Thưa Bộ trưởng, tôi không biết ông vào “biên chế” như thế nào, nhưng trong nghề, tôi thấy vào “biên chế” chật vật và phải đánh đổi không ít.
Không phải ngẫu nhiên mà phát ngôn của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ về hướng tới bỏ biên chế giáo viên khiến dư luận “dậy sóng”. Bởi nếu lời Bộ trưởng được hiện thực sẽ ảnh hưởng đến hàng vạn giáo viên.
Bỏ biên chế giáo viên, thầy cô giáo sẽ là những người “chịu trận” đầu tiên. Nhiều giáo viên đã phấn đấu rất nhiều để có hai từ “biên chế” với mong muốn một sự ổn định, yên tâm công tác và chăm lo cho gia đình, bỗng dưng tan biến. Những giáo viên lại phải chật vật vừa lo làm việc, vừa lo “giữ chỗ”, bởi ở xã hội đầy rẫy những tiêu cực này, người làm tốt chưa chắc đã vững chân, người làm nhiều và làm được việc chưa chắc đã được trọng dụng bằng kẻ lười biếng nhưng lại giỏi khua môi múa mép.
Trong bất kỳ một cuộc cải cách nào với người lao động, nếu làm không tốt sẽ có ảnh hưởng xấu đến sản phẩm và chất lượng của sản phẩm. Ở hệ thống giáo dục, người lao động chính là các thầy cô và sản phẩm là những lớp học sinh. Nếu các thầy cô còn đang lo lắng cho tương lai bấp bênh của chính bản thân thì chất lượng giáo dục liệu có còn tốt, “sản phẩm “của nền giáo dục sẽ trở nên như thế nào? Thí điểm bỏ biên chế trong ngành giáo dục không chỉ là thí điểm trên giáo viên, mà cả học sinh cũng sẽ chịu ảnh hưởng.
Thật đáng thương khi những lớp măng non liên tục bị mang ra làm “chuột bạch” một cách trực tiếp và gián tiếp trong suốt bao năm nay: Từ việc cải cách sách giáo khoa, thí điểm học ngoại ngữ hai ở trường cấp 3 trong khi chỉ mỗi tiếng Anh thôi cũng đã là nỗi ám ảnh của rất nhiều em, đến chương trình VNEN, đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020…
Cuối cùng, khi học sinh, sinh viên bị ảnh hưởng bởi cải cách thì các bậc phụ huynh có thể yên tâm được không, thưa Bộ trưởng? Vậy nên, chủ trương bỏ biên chế ấy nếu lại được thí điểm một cách vội vàng, đốt cháy giai đoạn sẽ làm cả xã hội xáo trộn chứ không chỉ riêng ngành giáo dục đâu, thưa Bộ trưởng!
Bộ trưởng đáng kính ạ! Tôi không biết ông vào “biên chế” như thế nào, nhưng ở thế giới của tôi, tôi thấy vào “biên chế” chật vật và phải đánh đổi không ít. Năng lực thôi không đủ, mà con đường đến với biên chế phải trải qua những “luật ngầm” mà ai cũng hiểu. Tôi đồng ý rằng, có một bộ phận thầy cô khi đã vào được biên chế sẽ an phận và thụ động, không còn sáng tạo trong giảng dạy. Thế nhưng, đó chỉ là những “con sâu” làm ảnh hưởng đến “nồi canh” chung. Và, cách mà họ an phận cũng dễ hiểu. Bởi họ đã phải trả giá để có được sự ổn định ấy. Vì thế, họ đương nhiên được quyền hưởng thụ thành quả mà họ đạt được.
Mấu chốt của vấn đề là vậy. Bộ trưởng có dám chắc nếu bỏ biên chế sẽ xóa bỏ được những bất cập trong ngành giáo dục? Thiết nghĩ, bất cập hay không, điều đó xuất phát ngay từ quá trình thi tuyển công chức, viên chức trong ngành giáo dục. Bởi những thầy cô chân chính, những người thực sự yêu nghề, họ luôn muốn được cạnh tranh một cách công bằng. Và cũng vì họ thực sự yêu nghề, nên nhuệ khí ấy sẽ không bao giờ bị thui chột nếu sự công bằng luôn hiện hữu. Nó chỉ thui chột khi họ có sáng tạo, có nỗ lực, nhưng lại không thể đánh bật những “đối thủ” có quan hệ, tiền tệ, hậu duệ… nâng đỡ hay những người “chân trong chân ngoài”, “ngồi mát ăn bát vàng”.
Nếu thay biên chế bằng hợp đồng, bộ phận bị hủy hợp đồng liệu có chắc là những người dạy không tốt hay lại là những thầy cô ngày ngày miệt mài bài vở, nhiệt huyết dâng trào song lại thiệt thòi về đường quan hệ?
Là người tâm huyết với giáo dục, tôi tha thiết mong Bộ trưởng dừng “thí điểm”, mà trước khi thực hiện một đề án nào, hãy nghiên cứu thật kỹ thực trạng, tìm hiểu nguyên nhân sâu xa và tìm cách hiểu thấu đáo vấn đề. Thí điểm chỉ gây ra những căng thẳng và tốn kém không cần thiết!
Vài lời nhắn gửi tới Bộ trưởng, chỉ muốn làm chút gió xua cái “nóng” mà giáo viên đang hứng trọn giữa ngày hè oi ả!
NQS
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả