(ĐSPL) – Giá dầu thô hôm nay không nhiều biến động nhưng vẫn dưới ngưỡng 50 USD/thùng do các nhà đầu tư nghi ngờ tính khả thi kế hoạch cắt giảm sản lượng của OPEC.
Giá dầu hôm nay khá ổn định nhưng vẫn không thể vượt quá mốc 50 USD/thùng. Lý do là bởi các nhà đầu tư lo ngại thỏa thuận cắt giảm sản lượng của OPEC khó đạt được. Chưa kể đến sự bất ổn chính trị của Venezuela khiến sản lượng dầu mỏ có thể biến động khó lường.
Giá dầu thô Brent biển Bắc trên thị trường châu Á được giao dịch ở mức 49,95 USD/thùng, giảm 3 xu so với cùng giờ phiên giao dịch trước đó.
Giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) được giao dịch với giá 48,17 USD/thùng, giảm 1 xu so với cùng giờ phiên giao dịch kề trước.
Giá dầu hôm nay giảm nhẹ và vẫn dưới mốc 50 USD/thùng. |
Như vậy, giá dầu hôm nay chỉ giảm nhẹ so với trước đó nhưng lại tiếp tục rời xa mốc 50 USD/thùng, trái với kỳ vọng của nhiều nhà đầu tư.
Theo các nhà đầu tư, dầu thô Brent biển Bắc đang cố gắng vượt ngưỡng 50 USD/thùng trong bối cảnh Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và nhà sản xuất không thuộc OPEC như Nga có thể đạt được thỏa thuận kiềm chế sản lượng để hỗ trợ giá.
"Các nhà đầu tư vẫn chưa chắc chắn là liệu OPEC có thể thực hiện các thỏa thuận dự kiến cắt giảm sản lượng hay không", ngân hàng ANZ cho biết.
Thỏa thuận cắt giảm sản lượng đang được Ả rập Xê út – nước sản xuất dầu mỏ lớn nhất OPEC và Nga – nước ngoài OPEC có lượng dầu sản xuất lớn nhất thế giới phối hợp trao đổi khi cuộc họp của OPEC đang đến gần.
Vậy nhưng, thỏa thuận này đang gặp khó khăn do Iraq – nhà sản xuất dầu lớn thứ 2 của OPEC cho biết sẽ không cắt giảm sản lượng. Lý do được đưa ra là nhà nước này cần nguồn ngân sách để chống lại Nhà nước Hồi giáo IS. Chính phủ nước này đang cố gắng thu hút các nhà đầu tư để tăng sản lượng từ mốc hiện nay là 4,43 triệu thùng mỗi ngày.
Trên thị trường dầu thô Mỹ, dầu WTI giao tháng 12 đã giảm 553 nghìn thùng trong tuần trước khiến số hàng tồn kho chỉ còn 468,16 triệu thùng.
Tuy nhiên, ngân hàng ANZ cho biết: “Sự sụt giảm này là ở bờ biển phía Tây. Trên thực tế, hàng tồn kho đang gia tăng ở phía Đông và vùng vịnh”.
Bên cạnh đó, Venezuela, một thành viên của OPEC đang gặp bất ổn chính trị khi các cuộc biểu tình chống lại chính phủ ngày một gia tăng khiến nhiều người lo lắng sản lượng dầu thô của nước này sẽ bị ảnh hưởng. Điều này có thể khiến lượng dầu sản xuất của Venezuela biến động khó lường.
Trên thị trường châu Á, nhu cầu dầu mỏ ở Hàn Quốc đang tăng lên được coi là một yếu tố thúc đẩy giá dầu trong thời gian tới.
NGỌC BÉ (Theo Reuters)
Xem thêm video:
[mecloud]M2Xgfk49aX[/mecloud]