|
Anh em song sinh Hồ Tú Ân và Hồ Tú Ẩn 12 năm liên tục là học sinh giỏi. |
Những tưởng hai đứa con trai đỗ 6 trường đại học là niềm vui, niềm hạnh phúc, nhưng vợ chồng ông Hồ Văn Tứ vui thì ít mà lo thì nhiều, áp lực triền miên, ám ảnh về con đường đến giảng đường còn lắm chông chênh.Anh em sinh đôi đỗ 6 trường đại học
“Nhà ông Tứ có hai đứa sinh đôi đỗ 6 trường đại học hử? Đi theo cô,...” - một người hàng xóm tốt bụng đã nhiệt thành dẫn chúng tôi đến tận nhà hai em học sinh. “Kia kìa, cuối con đường đất này là nhà 2 đứa...”, cô hàng xóm đưa tay chỉ thẳng về phía trước và nói.
Căn nhà cấp 4 cũ kỹ nằm ẩn mình trong một con hẻm nhỏ của tổ 12, khối phố Hồng Lư, phường Hòa Hương. Không khó lắm để có thể tìm nhà của anh em sinh đôi Hồ Tú Ẩn và Hồ Tú Ân đỗ 6 trường đại học với số điểm cao ngất ngưởng nức tiếng cả phố thị Tam Kỳ những ngày qua.
Hai anh em đều đỗ 3 trường đại học: Hồ Tú Ẩn đỗ Trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng (D: 27,1 điểm), Đại học KHXH & NV TP.Hồ Chí Minh (D: 22 điểm) và Đại học Quảng Nam (A: 20,5 điểm); Hồ Tú Ân đỗ Trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng (D: 27,3 điểm), Đại học Sư phạm TP.Hồ Chí Minh (D: 21 điểm) và Đại học Quảng Nam (A: 21 điểm).
|
Những thành tích hai em đã đạt được. |
Từng nổi danh với thành tích 12 năm là học sinh giỏi nên thông tin 2 em đỗ điểm cao 6 trường đại học không bất ngờ với thầy cô và bạn bè Trường THPT Chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm. Khi còn đi học, hai em từng “rinh” về những thành tích cao cho nhà trường trong các đợt thi học sinh giỏi văn cấp tỉnh (thành phố), sáng tác văn học...
Bật mí về những “bí kíp” để thi đỗ đại học, 2 anh em rụt rè cho biết: bám chắc sách giáo khoa, năng xem thời sự, đọc sách, báo, tập phân tích, bình luận và đánh giá một vấn đề nào đó mà mình quan tâm. Ngoài ra, cần phải phân bổ thời gian giữa việc học và chơi một cách hiệu quả. Ngoài thời gian học, còn phải sắp xếp thời gian tham gia các phong trào ngoại khóa, xã hội.
Một gia cảnh khốn khó
Hai anh em Tú Ẩn và Tú Ân sinh ra và lớn lên trong một gia đình có hoàn cảnh hết sức khó khăn. Mang tiếng là học sinh thành phố nhưng hai em chưa một lần được hưởng cái gọi là sự sung túc, no đủ của một công dân thành phố. Ngày qua ngày, sau giờ học căng thẳng ở trường, Ẩn và Ân lại trở về gia đình với bao trăn trở thường nhật. Hai anh em phải xếp sắp chu toàn chuyện học tập, vui chơi và phụ giúp ba mẹ chuyện gia đình, bếp núc và đồng áng.
|
Đằng sau niềm vui của những bậc sinh thành là nỗi lo thường trực về con đường đến trường của hai con. |
Ba mẹ hai em, ông Hồ Văn Tú và bà Nguyễn Thị Phương Thảo, năm nay đã ngoài 60, sức khỏe không dẻo dai, minh mẫn như xưa. Đôi chân ông Tú mấy năm gần đây bị thần kinh tọa, tê bại, ê ẩm cả người. Còn đôi mắt bà Thoa kém dần, một quả thận bị teo suốt 17 năm nay chưa có điều kiện đi cắt bỏ, khiến sức khỏe bị giảm sút nghiêm trọng.
Ngoài nuôi 2 đứa con trai ăn học, ông bà phải chăm đứa con gái bị tâm thần, ngớ ngẩn, câm điếc là chị Hồ Thị Kim Thoa mấy chục năm nay. Mọi sinh hoạt trong gia đình cũng may có đứa con trai thứ hai là Hồ Tuấn Vũ (SN 1979) làm lao động phổ thông với khoản thu nhập bấp bênh hỗ trợ. Lo cho cả nhà nên cho đến nay dù nay đã 35 tuổi anh vẫn chưa dám nghĩ đến chuyện lập gia đình.
Cả gia đình mấy năm nay chỉ trông chờ vào mấy giàn hoa thiên lý, sáng sáng ông bà vẫn cần mẫn hái bưng ra chợ đổi gạo, cá về ăn qua bữa. Thi thoảng rảnh rỗi, ông Tú lại bỏ thời gian tỉ mẩn chăm những chậu hoa mai để cuối năm đem bán kiếm tiền sắm tết. Trong khi đó, bà Thảo lại tranh thủ ra chợ buôn rau kiếm thêm ít tiền lo cho bữa ăn hàng ngày.
Ngay cả ngôi nhà mà vợ chồng ông bà đang ở vẫn là gia sản của cha mẹ ông bà để lại. Gần 40 năm lấy nhau, ông bà vẫn chưa thể nào xây cất nên được một ngôi nhà tươm tất để trú nắng, che mưa. Căn nhà của cha mẹ nay đã xuống cấp, không còn như xưa. Mái ngói đã đậm màu thời gian...
Được biết, gia đình ông Hồ Văn Tứ đã từng là diện hộ nghèo, cận nghèo mấy chục năm nay. Gia đình thường xuyên nhận được sự hỗ trợ kịp thời của địa phương.
Học sư phạm để không tốn học phí
Thấu hiểu hoàn cảnh gia đình khó khăn nên từ nhỏ hai anh em đã nỗ lực trong học tập đem lại niềm vui, an ủi cho ba mẹ già. Suốt 12 năm học phổ thông, hai anh em luôn đạt danh hiệu học sinh giỏi và nhiều thành tích khác cho nhà trường. Nhìn bảng thành tích học tập năm 12 của hai em mà không khỏi ngỡ ngàng khi hai em học lớp chuyên văn mà điểm tổng kết năm 12 vẫn là xuất sắc. Đặc biệt, những môn sở trường luôn trên 9,5 và xấp xỉ 10,0.
Là dân chuyên văn nên hai anh em có nhiều điều kiện tiếp cận và tham gia cọ xát thực tế để bồi dưỡng năng lực cảm thụ văn học, phát huy óc sáng tạo ở trẻ thơ. Ở trường, hai em bám sát SGK, về nhà đọc thêm sách báo, xem các chương trình khoa giáo, tập viết văn thơ gửi báo. Đó là những nền tảng để hai em có kết quả thi đại học cao.
Chia sẻ về thành tích này, em Hồ Tú Ẩn khiêm tốn nói: “Có gì đâu ạ! So với lớp em thì bình thường ạ. Lớp em có 36 bạn thì đã có trên 30 bạn đỗ đại học rồi. Kết quả của chúng em có sá gì đâu. Chúng em còn phải cố gắng nhiều hơn nữa để không phụ lòng của ba mẹ đã 12 năm nuôi em ăn học ạ.”
Biết vậy nên Hồ Tú Ân dù đỗ 2 trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng và Đại học Quảng Nam, nhưng đã từ chối và chấp nhận học Sư phạm Ngữ Văn, Trường Đại học Sư phạm TP.Hồ Chí Mình phần nhiều là để ba mẹ bớt gánh nặng học phí, phần ít cũng là theo đuổi đam mê, dẫu biết nghề dạy học giờ ra trường khó xin việc.
Trong khi đó, Hồ Tú Ẩn cũng như người em song sinh khi quyết định lựa chọn ngành Quản trị Dịch vụ Du lịch & Lữ hành, Đại học KHXH & NV TP.Hồ Chí Mình mà bỏ 2 trường còn lại. Theo Ẩn cho biết: “Muốn vào trong đó cho anh có em, có gì đùm bọc nhau nữa. Hơn nữa, học du lịch để thỏa niềm mong ước là đi để khám phá. Cao hơn là ngày đưa ba mẹ, anh chị em “thoát” khỏi xóm nghèo nơi quê nhà còn lắm nghèo khó.”
Hai em còn cho biết thêm, sau khi nhập học, hai anh em sẽ kiếm việc làm thêm ngoài giờ học. Anh em đã chọn là sẽ đi làm gia sư để linh động thời gian và đào sâu kiến thức.
"Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm” là lời nhắn nhủ của ông Hồ Văn Tú gửi đến hai người con thân yêu của mình trước ngày con lên xe vào trường nhập học. Ông bà vẫn hy vọng, dẫu con đường đại học 4 năm trời dài đằng đẵng sẽ vững tâm hơn khi trên mỗi bước đi của các con luôn có hình bóng của cha mẹ dõi theo.
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/gia-canh-khon-kho-cua-anh-em-song-sinh-do-6-truong-dai-hoc-a49427.html