“Dùng lại cho… tiết kiệm”
Bất cứ ai cũng ngỡ ngàng khi được chứng kiến câu chuyện ghi tại phố Hàng Khoai, phường Đồng Xuân, Hoàn Kiếm (Hà Nội). “Găng tay này bên “Tây” nó dùng 1 lần, còn bên ta tiết kiệm dùng lại cho đỡ… phí”, một chủ hàng bán găng tay tại phố Hàng Khoai khẳng định.
Khi được hỏi về số găng tay đã qua sử dụng bày bán bên hiên cửa, “liệu có phải rác thải y tế tuồn ra từ bệnh viện hay không”, người bán hàng chắc nịch: “Rác thải hay không chỉ cần giặt tẩy bằng hóa chất để dùng thì có sao. Người cần đồ rẻ có rẻ, ai cần đồ mới có mới, cả phố bán từ bao năm qua đã thấy ai bị bệnh tật gì đâu mà lo. Chú cứ mua thử một chục về mà dùng, loại này nhiều người mua lắm…”
Trong vai người có nhu cầu hỏi mua với số lượng lớn về cho công nhân sử dụng, phóng viên được chủ hàng đon đả giới thiệu rành rọt. Hàng đã qua sử dụng “nhập” từ nước ngoài về giá 35.000 đồng/tá, còn hàng trong nước đã qua sử dụng chỉ 20.000 đồng/tá. Lý giải về hàng “nhập” và hàng nội, bà chủ cửa hàng khẳng định, hàng ngoại là của các trung tâm thí nghiệm, bệnh viện nước ngoài, họ sử dụng một lần rồi thải ra, sau đó, có “đường dây” đưa về nước ta. Còn hàng nội được thu mua lại của đầu nậu lấy ra từ một số bệnh viện, sau đó mang đến “đổ” cho cửa hàng.
Gần 1 tấn găng tay vẫn còn dính máu được CAQ Long Biên thu giữ. Ảnh: Đ.T |
Câu hỏi mà nhiều người đặt ra, sau vụ việc Công an quận Long Biên bắt giữ 8 tạ găng tay vẫn còn dính máu, liệu có sự cấu kết giữa nhân viên y tế và người có nhu cầu kinh doanh loại rác thải này. Về tính nguy hại của loại rác y tế này, ông Vũ Đức Khánh, nguyên Trưởng khoa Mắt, tai mũi họng Bệnh viện Thanh Nhàn cho biết, trong y tế thường sử dụng 2 loại găng tay cao su: Thứ nhất là loại mỏng, các y tá, bác sỹ thường dùng vào việc tiêm, xét nghiệm; Loại thứ hai dày hơn dùng trong phẫu thuật, điều trị bệnh nhân có nguy cơ lây nhiễm… Theo quy định, những dụng cụ này chỉ sử dụng 1 lần là vứt bỏ, tiêu hủy.
Về hiện tượng rác thải y tế, trong đó có găng tay, bị tuồn ra ngoài, rồi được tẩy rửa và bán cho người có nhu cầu, ông Khánh khẳng định điều này đang diễn ra, do một số cá nhân ham lợi nhuận cũng như quy trình xử lý, quản lý chất thải y tế của nhiều cơ sở y tế còn lỏng lẻo. Ông Khánh cho biết, nếu găng tay còn dính máu thì người sử dụng lại rất có thể lây nhiễm bệnh nếu tay chân bị trầy, xước.
Trao đổi với phóng viên về hiện tượng kinh doanh găng tay “bẩn” ở phố Hàng Khoai, Thiếu tá Vũ Quốc Toản, Trưởng Công an phường Đồng Xuân cho biết: “Chúng tôi biết khu vực này chuyên bán các loại bảo hộ lao động trong đó có nhiều loại găng tay. Đơn vị sẽ tiến hành kiểm tra, nếu phát hiện và có đủ cơ sở khẳng định các cửa hàng này bán găng tay là sản phẩm từ rác thải y tế thì sẽ xử lý nghiêm”.
Bỏ ngỏ việc kinh doanh găng tay “bẩn” Ngày 11/9, phóng viên đã trao đổi qua điện thoại với chỉ huy Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 2 phụ trách địa bàn quận Hoàn Kiếm và các Đội QLTT cơ động số 1, số 14 về hiện tượng kinh doanh găng tay có dấu hiệu thẩm lậu từ các cơ sở y tế ra thị trường. Câu trả lời của chỉ huy các Đội này là chưa bao giờ kiểm tra, xử lý hoạt động kinh doanh găng tay ở phố Hàng Khoai nói riêng, cũng như hiện tượng mua bán găng tay “bẩn” nói chung. Khẳng định các sản phẩm bày bán trên thị trường phải có nguồn gốc rõ ràng, và phải được kiểm tra, nhưng phía cơ quan QLTT cho rằng, trách nhiệm ấy không riêng lực lượng QLTT. Rõ ràng, lâu nay mặt hàng tiềm ẩn nhiều mầm bệnh này đang bị buông lỏng quản lý. |