(ĐSPL) - Giá xăng tăng 2 lần liên tiếp với mức tăng không hề nhỏ đã bắt đầu tác động đến giá cả hàng hóa. Nhiều đơn vị sản xuất vì chi phí tăng nên bắt buộc phải tính toán nâng giá sản phẩm...
“Dội” áp lực lên giá tiêu dùng
Đợt điều chỉnh giá xăng tăng 1.200 đồng/lít lần này đã cộng hưởng khá mạnh với 2 đợt điều chỉnh giá xăng trong năm 2015, cùng cú điều chỉnh tỷ giá tăng thêm 1\% và giá điện tăng 7,5\%.
Ông Cao Tiến Vị, Tổng giám đốc Công ty giấy Sài Gòn, cho biết công ty chủ yếu dùng nguyên phụ liệu nhập khẩu để sản xuất nên khi tỷ giá điều chỉnh, cộng với giá xăng tăng đã đẩy chi phí đầu vào lên cao. Năm nay giấy Sài Gòn cần khoảng 14 triệu USD để đáp ứng nhu cầu nhập khẩu nguyên phụ liệu. Do vậy, sau khi hứng chịu hai đợt tăng giá xăng dầu đã làm chi phí đầu vào của sản phẩm tăng cao, làm mất tính cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu lẫn tiêu thụ nội địa.
Trong khi đó, giám đốc một công ty cổ phần gang thép tại Thái Nguyên cho biết đợt tăng giá xăng mới nhất ngày 20.5 khiến cước vận chuyển gang, thép rồi chi phí nhập khẩu nguyên liệu của công ty đã tăng đáng kể lên hơn 10\%. Vì vậy, doanh nghiệp đang tính toán có thể sẽ phải tăng giá các sản phẩm đúc gang cho các đối tác.
Tại nhiều cửa hàng, siêu thị, chợ truyền thống, giá xăng tăng liên tiếp chỉ trong vòng hơn 2 tuần khiến nhiều người tỏ ra lo ngại. Chị Ngô Thu Hà (giảng viên một trường ĐH tại Q.Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: “Mỗi lần giảm giá thì chỉ thấy có vài trăm đồng, còn tăng giá thì vừa nhanh lại vừa cao cứ 1.000 - 2.000 đồng/lít. Các tiểu thương ở chợ thì hay vin vào đó để tăng giá bán lương thực, thực phẩm. Hôm nay tôi đi chợ đã thấy các bà kháo nhau rau, củ quả, thịt cá sắp tăng theo giá xăng rồi”.
Cục Thống kê Hà Nội hôm qua đã công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Hà Nội tháng này tiếp tục tăng 0,12\% so với tháng trước và tăng 0,93\% so với cùng kỳ năm trước. So với tháng 12.2014, CPI Hà Nội tăng 0,46\%. Ước tính chỉ số giá tiêu dùng bình quân 5 tháng tăng 0,62\% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân chính khiến chỉ số giá tháng này tăng là do giá xăng dầu được điều chỉnh tăng từ ngày 5/5 kéo theo một số nhóm hàng tăng theo, đặc biệt là nhóm giao thông tăng 1,06\% so với tháng trước.
Nguyên nhân chính khiến chỉ số giá tháng này tăng là do giá xăng dầu được điều chỉnh tăng từ ngày 5/5 kéo theo một số nhóm hàng tăng theo, đặc biệt là nhóm giao thông tăng 1,06\% so với tháng trước. (Ảnh minh họa). |
Cùng thời điểm, Cục Thống kê TP.HCM cũng cho biết giá tiêu dùng (CPI) tháng 5 trên địa bàn thành phố tiếp tục tăng nhẹ với mức 0,3\% so với tháng trước. Trong đó, nhóm tăng giá gồm: may mặc, mũ nón, giày dép 0,1\%; thiết bị đồ dùng gia đình 0,02\%; nhóm văn hóa giải trí, du lịch 0,07\% và đặc biệt giao thông 1,05\%.
Đánh giá tác động của đợt điều chỉnh giá xăng lần này, Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) Nguyễn Anh Tuấn cho rằng chắc chắn giá nguyên, phụ liệu đầu vào sẽ bị ảnh hưởng, chi phí của doanh nghiệp tăng lên. Bên cạnh đó, giá hàng hóa tiêu dùng cũng chịu tác động không nhỏ. “Đặc biệt là giá cước vận tải vì xăng, dầu chiếm tỷ lệ lớn trong chi phí đầu vào. Tuy nhiên, Cục Quản lý giá đang bám sát diễn biến thị trường, theo dõi chặt chẽ việc kê khai, đăng ký giá cước của các doanh nghiệp. Nếu có dấu hiệu tăng giá bất hợp lý chúng tôi sẽ yêu cầu địa phương vào cuộc xử lý”, ông Tuấn khẳng định.
