+Aa-
    Zalo

    Gà lúc nhúc bọ phút chốc thành gà vàng óng nhờ... thuốc độc

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL)- Những con gà thải của Trung Quốc có dấu hiệu thối rữa, sau khi được nhập vào Việt Nam sẽ được “phù phép” thành những con gà bóng nhẫy và vàng rộm.

    (ĐSPL)- Những con gà thải của Trung Quốc có dấu hiệu thối rữa, sau khi được nhập vào Việt Nam sẽ được “phù phép” thành những con gà bóng nhẫy và vàng rộm, thậm chí có thể biến thành đặc sản mang thương hiệu hẳn hoi.
    Gà thải giá 10.000 đồng/kg
    Chúng tôi đã đến các chợ gà nổi tiếng ở Hà Nội như chợ Hà Vĩ (Thường Tín), chợ giống gia cầm Phú Xuyên hay chợ đầu mối Bắc Thăng Long, Long Biên, Cầu Diễn đến các chợ lẻ như Thành Công, Thái Hà, Cầu Giấy, Bưởi, Xuân Đỉnh... để tìm hiểu về đường đi của gà thải loại Trung Quốc.
    Trong vai chủ một quán cơm bình dân, muốn tìm nguyên liệu gà rẻ để chế biến các món ăn. Chúng tôi đến chợ gà Hà Vĩ. Được biết, đây là chợ đầu mối chuyên cung cấp gia cầm cho cả TP.Hà Nội và các tỉnh lân cận. Những con gà có mẫu mã đẹp, chưa thịt, bán với giá 80 – 90 nghìn đồng/kg, gà thịt sẵn bán với giá 40.000 – 50.000 đồng/kg. Gà thải được bán lẫn với gà thương phẩm trong nước để đánh lừa người tiêu dùng.
    Rùng mình “lời tự thú” của trùm gà lậu:
    Gà siêu đẻ thải loại được bán tràn lan trên thị trường.
    Thấy khách có nhu cầu, chủ buôn tên Liên hồ hởi chào hàng: “Em muốn mua bao nhiêu cũng có. Gà thải được nhập lậu qua các cửa khẩu biên giới Lạng Sơn, Quảng Ninh, Lào Cai, Cao Bằng. Những “đầu nậu” ở vùng biên đã “bao biên”, “làm luật” để đưa “hàng” về đến tận Hà Nội nên mới có gà giá rẻ bán đầy chợ chứ! Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, lực lượng chức năng “xử lý mạnh tay”, chị phải tìm cách tiêu thụ khác. Chị không nhập gà về chợ mà quy về tại một địa điểm khác, khi khách đặt “hàng”, chị sẽ cho người chở đến tận nơi. Ngoài ra, chị còn cung cấp gà cho một số chợ đầu mối và chợ lẻ ở nội thành Hà Nội”.
    Theo tìm hiểu của chúng tôi, tại các chợ thực phẩm ở TP. Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh, gà thải của Trung Quốc vẫn được người dân quen gọi là “gà đầu trọc”, “gà siêu trứng”. Tuấn “gà”, một “đầu nậu” phân phối gà lớn bậc nhất thành phố vùng biên này cho biết: “Gà siêu trứng có màu lông vàng, đẻ quả trứng màu vàng sẫm (trứng gà công nghiệp - PV). Gà siêu đẻ sau khi nở khoảng 20 tuần sẽ bắt đầu đẻ trứng, mỗi ngày gà đẻ được một quả. Sau khi đẻ hết trứng, gà sẽ được vỗ béo để bán ra thị trường. “Những “lão pản” (ông chủ) buôn gà sẽ tiến hành thu mua ở khắp các trang trại nuôi gà siêu trứng về vỗ béo. Hàng nghìn con gà được nhốt tập trung tại một khu vực riêng để chăm sóc với “chế độ đặc biệt”. Thức ăn vỗ béo chủ yếu là cám tăng trọng, nước muối và thuốc giữ nước.
    Thuốc giữ nước nhằm mục đích tích nước khiến cho gà tăng cân ảo nhanh chóng. Nước muối khiến cho gà không mất nước trong cơ thể nhưng khi tích tụ nước muối quá nhiều sẽ khiến cho toàn bộ lòng mề của gà bị thối rữa. Tuy nhiên, nhìn bên ngoài thì gà trông rất bắt mắt, nhưng bên trong con gà có thể có bọ bò lúc nhúc. Mỗi con gà nặng khoảng 2kg thì sẽ có 0,5kg nước. Đó là lý do vì sao, gà thải này có sức chịu đựng kém. Đã nhiều chủ hàng chở gà vào ngày gà không chịu được nhiệt độ cao, nắng nóng nên chết gần hết”, Tuấn “gà” nói.
    Theo Tuấn “gà” thì, hiện nay, lượng gà thải nhập lậu theo đường tiểu ngạch vào Việt Nam nhiều vô kể. Có rất nhiều lái buôn ở khắp các tỉnh, thành “đánh” ô tô để chở gà. Mỗi xe, họ “làm luật” với lực lượng chức năng khoảng 5 triệu đồng.
    “Nâng tầm thương hiệu” cho gà bằng... chất độc
    Theo khảo sát của chúng tôi, gà thải loại Trung Quốc nhập lậu bán buôn tận gốc ở TP.Móng Cái với giá rẻ như cho không, khoảng 10.000 – 20.000 đồng/kg, các tiểu thương mua về rao ở Hà Nội với giá 40.000 – 50.000 đồng/kg và bán ra thị trường là 80 – 90.000 đồng/kg.
    Khi gà được nhập lậu vào Việt Nam, nó được những tiểu thương dùng mọi biện pháp để “nâng tầm” thương hiệu. Những con gà còn sống, có mẫu mã đẹp, mào to, chân nhỏ, màu lông sặc sỡ được tiểu thương trộn lẫn để bán với gà ta, thậm chí còn được quảng cáo là gà đồi Yên Thế (Bắc Giang). Với “kỹ thuật” buôn bán theo kiểu “vàng thau lẫn lộn” như thế, người tiêu dùng cũng rất khó phát hiện. Đối với gà thải đã chết còn được tiểu thương dùng mọi thủ thuật để lừa người tiêu dùng thì gà còn sống thành gà thương phẩm chẳng có gì là lạ.
    Theo tiết lộ của chị Hồng, một đầu mối cung cấp gà cho chợ tạm tại Ngã Tư Sở thì, các tiểu thương thường dùng “bột sắt” tẩm vào da gà để tạo màu sắc bắt mắt. Chỉ cần ra chợ mua “gói gia vị gà” (bột sắt) về hòa với nước, sau đó nhúng cả con gà vào dung dịch đó trong khoảng thời gian 10 phút, da gà từ trắng ởn chuyển sang vàng rộm, trông rất bắt mắt. “Gia vị gà - bột sắt thì chợ nào chả bán. Anh chỉ cần vào gian hàng khô hỏi, muốn mua bao nhiêu cũng được. Chỉ cần cho một thìa cà phê, có thể nhuộm vàng hàng trăm con gà. Loại phẩm màu này bám rất lâu trên da gà, cho dù có dùng nước để rửa cũng không phai màu, khách hàng rất khó phát hiện. Thời buổi kinh tế lạm phát, không buôn gian, bán lận thì làm gì có lãi”, chị Liên nói.
    Rùng mình “lời tự thú” của trùm gà lậu:
    Gà thải có thể phù phép thành gà có thương hiệu.
    Những con gà thịt đã bị thối rữa hết phần bụng, thịt đã có dấu hiệu thâm, thối nhưng tiểu thương vẫn tận dụng cổ, cánh, đùi để bán riêng. Những quán cơm bình dân thường nấu riêng đùi, cánh gà bằng cách chiên giòn, nhằm che giấu dấu vết gà thải. Theo tiết lộ của một ông chủ doanh nghiệp chuyên nhập khẩu thịt đông lạnh tại TP.Móng Cái thì, có những ông chủ còn đến các trang trại nuôi gà siêu trứng để mua gà chết về lấy đùi, cánh để chế biến.
    Nhằm bảo quản “hàng” được lâu hơn, họ dùng hóa chất, thậm chí là phoóc – môn (chất ướp xác) cho vào gà. Mỗi cân cánh, đùi được rao bán tại cửa khẩu với giá 25.000 đồng/kg. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì mà nguồn thực phẩm nguy hại này vẫn được nhập vào Việt Nam?
    Theo tìm hiểu của chúng tôi, gà thải Trung Quốc tuồn vào Việt Nam sẽ được tiêu thụ bằng rất nhiều cách.
    Tại Hà Nội, gà thải xuất hiện từ chợ đầu mối đến các chợ lẻ, chợ tạm. Người tiêu dùng chủ yếu là khách hàng bình dân, chủ quán cơm bình dân, các tiệm gà tần thuốc bắc, các quán gà. Theo tiết lộ của một chủ quán gà Mạnh Hoạch ở Phố Nối (Hưng Yên), thì hiện nay thương hiệu gà Mạnh Hoạch nổi tiếng đã có dấu hiệu không được như trước.
    Theo đó, bên cạnh những nhà hàng làm ăn uy tín thì cũng có không ít quán đã dùng gà thải của Trung Quốc để chế biến. Những ông chủ này chọn những con gà thải còn nguyên vẹn để chế biến. Trong quá trình tẩm ướp, đầu bếp sẽ bỏ thêm ít gia vị gà để tạo hương vị thơm đặc trưng của thịt gà. Qua rất nhiều khâu tẩm ướp và chế biến khéo léo, gà thải có thể trở thành đặc sản gà Mạnh Hoạch.
    Theo PGS.TS Nguyễn Đăng Vang, Chủ tịch hội Chăn nuôi Việt Nam, hiện nay số lượng gà thải nhập từ Trung Quốc xuất hiện rất nhiều trên thị trường. Mỗi ngày có hàng chục tấn gà thải Trung Quốc nhập lậu vào Việt Nam, được vận chuyển đi tiêu thụ ở khắp các tỉnh thành trong cả nước. Giá gà thải của Trung Quốc rẻ bằng nửa giá gà thương phẩm trong nước.

    Dùng thuốc nhuộm tóc để... tẩm gà

    Theo tìm hiểu của chúng tôi, bột sắt là chất được dùng trong công nghiệp sản xuất thuốc nhuộm tóc, sản xuất cao su, mực in, polymer. Chất này được nhập lậu từ Trung Quốc, giá bán trên thị trường khoảng 70.000 - 80.000 đồng/kg. Độc tố trong bột sắt rất cao, nếu tiếp xúc thường xuyên có thể gây độc cho gan, thận dẫn đến ung thư da, ung thư bàng quang. Chất này bị cấm sử dụng làm phụ gia thực phẩm.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/ga-luc-nhuc-bo-phut-choc-thanh-ga-vang-ong-nho-thuoc-doc-a42896.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Ai tiếp tay cho gia vị bẩn “phủ sóng” toàn quốc?

    Ai tiếp tay cho gia vị bẩn “phủ sóng” toàn quốc?

    (ĐSPL)- Những “ông chủ” là người đã có thâm niên kinh doanh tại các chợ, có thể thao túng cả thị trường. Các “ông chủ” này có thể nhập được hàng tận gốc, “làm luật” với hải quan và có rất nhiều chiêu trò.