, ông Hải nói thêm.
Trao đổi trên báo VietnamNet, TS Nguyễn Thế Hùng, chuyên gia của Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, cho hay, sau Brexit, nếu giá vàng thế giới tăng 20\% như nhiều dự báo thì giá vàng trong nước sẽ chỉ tăng cao nhất 40 triệu đồng/lượng.
TS Hùng là chuyên gia có 20 năm nghiên cứu về vàng và là nguyên Tổng giám đốc Ngân hàng Bipielle Thuỵ Sĩ tại Việt Nam, nguyên Trưởng đại diện Tập đoàn chuyên về xuất nhập khẩu vàng MKS Finance SA tại Việt Nam.
Vị chuyên gia này phân tích: việc lo ngại ảnh hưởng của Brexit có thể kéo dài nên đã tạo tâm lý của các nhà đầu tư, của giới đầu cơ muốn hướng tới tài sản an toàn hơn, đặc biệt là vàng. Và rõ ràng, vàng đã tăng rất mạnh ngay sau Brexit.
Theo TS Hùng, nếu làm bài toán so sánh đơn giản rằng, giá vàng thế giới từ năm 2008-2012 là tăng 40\%, đạt đỉnh 1.920 USD/ounce. Lúc ấy, giá vàng trong nước cũng tăng từ 26 triệu đồng/lượng tăng lên 49 triệu đồng/lượng. Tỷ lệ tăng trong nước là 53\%. Tương tự như vậy, tại thời điểm bây giờ, giá vàng thế giới bây giờ là 1.310 USD/ounce chẳng hạn, giả dụ chỉ tăng lên 20\%, đạt 1.580 USD/ounce. Nếu theo logic như vậy, giá vàng trong nước sẽ tăng 30\%, cụ thể là giá sẽ lên tới 45 triệu đồng/lượng.
Thông tin trên Trí thức trẻ, vàng đang trở thành tài sản được săn tìm nhiều nhất trên thị trường tài chính trong bối cảnh kinh tế chính trị có nhiều biến động hiện nay.
Trong Báo cáo triển vọng thị trường tiền tệ vừa công bố, HSBC nhận định: "Là một dạng tài sản đầu tư ít rủi ro, vàng sẽ tăng giá sau quyết định “rời EU”, chúng tôi dự đoán một sự đầu tư an toàn khá lớn sẽ nhắm vào vàng".
Vấn đề này được đưa ra tranh luận rất thẳng thắn. Tình trạng bất ổn do kết quả bỏ phiếu vừa qua ở Anh sẽ khiến lực mua vàng tăng để giúp cân bằng giá. Mối liên hệ ở đây là sợi dây liên kết toàn cầu giữa vàng và những thị trường tài chính rộng lớn.
Trong giai đoạn bất ổn, vàng thường là một trong số ít tài sản được đánh giá là kênh trú ẩn an toàn. Vàng cũng có mối tương quan lịch sử tiêu cực với các loại hình tài sản “đầu tư có nhiều rủi ro”.
Trong trường hợp dòng vốn khiến GBP và EUR yếu đi, vàng có thể sẽ là kênh đầu tư hoàn hảo. Điều này có thể sẽ có một tác động tăng giá ảnh hưởng lên vàng.
"Dù chúng tôi chỉ kỳ vọng giá vàng sẽ tăng 10\%, giá vàng thực tế có thể tăng cao hơn nếu thị trường ngày càng lo ngại về tương lai EU sau cuộc trưng cầu dân ý vừa qua", HSBC nêu ý kiến.
Đối với những đơn vị tiền tệ có khả năng tăng giá sau khi Anh quyết định rời EU như CHF và JPY, ngân hàng trung ương của hai loại tiền tệ này có nguy cơ sẽ phải can thiệp nhằm kiểm soát việc tăng giá của đồng tiền mình. Vàng không liên quan hay phụ thuộc vào bất kỳ cơ quan quản lý tiền tệ hoặc chính sách kinh tế nào; do đó, vàng sẽ gần như hoàn toàn không có những nguy cơ bị can thiệp.
Nếu nhà đầu tư thật sự cho rằng việc CHF hay JPY tăng giá có thể khiến nhà nước phải can thiệp thì họ sẽ chuyển dòng đầu tư sang vàng – một danh mục đầu tư an toàn hơn.
Ngọc Anh (Tổng hợp)
Nguồn: Người đưa tin