(ĐSPL) - Khi đi mua nhà, nhiều người cứ thấy thích là mua mà không chú ý đến những vấn đề xa hơn. Dưới đây là những sai sót thường gặp của người đi mua nhà.
Quên mất những vấn đề quan trọng
Có những ngôi nhà mà chúng ta cảm thấy thích ngay từ khi mới bước vào. Bạn rất hài lòng với kiến trúc nhưng lại quên kiểm tra hoặc bỏ qua những sai sót quan trọng khác mà ngôi nhà có thể có. Trong tương lai, những sai sót đó có thể làm bạn tốn rất nhiều tiền và thậm chí bạn phải sửa chữa toàn bộ. Hai điều quan trọng mà bạn có thể quên là các đường ống dẫn nước và các hệ thống điện. Hãy luôn chắc chắn rằng bạn đã kiểm tra kỹ trước khi kí hợp đồng.
Không dự tính về ngân sách
Rất nhiều người gần như bị phá sản sau khi mua một ngôi nhà. Lý do duy nhất là họ không hề có kế hoạch ngân sách dài hạn. Ngay cả trước khi bắt đầu tìm kiếm, bạn đã phải vạch ra một ngân sách mà mình có thể chi trả. Ngân sách này không chỉ là về giá của ngôi nhà. Hãy chừa ra một khoảng cho chi phí cải tạo, chi phí vận chuyển và một số chi phí phụ trong quá trình tìm nhà.
Quá vội vàng
Một số người vội vàng bởi vì họ đang tuyệt vọng để tìm một ngôi nhà. Một số là bởi vì họ thích những ngôi nhà đầu tiên mà họ xem. Đừng vội vàng. Trừ khi bạn đã tìm thấy một ngôi nhà thực sự vừa ý, bởi vì có thể sẽ có những ngôi nhà khác cũng đạt tiêu chuẩn của bạn và thêm cả những điều kiện tốt hơn nên hãy kiên nhẫn một chút và có thể bạn sẽ tìm được một thỏa thuận tốt hơn.
Ảnh minh họa. |
Không suy nghĩ xa hơn
Bạn muốn có được một ngôi nhà mà bạn thực sự yêu thích vì bạn sẽ sống ở đó. Nhưng đó chưa chắc là kết thúc câu chuyện. Khu dân cư đóng một vai trò quan trọng trong cuộc sống của bạn cũng giống như nhà vậy. Nếu khu phố nơi bạn chọn là một cơn ác mộng thì cuộc sống của bạn cũng sẽ sớm trở thành ác mộng. Ngoài ra, nếu bạn có con, hoặc định có trong tương lai gần, bạn cần phải suy nghĩ về điều kiện giáo dục trong khu vực. Bạn cũng phải tính toán chi phí đi lại và các chi phí quan trọng khác. Có những điều nằm ngoài ngôi nhà của bạn nhưng nó cũng rất quan trọng.
Gật đầu trước khi thuê một chuyên gia kiểm tra ngôi nhà
Bạn đã tìm thấy một ngôi nhà hoàn toàn phù hợp! Nói cách khác, bạn đang cảm thấy ngôi nhà ấy là người bạn đời trong mộng hằng mơ ước và bạn sẵn sàng “kết hôn” ngay? Hãy khoan! Bạn đã hiểu gì về ngôi nhà mà bạn đang cảm thấy thích thú?
Rất cần một chuyên gia để kiểm tra sự an toàn của ngôi nhà tiềm năng đó. Chuyên gia này sẽ kiểm tra những vấn đề hết sức quan trọng như đánh giá kết cấu, xây dựng, các hệ thống điện nước của ngôi nhà và sẽ cung cấp cho bạn mức giá xấp xỉ cho những vấn đề cần sửa chữa nếu cần thiết. Hãy nhớ rằng những chuyên gia kể trên được đào tạo để tìm lỗi, vì vậy đừng quá bất ngờ khi họ “sản xuất” ra một danh sách dài các lỗi mà ngôi nhà mơ ước của bạn đang tiềm ẩn.
Bạn nên tìm và tự thuê chuyên gia kiểm tra ngôi nhà độc lập với các đại lý môi giới bất động sản, để đảm bảo rằng không có xung đột lợi ích và tránh gian lận nếu có từ đại lý.
Ảnh minh họa. |
Không xem xét khả năng thanh khoản của ngôi nhà
Bạn vừa mới mua nhà, viễn cảnh bán nhà chưa bao giờ thoáng qua trong tâm trí của bạn.Tuy nhiên, cuộc sống đầy rẫy những bất ngờ. Khoan nói đến những bất ngờ xấu, khi bạn buộc lòng phải tính chuyện bán nhà vì xảy ra những biến cố, thì việc bạn có thể dễ dàng bán được nhà khi muốn chuyển sang ngôi nhà mới tốt đẹp hơn cũng luôn là điều tuyệt vời.
Tính thanh khoản của ngôi nhà quyết định một phần giá trị của ngôi nhà. Nếu có vị trí tốt, trang trí nội thất đẹp… ngôi nhà ấy sẽ có tính thanh khoản cao và ngược lại.
Thiếu cẩn trọng khi tiến hành giao dịch
Trước khi tiến hành kí hợp đồng mua bánnhà, bạn cần chắc chắn các thủ tục xin vay vốn bên ngân hàng đã ổn thỏa. Theo đó, chỉ đặt cọc khi ngân hàng đã duyệt hồ sơ vay vốn nếu bạn không muốn bị mất trắng số tiền cọc mua nhà. Thông thường, thủ tục cho vay của ngân hàng sẽ không giống nhau tuy nhiên nếu căn hộ bạn dự định mua nằm trong dự án có liên kết với bên ngân hàng thì khoản này sẽ được giải quyết dễ dàng hơn.
Tuyệt đối không bao giờ kí hợp đồng mua nhà trước rồi mới chuyển hồ sơ qua ngân hàng thẩm định bởi chẳng điều gì có thể bảo đảm 100\% hồ sơ của bạn sẽ được xét duyệt. Vì vậy, để tránh rủi ro mất tiền cọc hãy làm theo hướng ngược lại.
Người mua cần bảo vệ mình như thế nào để mua nhà an toàn
Luật sư Nguyễn Văn Hậu cho biết: Trước hết, người mua cần phải tìm hiểu căn nhà mình dự tính mua có tranh chấp không? Người đại diện đứng ra ký kết hợp đồng có phải là chủ sở hữu thật sự của căn nhà? Nếu là tổ chức thì người ký kết phải là người đại diện theo pháp luật của tổ chức đó, trường hợp người đó không phải là đại diện thì phải được ủy quyền hợp pháp.
Cần yêu cầu bên bán cho xem tất cả giấy tờ của căn nhà để đảm bảo tính hợp pháp và đầy đủ. Để an toàn hơn, ngoài việc bàn bạc với người bán, người mua nhà nên kiểm chứng những thông tin trên bằng cách liên hệ UBND phường, cơ quan công chứng, phòng quản lý đô thị nơi căn nhà đó tọa lạc để xác minh sự trung thực và khả năng của việc mua bán nhà được thực hiện.
Chỉ sau khi xác minh đầy đủ những vấn đề trên thì mới tiến hành đặt cọc để mua nhà.
Để đảm bảo an toàn cho người mua nhà, việc đặt cọc nên được thực hiện ở Phòng Công chứng mặc dù pháp luật không bắt buộc hợp đồng đặt cọc phải ra công chứng. Sau đó, khi tiến hành chuyển nhượng quyền sở hữu nhà, hai bên phải chuẩn bị những giấy tờ cần thiết như: Hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu nhà (do hai bên tự soạn thảo hoặc có thể sử dụng bản “hợp đồng mẫu” của cơ quan công chứng); các giấy tờ tùy thân (CMND, chứng minh công nhân quốc phòng, hộ khẩu...); các giấy tờ về tài sản chuyển nhượng (giấy tờ hợp lệ về quyền sở hữu nhà ở theo quy định).
Tuyết Mai (Tổng hợp)
Nguồn: Người đưa tin