(ĐSPL)-“Tôi nghĩ mọi người đã muốn có nút Dislike trong nhiều năm… Hôm nay, tôi đứng đây để nói rằng chúng tôi đang nghiên cứu về chức năng đó và sẽ sớm thử nghiệm trong nay mai”. Nhưng nó không phải là nút Dislike.
Đây là câu trả lời của Mark Zuckerberg khi được yêu cầu phải có nút Dislike trong bài phát biểu gần đây:
“Tôi nghĩ mọi người đã muốn có nút Dislike trong nhiều năm và rất nhiều người đã hỏi về điều này. Hôm nay, tôi đứng đây để nói rằng chúng tôi đang nghiên cứu về chức năng đó và sẽ sớm thử nghiệm trong nay mai.
Bạn biết đó, chúng tôi mất khá thời gian để tìm giải pháp. Bởi vì như các bạn biết, chúng tôi không muốn tạo nút Dislike bởi vì chúng tôi không muốn biến Facebook thành một diễn đàn nơi mà mọi người có thể nâng lên hoặc hạ xuống bài viết của người khác. Dường như đó không phải kiểu cộng đồng chúng tôi muốn tạo ra. Bạn không muốn khi bạn vừa chia sẻ những khoảnh khắc ý nghĩa với cá nhân mình vừa diễn ra trong ngày và có ai đó nhảy vào bôi nhọ nó. Đó không phải là những gì chúng tôi muốn xây dựng ở thế giới này.
Nhưng trong suốt nhiều năm người dùng liên tục yêu cầu như vậy, chúng tôi nhận ra mọi người không tìm kiếm khả năng bôi xấu bài viết người khác. Những gì họ thực sự muốn là khả năng thể hiện sự đồng cảm.
Không phải mọi thời điểm đều là khoảnh khắc tốt, phải không? Và nếu bạn chia sẻ một điều gì đó làm bạn rất buồn, như cuộc khủng hoảng người tị nạn hoặc một thành viên trong gia đình bạn vừa mất, người đọc có thể không cảm thấy thoải mái để Like bài viết đó. Nhưng bạn bè của bạn và mọi người muốn có khả năng bày tỏ họ hiểu và họ muốn ở bên bạn.
Tôi nghĩ điều quan trọng là cho mọi người có nhiều lựa chọn thể hiện cảm xúc và chia sẻ những gì họ đang cảm thấy về bài viết một cách nhanh chóng thay vì chỉ đơn thuần có một nút Like, vì thế chúng tôi đã dành thời gian nghiên cứu về vấn đề này. Cực kỳ phức tạp để chuyển hóa những tương tác cảm xúc mà bạn muốn để thể hiện một cách đơn giản. Nhưng chúng tôi
có một ý tưởng có thể sẵn sàng được thử nghiệm trong thời gian ngắn sắp tới, và tùy thuộc vào những phản hồi, chúng tôi sẽ cho áp dụng rộng rãi hơn.
Nhưng thực sự rất cảm kích phản hồi của các bạn trong suốt những năm qua, tôi nghĩ cuối cùng thì chúng tôi đã lắng nghe và tìm giải pháp cho những gì các bạn muốn. Hy vọng chúng tôi có thể đem đến điều gì đó phù hợp nhu cầu cộng đồng của chúng ta.”
Nút “Dislike – Không thích” là chức năng được rất nhiều người dùng Facebook muốn có từ rất lâu.
Vì thế khi trả lời trong một buổi Hỏi đáp được truyền hình trực tiếp, Mark Zuckerberg cho biết công ty đang nghiên cứu để tìm ra cách thức thể hiện sự đồng cảm với nạn nhân trong các vụ thiên tai, tai nạn hoặc những việc khác mà nút Like không phù hợp để thể hiện.
Các hãng tin trên thế giới đã nhanh nhảu diễn dịch thông điệp thành “Facebook sẽ sớm đáp ứng mong ước của người dùng”. Thế nhưng đừng uổng công chờ đợi nút “Dislike” nào xuất hiện. Zuckerberg nói rõ ràng đó không phải là những gì Facebook đang làm.
Vậy giải pháp có thể là gì ?
Một chức năng nào đó thể hiện sự đồng cảm, thông cảm với tác giả bài viết hoặc thể hiện cảm xúc trong những tình huống khác nhau sẽ có ý nghĩa hơn nhiều.
Thực tế, Facebook đã có một phiên bản của chức năng này, gọi là “Recommend – Gợi ý”. Các website có thể dùng chức năng này thay vì nút Like để giúp mọi người chia sẻ các câu chuyện bi kịch. Nhưng giờ Facebook đang tạo một chức năng mới để chia buồn.
Cho dù Facebook chọn từ nào để thể hiện điều đó thì từ đó phải có những đặc tính như: dễ hiểu, có khả năng chuyển thành nhiều ngôn ngữ khác nhau, súc tích và rõ nghĩa.
Khả năng nút chức năng mới sẽ được gọi là “Sorry – Rất tiếc” hoặc một từ nào đó gần nghĩa. Một từ mà khi bạn nhìn vào, bạn biết người đọc thấu hiểu nỗi buồn, chia sẻ với bạn và nạn nhân.
Để hiện thực hóa điều này, Facebook có thể cho người dùng lựa chọn thay thế nút Like bằng các nút Cảm xúc khi đăng bài viết hoặc bổ sung thêm bên cạnh nút Like. Nhiều khả năng Facebook có thể gợi ý các nút cảm xúc sẽ xuất hiện tùy thuộc vào nội dung bài viết của bạn. Ví dụ, nếu Facebook phát hiện bạn đang viết về chuyện buồn bởi vì bạn có sử dụng các cụm từ như “chết”, “đi xa”, “đau lòng”, “sa thải”, “chia tay” hoặc bạn đăng bài có kèm đường dẫn tới các tin tức bi kịch.
Bằng cách này, nếu bạn chia sẻ một chuyện buồn, mọi người không phải đắn đo về việc Like hay không. Bởi vì việc nhấn nút Like như vậy có thể tạo dấu ấn sai. Hoặc nếu bạn không nhấn, hành động này có thể đánh lừa thuật toán sắp xếp tin trên News Feed – Tin mới bởi vì nó nghĩ bài viết này không thú vị. Nút chức năng đồng cảm sẽ là đầu vào cho các thuật toán sắp xếp ưu tiên hiển thị, một bài viết không thể Like nhưng vẫn quan trọng để xuất hiện.
Chúng ta hãy cùng chờ xem giải pháp mà facebook mang lại trong thời gian tới là gì.
Quốc Việt (theo delfi)