+Aa-
    Zalo

    FED có thể tăng lãi suất lên cao nhất 22 năm trong tuần này

    (ĐS&PL) - Khả năng FED sẽ tăng lãi suất 0,25 điểm phần trăm trong cuộc họp ngày 25 – 26/7, khi đó lãi suất quỹ liên bang sẽ tăng lên 5,25 - 5,5% - mức cao nhất kể từ năm 2001.

    Theo VTV, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) dự kiến sẽ tăng lãi suất chủ chốt trong cuộc họp diễn ra trong 2 ngày 25 và 26/7 (giờ địa phương). Đây được coi là đợt thắt chặt chính sách tiền tệ mạnh mẽ nhất trong 22 năm của FED bất chấp những dấu hiệu lạm phát đã chậm lại trong thời gian gần đây.

    fed co the tang lai suat len cao nhat 22 nam trong tuan nay
    Cục Dự trữ liên bang Mỹ.

    FED đã tạm thời "đóng băng" chương trình thắt chặt chính sách tiền tệ trong cuộc họp tháng 6, sau 10 lần tăng lãi suất liên tiếp chỉ trong hơn một năm. Quyết định này cho phép các nhà hoạch định chính sách có thêm thời gian đánh giá "sức khỏe" của nền kinh tế Mỹ và tác động của cuộc khủng hoảng ngân hàng địa phương gần đây.

    Tuy nhiên, những tuần sau đó, số liệu tăng trưởng kinh tế tích cực và dữ liệu lạm phát giảm nhẹ đã củng cố khả năng FED tăng lãi suất 0,25 điểm phần trăm vào cuộc họp ngày 25 - 26/7.

    Theo khảo sát của Bloomberg, các nhà kinh tế nhận định rằng, Ủy ban Thị trường mở Liên bang thuộc FED (FOMC) sẽ tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản tại cuộc họp ngày 25/7 - 26/7 và đưa lãi suất lên phạm vi 5,25 - 5,5%, mức cao nhất kể từ năm 2001.

    Với áp lực lạm phát đã hạ nhiệt vào tháng 6, hầu như tất cả các nhà kinh tế đều cho rằng lãi suất sẽ không thay đổi tại cuộc họp tháng 9 và chỉ 20% dự đoán một đợt tăng lãi suất khác vào cuộc họp tháng 11.

    Chủ tịch FED Jerome Powell và các quan chức khác đã báo hiệu kế hoạch tăng lãi suất sau khi tạm dừng vào tháng 6 nhằm mục đích làm chậm tốc độ tăng cho đến khi đạt đến mức được cho là đủ hạn chế để đưa lạm phát trở lại mục tiêu 2%. Dự báo trung bình của FOMC trong báo cáo Tóm tắt dự báo kinh tế hàng quý vào tháng 6 cho thấy dự kiến sẽ có thêm 2 đợt tăng lãi suất nữa trong năm nay.

    Kathy Bostjancic, nhà kinh tế trưởng tại Nationwide Life Insurance Co., cho rằng gần như chắc chắn FOMC sẽ tăng lãi suất vào tuần tới. Cuộc họp báo của Chủ tịch Jerome Powell là tâm điểm chính.

    Cuộc khảo sát 45 nhà kinh tế học được Bloomberg thực hiện từ ngày 13/7 - 18/7.

    "FED gần như chắc chắn sẽ tăng lãi suất 25 điểm cơ bản trong tháng 7, nhưng báo cáo CPI thuận lợi sẽ củng cố tiếng nói của FOMC khi lập luận rằng đợt tăng tháng 7 sẽ là lần tăng lãi suất cuối cùng - phù hợp với cơ sở của chúng tôi. Chúng tôi kỳ vọng FED sẽ tiếp tục tạm dừng tăng lãi suất sau khi tăng 25 điểm cơ bản vào tháng 7", các nhà kinh tế của Bloomberg Economics cho hay.

    Báo Lao động dẫn lời GS Avraham Shama tại Đại học New Mexico  cho rằng: “FED đang tăng lãi suất 1 lần nữa: Đó là một sai lầm có thể gây ra suy thoái”. Vị chuyên gia cảnh báo nếu FED muốn phục vụ tốt nhất cho nền kinh tế Mỹ, họ phải ngừng tăng lãi suất để tránh suy thoái.

    GS Avraham Shama cho rằng: “FED và Chủ tịch Jerome Powell đã không thể nhận ra kịp thời nền kinh tế đang nóng lên hoặc đang nguội lạnh để có hành động hàng quý nhằm giảm thiểu các tác động tiêu cực”.

    Vị chuyên gia đánh giá, đáng lẽ Cục Dự trữ Liên bang không nên đợi quá lâu trước khi bắt đầu tăng lãi suất đầu tiên vào tháng 3.2022 khi lạm phát đã ở mức trên 8%.

    Với kỳ vọng chuỗi tăng lãi suất đã kết thúc, thị trường đang có một tâm lý ổn định. Quan trọng hơn, khi Cục Dự trữ Liên bang bắt đầu cắt giảm lãi suất lần đầu tiên (có thể sớm nhất vào quý I/2024), người ta sẽ kỳ vọng tâm lý thị trường lạc quan sẽ quay trở lại, khi đó giá vàng sẽ có thể tiệm cận mức cao kỷ lục 2.100 USD/ounce.

    Vân Anh(T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/fed-co-the-tang-lai-suat-len-cao-nhat-22-nam-trong-tuan-nay-a584068.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan