+Aa-
    Zalo

    Gia cảnh khốn cùng của chàng thủ khoa Hà Tĩnh

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Đỗ 2 trường Đại học nhưng Trần Văn Cường buồn lo nhiều hơn vui sướng, em còn không dám chắc liệu mình có thể đi học hay không vì gia cảnh quá khốn khó.

    Đỗ 2 trường Đại học nhưng Trần Văn Cường, trường THPT Trần Phú (Hà Tĩnh) buồn lo nhiều hơn vui sướng, em còn không dám chắc liệu mình có thể đi học hay không, vì gia cảnh quá khốn khó, éo le.
    Những ngày này, người dân thôn Trung Nam, xã Trung Lễ, huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) không lúc nào ngớt lời khen ngợi Trần Văn Cường, học sinh trường THPT Trần Phú (Hà Tĩnh) khi đạt Thủ khoa và Á khoa 2 trường đại học (ĐH) danh tiếng: Thủ khoa ĐH Bách Khoa TP HCM với 28,5 điểm và Á khoa ĐH Y Hà Nội với 29 điểm.

    Gia cảnh khốn cùng của thủ khoa Hà Tĩnh

    Bác Trung không cầm nổi nước mắt khi nói về gia cảnh và cậu con trai của mình

    Gia đình thủ khoa Trần Văn Cường là gia đình thuộc diện hộ nghèo nhiều năm trong xã. Cường là em út trong gia đình 5 anh em. Bố Cường là Trần Văn Như (62 tuổi) bị bệnh tim và bệnh thần kinh hành hạ, đã nhiều năm nay không đủ sức khỏe để giúp vợ công việc đồng áng cũng như việc nhà. Mẹ cậu thủ khoa nghèo cũng đau ốm thường xuyên, ngoài đàn gà choai mới lớn, một con bò và 7 sào ruộng khoán, đều một tay bác Nguyễn Thị Trung (58 tuổi) quán xuyến.
    Lúc rảnh rỗi, bà còn đi cấy thuê, gặt lúa thuê để có tiền nuôi Cường ăn học và chữa bệnh cho chồng. Gia cảnh quá nghèo nên khi học hết cấp 3, lần lượt các anh chị của Cường đều phiêu bạt vào các khu công nghiệp phía Nam làm công nhân, với đồng lương ít ỏi nên không thể hỗ trợ kinh tế phụ giúp cho gia đình.

     

    Gia cảnh khốn cùng của chàng thủ khoa Hà Tĩnh
    Góc sinh hoạt, học tập, nghỉ ngơi của thủ khoa Hà Tĩnh

    Từ lúc sinh ra, Trần Văn Cường đã là con nhà nghèo, nhưng chính cái nghèo ấy tiếp sức cho Cường có một động lực vượt khó học giỏi phi thường. “Ngay từ lúc cháu nó đi học, dù gia đình nghèo khó nhưng tôi vẫn cố hết sức nuôi cháu ăn học. Thằng Cường là đứa đáng thương nhất, quần áo, sách vở đến trường của cháu đều phải dùng lại của các anh chị, hoặc của bà con làng xóm. Khi nó học cấp 3, mỗi buổi sáng đến trường cháu cũng phải nhịn ăn sáng, còn bữa trưa, buổi chiều thì bữa cơm bữa cháo. Lâu nay, bố nó bị bệnh, tôi cũng cũng bị bệnh hành hạ, nhưng nhìn cháu đam mê học tập, tôi tự nhủ với bản thân mình phải cố gắng, cố đến khi nào không thể mới thôi…”, bác Nguyễn Thị Trung xót xa tâm sự.
    Với nghị lực vươn lên, cùng ý chí vượt khó trong học tập, 12 năm học Cường đều là học sinh giỏi xuất sắc nhất của lớp, của trường. Trong 3 năm học trường THPT Trần Phú, cậu bạn đều là học sinh giỏi môn Toán của tỉnh và đặc biệt năm lớp 12, Cường đã xuất sắc đạt giải 3 môn toán trong kỳ thi học sinh giỏi toán Quốc gia.
    Khi biết tin mình đậu thủ khoa trường ĐH Bách Khoa TP.HCM, cậu bạn chạy ù một mạch về nhà khoe với cha mẹ. Nhưng khi về đến nhà thì bố đang lên cơn động kinh, thấy thân hình gầy mòn, ốm yếu của mẹ đang xoa bàn tay ấm áp lên thân thể của người cha bị bệnh tim và bệnh thần kinh hành hạ, Cường quên đi mọi thứ, vội vàng chạy lại giường giúp mẹ, vỗ về cho cha. Lâu nay, cha bị bệnh như vậy nhưng ít khi có thuốc uống, mẹ phải nhiều lần đi vay hàng xóm để chạy chữa.
    Khi đó em đã khóc, khóc vì gia cảnh em nghèo, khóc vì mình không thể làm gì lo được cho mẹ cha, chỉ cố gắng học thật giỏi để khỏi phụ lòng mẹ cha. Tối đến, em báo tin cho mẹ con đã đậu thủ khoa của trường ĐH Bách khoa TP. Hồ Chí Minh. Dù trong ánh mắt mẹ, em biết, mẹ rất vui mừng, nhưng trong đó chứa nhiều nỗi lo âu. Em biết, nhà đã vay mượn của bà con làng xóm quá nhiều, lại vay ngân hàng xóa đói giảm nghèo nên niềm vui đó em cố nén trong lòng, và khóc đẫm gối khi đêm đã về khuya”, Cường kể lại.

    Gia cảnh khốn cùng của thủ khoa Hà Tĩnh

    Bố và mẹ Cường đã già, đau ốm thường xuyên

    Sau khi đậu thủ khoa trường ĐH Bách Khoa TP. HCM, ít ngày sau em lại nhận được kết quả là á khoa trường Đại học Y Hà Nội với số tổng điểm 29, nhưng em không dám về nói với cha mẹ, vì gia cảnh nhà em quá nghèo, cha mẹ đau ốm triền miên. Hôm trước, mẹ đã gọi người đến xem con bò trong ràn (chuồng) với ý định của mẹ là thời gian tới bán đi cho em có tiền ăn học, nhưng em nhất quyết không cho mẹ bán, vì đó là tài sản quý giá nhất của gia đình em”, Cường nghẹn ngào tâm sự.
    Được biết, hiện nay gia cảnh của gia đình thủ khoa Trần Văn Cường vô cùng khó khăn. Cha mẹ đều mang trong mình những trọng bệnh, nhà cửa chẳng có cái gì đáng giá, ngoài một con bò và 7 sào ruộng đang được chính Cường và mẹ cày, cấy, gặt. Vì lo cho chồng thuốc men, cho con ăn học, những món nợ của gia đình bác Nguyễn Thị Trung cứ lớn dần theo năm tháng. “Chọn một trong hai trường để đi học, liệu mẹ em, cha em lấy tiền đâu cho em ăn học, con bò là tài sản quý giá nhất của gia đình em phải bán đi, em không cầm lòng”, Cường bùi ngùi tâm sự.

     

    Gia cảnh khốn cùng của chàng thủ khoa Hà Tĩnh
    Cường không muốn mẹ bán tài sản lớn nhất của gia đình

     

    Gia cảnh khốn cùng của thủ khoa Hà Tĩnh

    Ngôi nhà lụp sụp của gia đình Cường

    Đối với nhiều gia đình, con cái đỗ đại học là một niềm vui rất lớn, thế nhưng với gia đình Trần Văn Cường, đó lại là một nỗi lo âu. Con đỗ 2 trường đại học điểm cao nhưng người cha đang nằm trên giường bệnh không thuốc chữa, mẹ vất vả ruộng vườn, người ngày càng khô héo, rồi tương lai cậu thủ khoa nhà nghèo này sẽ đi về đâu?

    Mọi sự giúp đỡ của những tấm lòng hảo tâm xin gửi về địa chỉ:

    - Em Trần Văn Cường

    Thôn Trung Nam, xã Trung Lễ, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. SĐT: 01667983762.

    - Báo Đời sống & Pháp luật tại Miền Trung

    Số 03, Đại lộ Lê Nin, TP Vinh - Nghệ An; ĐT/Fax: 038.8601010;

    Số tài khoản: 0191012468008, Ngân hàng Bảo Việt Nghệ An, chủ tài khoản: Báo Đời sống & Pháp luật tại Miền Trung.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/gia-canh-khon-cung-cua-chang-thu-khoa-ha-tinh-a44455.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan