Theo Tri thức trực tuyến, thị trường trái phiếu trong tháng 4 vừa qua chứng kiến sự trầm lắng khi không có đợt phát hành riêng lẻ mới nào được thực hiện.
Bên cạnh đó, hoạt động mua lại trước hạn cũng có sự chững lại, với hơn 4.833 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ được mua lại trước hạn trong tháng, nâng tổng giá trị mua lại trước hạn trong 4 tháng đầu năm lên hơn 39.388 tỷ đồng.
Trong khi đó, hoạt động đàm phán thay đổi điều khoản giữa tổ chức phát hành và trái chủ diễn ra tích cực hơn trong tháng 4, đã có nhiều tổ chức phát hành đạt được đồng thuận với trái chủ về gia hạn thời hạn trái phiếu.
Sang tháng 5, áp lực trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đáo hạn sẽ tiếp tục gia tăng, trong khi danh sách các doanh nghiệp chậm thanh toán theo công bố của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) cũng ngày càng nhiều.
Nhóm phân tích của Công ty Chứng khoán VNDirect ước tính có khoảng 17.900 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ sắp đáo hạn trong tháng này, tăng 12,6% so với tháng 4 (số liệu đã loại trừ các trái phiếu được mua lại trước hạn đến ngày 24/4).
Hiện toàn thị trường có khoảng 57 doanh nghiệp nằm trong danh sách chậm nghĩa vụ thanh toán lãi hoặc nợ gốc trái phiếu doanh nghiệp theo thông báo của HNX.
Tổng dư nợ của các doanh nghiệp này vào khoảng 152.700 tỷ đồng, chiếm khoảng 13,9% dư nợ trái phiếu riêng lẻ toàn thị trường. Trong đó, nhóm doanh nghiệp bất động sản chậm thanh toán chiếm 11,1% dư nợ toàn hệ thống.
Cũng theo VNDirect, hơn 45.200 tỷ đồng trái phiếu của các doanh nghiệp trong danh sách trên sẽ đáo hạn trong năm nay, chiếm khoảng 19,4% tổng giá trị đáo hạn toàn thị trường cả năm.
Tương tự, theo Dân Việt, các chuyên gia của FiinRatings cho rằng, áp lực đáo hạn trái phiếu vẫn còn quá lớn. Thị trường bất động sản nhà ở tiếp tục trầm lắng trong nửa đầu năm 2023 làm kéo dài giai đoạn kinh doanh khó khăn cho nhiều doanh nghiệp, cũng như làm suy giảm khả năng thực hiện nghĩa vụ nợ định kỳ sắp tới. Do đó, tỷ lệ nợ xấu trái phiếu dự báo tiếp tục đà tăng trong quý II và III/2023 khi những thay đổi chính.
Vân Anh(T/h)