(ĐSPL) - Nhóm đối tượng người Trung Quốc móc nối với đối tượng trong nước, gọi điện thoại giả danh Công an để chiếm đoạt số tiền hơn 3.7 tỷ đồng.
Báo Thanh niên thông tin, ngày 12/12, Viện KSND tối cao ban hành cáo trạng truy tố Zheng Zhu En, Zheng Ke Xi (cùng ở tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc); Nguyễn Văn Thiên, Đinh Văn Đạt, Nguyễn Văn Trung (cùng ngụ Đồng Nai) và Nguyễn Văn Doanh (ngụ H.Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên) về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Nhóm đối tượng lên kế hoạch lừa đảo chiếm đoạt hơn 3.7 tỷ đồng - Ảnh minh họa |
Theo báo An ninh thủ đô, tháng 12/2014, Nguyễn Văn Thiên, Nguyễn Thị Hằng (là phiên dịch tiếng Trung Quốc) đã cấu kết với đối tượng tên là A Trần (người Trung Quốc), “đào tạo” cách thức lừa đảo qua điện thoại cho các đối tượng Nguyễn Văn Doanh, Đinh Văn Đạt, Nguyễn Văn Trung, Nguyễn Thị Hằng, Lê Thị Hương và Trần Văn Lợi.
Tiếp đó, A Trần lập “tổng đài” ở tỉnh Phúc Kiến, phân công Hằng, Trung, Hương giả danh nhân viên tổng đài bưu điện để gọi điện đến các chủ thuê bao máy cố định ở Việt Nam, lấy lý do các chủ thuê bao nợ cước điện thoại với số lượng lớn, rồi khai thác thông tin về chủ thuê bao.
Với những thông tin có được, Đạt, Doanh, Lợi được phân công giả danh Công an, gọi điện cho chủ thuê bao để vu rằng họ đang liên quan đến một đường dây tội phạm, khai thác xem chủ thuê bao có tiền gửi ở các ngân hàng hay không. Nếu chủ thuê bao có tiền gửi ngân hàng thì bộ phận này chuyển máy cho Thiên; để đối tượng này giả danh là cấp trên, đồng thời yêu cầu chủ thuê bao chuyển tiền vào tài khoản do Thiên chỉ định.
Trước đó, Thiên đã thuê một số người làm thẻ ATM tại ngân hàng để tiếp nhận tiền lừa đảo có được. Zheng Zhu En và Zheng Ke Xi chịu trách nhiệm thuê phòng nghỉ tại khách sạn ở Móng Cái, nhận thẻ ATM và đi rút tiền khi đồng bọn lừa đảo trót lọt. Rút được tiền, các đối tượng sẽ đổi sang Nhân dân tệ để chuyển về Trung Quốc cho A Trần. Với thủ đoạn nêu trên, A Trần, Nguyễn Văn Thiên và các đồng phạm đã thực hiện trót lọt 4 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản với tổng số tiền hơn 3,7 tỉ đồng.
Về vụ án này, Viện KSND Tối cao đã có cáo trạng truy tố các bị can nêu trên và chuyển hồ sơ đến TAND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu để xét xử. Sau đó TAND tỉnh đã quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Cho đến nay, cơ quan tố tụng vẫn giữ quan điểm truy tố 6 bị can với tội danh Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Điều 139. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi bổ năm 2009): 1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm: a) Có tổ chức; b) Có tính chất chuyên nghiệp; c) Tái phạm nguy hiểm; d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức; đ) Dùng thủ đoạn xảo quyệt; e) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng; g) Gây hậu quả nghiêm trọng. 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm: b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng. 4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân: a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên; b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. 5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.” Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo |
(Tổng hợp)