Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank, mã chứng khoán: EIB) đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2023 với thu nhập lãi và các khoản thu nhập tương tự là 3.677 tỷ đồng, tăng 8,46%. Tuy nhiên, chi phí lãi tăng cao 6,7% lên 2.280 tỷ đồng, khiến thu nhập lãi thuần sụt giảm chỉ còn 1.398 tỷ đồng (giảm 2,97%).
Tương tự, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ 128 tỷ đồng (giảm 30%). Hoạt động kinh doanh ngoại hối giảm mạnh 90,54% xuống 24 tỷ đồng, trong khi quý cùng kỳ năm 2022 đạt gần 255 tỷ đồng. Mua bán chứng khoán đầu tư lỗ 18,7 tỷ đồng, con số này ở cùng kỳ năm 2022 là lỗ 26,3 tỷ đồng.
Ở chiều ngược lại, lãi thuần từ hoạt động khác đem về 639 tỷ đồng, gấp hơn 10 lần so với cùng kỳ năm 2022 (62,4 tỷ đồng).
Trong kỳ, Eximbank tiết giảm chi phí hoạt động hơn 28,6% xuống còn 909 tỷ đồng. Tuy nhiên, nhà băng này đã trích lập dự phòng rủi ro tín dụng hơn 254 tỷ đồng trong quý IV/2023, tăng 128% so với cùng kỳ.
Kết quả, Eximbank báo lợi nhuận sau thuế trong quý IV/2023 đạt 804 tỷ đồng, tăng 99,5% so với cùng kỳ năm 2022.
Lũy kế cả năm 2023, nguồn thu chính của ngân hàng Eximbank giảm 18% so với năm trước khi chỉ thu được hơn 4.597 tỷ đồng thu nhập lãi thuần.
Nguồn thu ngoài lãi là của Eximbank tăng trưởng không đồng đều. Trong khi lãi từ hoạt động dịch vụ đi ngang ở mức 514 tỷ đồng, thì lãi từ kinh doanh ngoại hối giảm 20% chỉ còn 486 tỷ đồng.
Hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư là điểm sáng khi thu được 121 tỷ đồng, tăng 39% so với năm trước. Thêm vào đó, nguồn thu khác lãi đột biến hơn 835 tỷ đồng, tăng đến 73%.
Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh giảm 10%, đạt 3.414 tỷ đồng. Đáng chú ý, trong năm 2023, Eximbank trích hơn 694 tỷ đồng để dự phòng rủi ro tín dụng, gấp gần 7 lần năm trước.
Kết quả, luỹ kế năm tài chính 2023, Eximbank ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 2.719 tỷ đồng (giảm 27%), chỉ thực hiện gần 55% kế hoạch so với mức 5.000 tỷ đồng đề ra.
Theo Eximbank, do ảnh hưởng bởi các yếu tố như: chủ động giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ khách hàng theo đúng chủ trương của NHNN nhằm kích cầu trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn và để giữ khách hàng trước tình hình các ngân hàng lôi kéo khách hàng vay vốn.
Tác động của lãi suất huy động vốn cao trên thị trường vào các tháng cuối năm 2022 và quý I/2023 đã làm cho chi phí trả lãi tiền gửi năm 2023 tăng đáng kể. Đồng thời, nợ xấu tăng do khách hàng gặp khó khăn, làm chi phí trích lập dự phòng tăng theo đã ảnh hưởng đến lợi nhuận của Eximbank.
Chia sẻ khó khăn cùng với khách hàng, trong năm 2023 Eximbank đã nhiều lần giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ khách hàng vay vốn, thực hiện cơ cấu nợ cho khách hàng theo Thông tư 02/2023/TT-NHNN, thực hiện giảm lãi, phí để hỗ trợ khách hàng có nợ quá hạn thu xếp trả được nợ.
Về tình hình tài chính, tính đến cuối quý IV/2023, tổng tài sản của ngân hàng ở mức 201.416 tỷ đồng, tăng 8,84% so với cuối năm ngoái. Trong đó, tiền gửi của khách hàng là 156.329 tỷ đồng, tăng 5,19%. Cho vay khách hàng là 140.448 tỷ đồng, tăng 7,62%. Vốn chủ sở hữu của nhà băng này là 22.444 tỷ đồng, tăng 9,6% so với đầu năm.
Tổng nợ xấu của Eximbank tính đến cuối năm 2023 là 3.726 tỷ đồng, tăng 58% so với đầu năm. Trong đó Nnợ nghi ngờ (nợ nhóm 4) có tốc độ tăng nhanh nhất, lên đến 213%, ghi nhận ở mức 1.412 tỷ đồng.
Nợ dưới tiêu chuẩn (nợ nhóm 3) là 446 tỷ đồng, tăng 68%. Nợ có khả năng mất vốn (Nợ nhóm 5) là 1.868 tỷ đồng, tăng 14%.
Bên cạnh đó, nợ cần chú ý (nợ nhóm 2) của Eximbank cũng tăng 37% lên 1.839 tỷ đồng. Dù chưa được xếp vào nhóm nợ xấu, nhưng với việc nợ nhóm 2 gia tăng đáng kể cho thấy tiềm ẩn nguy cơ nợ xấu rất cao.
Tỷ lệ nợ xấu nội bảng của Eximbank theo đó cũng tăng từ 1,8% hồi đầu năm lên 2,65% vào thời điểm cuối năm 2023.
Vân Anh