Các hãng taxi không "gồng" được nữa
Thông tin trên báo Tuổi trẻ, ông Nguyễn Văn Thanh, chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam, cho rằng giá xăng tăng hơn 3.000 đồng/lít thời gian qua nên cước taxi nhất định phải điều chỉnh.
Mức tăng cụ thể, theo ông Thanh, khoảng 10\%, không thể ít hơn vì giá xăng chiếm đến gần 50\% yếu tố cấu thành giá cước taxi hiện nay.
Thời điểm giá cước taxi chính thức tăng thì chưa thể nói được bởi việc tăng giá luôn phải đi theo lộ trình là doanh nghiệp gửi đề xuất tăng giá lên cơ quan quản lý giá địa phương, tiếp đó là việc cài đặt lại đồng hồ tính cước.
Ông Võ Thành Nhân, chủ tịch Hiệp hội Taxi TP Đà Nẵng, cho biết dù giá xăng có tăng từ đầu năm đến nay nhưng giá cước taxi tại Đà Nẵng vẫn chưa có sự điều chỉnh nào.
Ông Nhân cho biết lý do chưa tăng giá cước trong những lần xăng tăng trước đây là vì muốn bình ổn thị trường và chia sẻ với người tiêu dùng, “không phải cứ xăng tăng thì giá cước taxi lại nhảy lên. Mấy đợt vừa rồi chúng tôi cũng “gồng” mình lên để gánh chi phí gia tăng”, ông Nhân nói.
Bên cạnh đó, việc điều chỉnh giá xăng diễn ra liên tục nên nếu lần nào cũng điều chỉnh thì sẽ tốn rất nhiều chi phí cho việc cài đặt lại đồng hồ.
Tuy nhiên, với lần tăng ngày 20-5 vừa qua thì tới đây, hiệp hội phải cân nhắc để tăng giá cước taxi.
“Chúng tôi đang cân nhắc để tăng giá cước, nếu không thì chịu không nổi vì giá xăng hiện nay cao quá rồi”, ông Nhân chia sẻ.
Mức tăng giá cước của một số hãng taxi tại Hà Nội tương ứng với lần tăng giá xăng này là khoảng 500-1.000 đồng/km, tùy loại phương tiện và chất lượng phương tiện, đó là chia sẻ là ông Bùi Danh Liên, chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội.
Ông Nguyễn Văn Thanh, chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam, cho rằng giá xăng tăng hơn 3.000 đồng/lít thời gian qua nên cước taxi nhất định phải điều chỉnh. |
Cước vận tải hành khách, vận tải hàng hóa chưa tăng
Về cước vận tải hàng hóa, ông Tô Văn Hiệp, chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa đường bộ Đà Nẵng, cho biết sẽ không có sự tăng giá nào trong lần điều chỉnh giá xăng dầu này.
“Mức tăng 500 đồng/lít vẫn nằm trong giới hạn thỏa thuận 5\% giữa doanh nghiệp và khách hàng về điều chỉnh giá cước theo giá xăng dầu. Tức nếu giá tăng hoặc giảm quá 5\% thì mới có sự điều chỉnh lên xuống. Do đó trong lần tăng giá này, giá cước vận tải hàng hóa của các doanh nghiệp tham gia hiệp hội vẫn giữ nguyên như cũ”, ông Hiệp cho hay.
Có cùng câu trả lời là không tăng giá cước vận tải hàng hóa, ông Lâm Đại Vinh, phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM, cũng đưa ra lý giải là do phương tiện của hiệp hội chủ yếu chạy dầu và giá xăng tăng thì “không có cơ sở để tăng giá cước. Khi nào giá dầu tăng mới tính chuyện tăng chi phí”, ông Vinh nói.
Tại Hà Nội, ông Bùi Danh Liên cho biết mức tăng 500 đồng đối với một lít dầu diesel chưa phải là quá nhiều để điều chỉnh giá cước của dịch vụ vận tải hàng hóa và vận tải hành khách.
Ông Nguyễn Văn Thanh cũng đưa ra lý giải tương tự, các loại hình vận tải khác như vận tải hành khách, vận tải hàng hóa chủ yếu sử dụng dầu diesel nên hiện vẫn chưa có sự điều chỉnh giá nào. “Khi nào dầu diesel tăng khoảng 10\% thì giá cước mới tăng theo, lần này chỉ tăng 500 đồng/lít thì vẫn chưa đình chỉnh gì”, ông Thanh nói.
Ngọc Anh (Tổng hợp)
Video:[mecloud]D8lx5mL2NP[/mecloud]