(ĐSPL) - Mẹ mất sớm, bố đau ốm thường xuyên, con đường bước vào giảng đường Đại học Giao thông Vận tải của em Nguyễn Quốc Ước đến từ xã Thanh Liên, huyện Thanh Chương (Nghệ An) đang gặp rất nhiều khó khăn.
Ước sinh ra trong gia đình đông anh em, bố mẹ quanh năm suốt tháng làm nông. Năm em lên 10, mẹ em đột nhiên đổ bệnh khiến gia đình lâm vào cảnh túng quẫn khi bao nhiêu tài sản trong gia đình đều đội nón ra đi để lo tiền chạy chữa cho mẹ. Thế nhưng, số phận nghiệt ngã đã cướp đi người phụ nữ của gia đình. Cảnh bố em, ông Nguyễn Quốc Kháng (SN 1958) một mình nuôi con khiến nhiều người không khỏi rơi nước mắt.
|
Ước cùng bố và cô em gái 17 tuổi bị suy dinh dưỡng |
Từ ngày mẹ mất, bố em ngày ngày bán mặt cho đất bán lưng cho trời ở ngoài đồng để mong có thêm hạt lúa, hạt gạo cho các con. Bữa cơm của mấy bố con Ước chỉ là cơm rau, quả cà muối. Bố em lại hay ốm đau thường xuyên, đứa em gái bị suy dinh dưỡng. Thương bố, thương em, Ước một buổi đi học, một buổi ra đồng phụ giúp bố và anh trai. Thỉnh thoảng, em lại tranh thủ mò cua, bắt ốc, thả lươn…bán kiếm tiền mua cái bút, quyển vở.
“Từ ngày mẹ nó mất, mấy bố con tôi cứ sống làm quần quật cả ngày mà không đủ sống. Đời cha mẹ khổ rồi, giờ chỉ mong con cái được học hành, mai mốt thoát nghèo thôi”, ông Kháng rớm nước mắt chia sẻ với chúng tôi.
Theo tìm hiểu, ngôi nhà của bốn bố con em Ước đang ở là nhà tình nghĩa được bà con lối xóm quyên góp, giúp đỡ và xây dựng lên năm 2004. Trong căn nhà tình thương ấy, không có nổi một vật gì quý giá ngoài bộ bàn ghế đã cũ. Bên cạnh là căn bếp bị xiêu vẹo, dột nát.
Ước nghẹn ngào nói: “Nhà bếp bị dột nhiều lắm. Những hôm trời mưa, em vừa nấu ăn vừa phải tránh mưa. Nếu hôm nào mưa to, gió lớn, mấy cha con đành nhịn ăn, đợi khi nào trời tạnh mưa em mới xuống nấu cơm được.”
|
Căn bếp dột nát của nhà em Ước |
Gia đình em Nguyễn Quốc Ước thuộc diện hộ nghèo của xã trong nhiều năm. Nói đến hoàn cảnh khó khăn của gia đình em, không ai trong xã Thanh Liên không biết.
“Tội mấy bố con nhà thằng Ước, nhà nghèo, vất vả, ông Kháng giờ lại bệnh tật suốt. Đứa em gái 17 tuổi thì bị suy dinh dưỡng, người bé tý như học sinh cấp 1. Thằng Ước ngày nào cũng đi bắt lươn, mò cua, bắt cá bán lấy tiền đi học. Nhìn mấy anh em nhà nó mà chảy nước mắt”, một người dân ở xóm Liên Hòa chia sẻ.
Vất vả là vậy nhưng em Ước luôn biết phấn đầu và giành thành tích cao trong học tập. Trong suốt 3 năm qua, Nguyễn Quốc Ước luôn đạt danh hiệu Học sinh giỏi toàn diện của Trường THPT Thanh Chương 3. Ngoài ra, em còn khiến bạn bè nể phục khi đạt giải Học sinh giỏi cấp tỉnh môn Hóa học.
Trong ngôi nhà không có gì đáng giá của ông Kháng, những tờ giấy khen của Ước chính là tài sản vô giá mà em mang về cho gia đình. Thầy cô, bạn bè hay các em nhỏ trong xóm đều lấy Ước làm tấm gương về tinh thần vượt khó học giỏi.
|
Những giấy khen của Ước có lẽ là thứ quý giá nhất mà ông Kháng cảm thấy hãnh diện nhất |
Ngày làm hồ sơ thi đại học, Ước đã nghĩ đến các trường quân đội, an ninh nhưng vì chiều cao không đủ nên em đã quyết định thi trường Đại học Giao thông Vận tải. Ngày lên thành phố thi đại học, nhìn bạn bè có người thân đi cùng mà em không khỏi ngậm ngùi.
“Bố em đau ốm nên không đi cùng em được. Vả lại, bố mà đi lại tốn thêm tiền. Nếu mẹ còn sống, chắc mẹ sẽ đi cùng em”, Ước xúc động nói.
Từ ngày thi xong đại học, thời gian em ở ngoài đồng nhiều hơn ở nhà. Trong xã, ai có việc gì cần thuê người làm, Ước đều nhận. Đồng tiền ít ỏi kiếm được em vừa để mua thuốc cho bố, vừa trang trải cho cuộc sống gia đình.
|
Con đường học tập phía trước của Ước thực sự rất gian nan |
Khi chúng tôi hỏi về sự lựa chọn cho tương lai, Ước chia sẻ: “Khi biết đậu vào trường ĐH Giao thông vận tải, em vui lắm nhưng không biết em có theo học được không anh chị à”.
“Em muốn trở thành một kỹ sư giỏi, xây dựng những công trình giao thông quan trọng cho đất nước. Nhưng giờ đây, em không biết phải thực hiện ước mơ như thế nào nữa bởi hoàn cảnh gia đình khó khăn quá”, Ước tâm sự thêm.
Chia tay với chàng tân sinh viên nghèo mà lòng chúng tôi nặng trĩu. Liệu con đường đến với giảng đường của em có thực hiện được không khi gia đình đang phải kiếm từng bữa cơm.
Mọi sự chung tay, góp sức của các nhà hảo tâm, đồng hành cùng Nhịp cầu Hồng Đức xin gửi về: - Ông Nguyễn Quốc Kháng Xóm Liên Hòa, xã Thanh Liên, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An Điện thoại: 01648678556 - Báo Đời sống & Pháp luật tại Miền Trung: Số 03, Đại lộ Lê Nin, TP Vinh - Nghệ An; ĐT: 0388903176; Fax: 038.8601010; Số tài khoản: 0191012468008, Ngân hàng Bảo Việt Nghệ An; Chủ tài khoản: Báo Đời sống & Pháp luật tại Miền Trung |
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/gia-canh-khon-cung-cua-tan-sinh-vien-dh-giao-thong-van-tai-a48658.html