Năm học 2017 – 2018 đã bắt đầu được gần nửa tháng nhưng hơn 96% phụ huynh và hơn 93% giáo viên THCS Hưng Dũng, TP.Vinh, tỉnh Nghệ An vẫn bỏ phiếu đề nghị chấm dứt triển khai chương trình trường học mới VNEN, xin chuyển sang sách giáo khoa hiện hành.
Bất cập VNEN
Năm học 2017 – 2018 là năm học thứ ba Nghệ An triển khai dạy học theo mô hình trường học mới VNEN, trong đó có trường THCS Hưng Dũng, TP.Vinh. Thế nhưng, đây cũng là năm thứ hai phụ huynh gửi đơn kiến nghị xin được bỏ mô hình này. Nhiều phụ huynh đã phải xin cho con chuyển trường vì sợ chương trình không đảm bảo chất lượng.
Sự việc trở nên nóng hơn khi bước vào năm học mới, gần 300 phụ huynh học sinh lớp 7 và lớp 8 trường THCS Hưng Dũng tiếp tục viết đơn gửi lãnh đạo sở Giáo dục và Đào tạo, UBND tỉnh Nghệ An xin dừng học chương trình mô hình trường học mới.
Trường THCS Hưng Dũng, nơi gần 100% phụ huynh yêu cầu bỏ VNEN. |
“Chúng tôi đại diện cho 290/316 phụ huynh đang có con em học tại trường, yêu cầu dừng chương trình dạy học theo mô hình mới với các lý do: Cơ sở vật chất không đủ điều kiện, số lượng học sinh quá đông (trên 35 học sinh/lớp) sách giáo khoa không đồng bộ”, ông Đinh Văn Công, một phụ huynh viết trong lá đơn gửi sở Giáo dục và Đào tạo.
Sau khi nhận được đơn, ngày 1/9, sở Giáo dục và Đào tạo đã cùng với phòng Giáo dục và Đào tạo TP.Vinh đến làm việc và đối thoại với phụ huynh tại trường THCS Hưng Dũng nhằm mục đích tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng về chương trình học mới này.
Rất nhiều phụ huynh phát biểu rằng theo chỉ đạo của bộ Giáo dục và Đào tạo, việc học chương trình VNEN hay không phải có sự đồng thuận giữa nhà trường và phụ huynh, thế nhưng tại trường THCS Hưng Dũng đang có sự ép buộc. Mong muốn của phần đông mọi người là xin được bỏ chương trình VNEN.
Cuối cùng, sở Giáo dục và Đào tạo đồng ý để ban giám hiệu nhà trường lấy ý kiến của giáo viên, phụ huynh và học sinh về phương án lựa chọn sách giáo khoa. Ngày 11/9, cuộc họp có sự tham gia của 436 phụ huynh các khối 6, 7, 8. Kết quả, 419/436 (chiếm hơn 96%) phụ huynh đồng tình với chủ trương chuyển sang sách giáo khoa hiện hành. Ngoài ra, có tới 27/29 (hơn 93%) giáo viên đang tham gia dạy mô hình trường học mới cũng đồng ý bỏ VNEN.
Với kết quả trên, thầy Ninh Viết Tăng, Hiệu trưởng trường THCS Hưng Dũng cũng cho biết: “Việc triển khai VNEN, nhà trường không tự nguyện, mà thực hiện nhiệm vụ trên giao. Tuy nhiên, không những phụ huynh mà các giáo viên cũng rất mệt mỏi khi ban đầu phải dạy cùng lúc 2 chương trình. Vì thế cũng rất nhiều thầy cô muốn dừng VNEN”.
Thầy Tăng cho biết thêm, sau khi đưa ra quyết định trên, nhà trường đã thông báo với phụ huynh mua lại sách giáo khoa hiện hành để dạy cho học sinh ngay từ tuần học này và chấm dứt việc dạy học theo chương trình trường học mới ở trường THCS Hưng Dũng.
Hàng trăm bộ sách giáo khoa VNEN sẽ bị bỏ phí?
Tuy nhiên, một số phụ huynh băn khoăn rằng giữa nội dung sách giáo khoa hiện hành và nội dung sách theo chương trình trường học mới có khá nhiều chênh lệch. Hơn nữa, năm học mới đã bắt đầu gần nửa tháng, sách VNEN không có trên thị trường nên phải đặt mua từ trước, giờ đây nhà trường không cho trả lại gây nên tình trạng lãng phí.
“Trước đó, nhà trường họp phụ huynh để triển khai nội dung năm học mới, thì phải đặt mua hơn 300 bộ sách giáo khoa cho học sinh. Tổng số tiền lên đến hơn 100 triệu đồng. Nhưng giờ bỏ học VNEN, chúng tôi đề nghị trả lại số sách này thì nhà trường không đồng ý. Bao nhiêu tiền mua sách giờ chỉ xếp xó, trong khi chúng tôi lại phải tiếp tục bỏ tiền ra mua bộ sách mới nữa”, chị Vân Anh, một phụ huynh cho biết.
Trao đổi về việc này, thầy Ninh Viết Tăng cho biết, sách đã được nhà trường đặt mua từ đầu tháng Tám để chuẩn bị cho năm học nên không thể trả lại. Tuy nhiên, để tránh việc lãng phí, sách VNEN xem như tài liệu tham khảo, bổ sung kiến thức cho các em bên cạnh sách giáo khoa hiện hành.
“Việc này chúng tôi đã họp bàn với các phụ huynh rồi, mọi người cũng đã thống nhất, miễn sao là không học VNEN nữa. Đồng thời do bỏ chương trình học VNEN, nên nhà trường cũng đã thông báo cho các phụ huynh mua sách giáo khoa hiện hành cho các học sinh. Nhiều phụ huynh lo sợ các em thiếu kiến thức trước đó đã mua song song 2 bộ sách giáo khoa cho con. Vì thế, ngày đầu tiên (12/9) quay lại việc học sách giáo khoa hiện hành, các em đều có đầy đủ sách vở học như bình thường”, thầy Tăng nói.
Về việc giữa 2 bộ sách giáo khoa có nhiều nội dung chênh lệch, thầy Ninh Viết Tăng cho biết nhà trường đã chỉ đạo các tổ chuyên môn xây dựng kế hoạch giáo dục mới để trình phòng Giáo dục và Đào tạo TP.Vinh phê duyệt.
“Ban giám hiệu đã yêu cầu các tổ chuyên môn rà soát lại toàn bộ sách giáo khoa của 2 chương trình để thống kê nội dung. Qua đó, nếu bài nào học sinh chưa được học trong chương trình trường học mới sẽ tổ chức dạy và bồi dưỡng thêm cho học sinh để đảm bảo kiến thức. Mặc dù lúc đầu sẽ gặp khó khăn, nhưng các giáo viên của nhà trường đều khá và giỏi nên sẽ nhanh chóng tìm cách bổ sung kiến thức cho các em”, thầy Tăng khẳng định.
Tiến hành rà soát các trường triển khai chương trình VNEN Kết thúc năm học 2016 - 2017, theo tổng hợp của sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An, toàn tỉnh có 33 trường triển khai theo mô hình trường học mới ở bậc THCS. “Năm học 2017 – 2018, sở Giáo dục và Đào tạo cho các nhà trường tự linh hoạt trong việc triển khai mô hình trường học mới. Ban giám hiệu sẽ tiến hành họp với các phụ huynh để quyết định, có thể tự lựa chọn tài liệu thích hợp. Hoặc là hiện hành, hoặc là tài liệu theo chương trình học mới, mục đích chính là để đảm bảo chất lượng giáo dục toàn diện”, ông Thái Huy Vinh, Phó Giám đốc sở Giáo dục và Đào tạo cho biết. Sở Giáo dục và Đào tạo hiện đang rà soát để thống kê các trường đang triển khai chương trình VNEN, tuy nhiên dự kiến số trường triển khai sẽ giảm. |
Anh Ngọc - Nguyên Hồ