Ngày 13/3, hãng tin Reuters đưa tin Liên minh châu Âu (EU) đã đồng ý gói viện trợ quân sự trị giá 5 tỷ euro (khoảng 5,48 tỉ USD) cho Ukraine như một phần trong kế hoạch cải tổ quỹ hỗ trợ do EU điều hành.
Thông báo được đưa ra trong một cuộc họp tại trụ sở EU ở Brussels (Bỉ) với sự tham gia của các đại sứ từ 27 quốc gia thành viên EU liên quan việc cải tổ quỹ Cơ sở Hòa bình châu Âu (EPF) sau nhiều tháng tranh cãi do vấp phải sự phản đối từ Pháp và Đức.
Quỹ EPF hoạt động như một chương trình hoàn tiền khổng lồ. Quỹ này sẽ hoàn tiền lại cho các nước thành viên EU khi gửi đạn dược đến các quốc gia khác. Theo EU, EPF đã được sử dụng để phân bổ khoảng 6,1 tỷ euro viện trợ quân sự cho Ukraine.
Bỉ - quốc gia giữ chức chủ tịch luân phiên của EU cho biết các đại sứ từ 27 quốc gia trong khối đã đồng ý "về nguyên tắc" kế hoạch hỗ trợ cung cấp vũ khí cho Kiev trong năm 2024.
Tuy nhiên nội dung cụ thể của gói viện trợ trên vẫn chưa được công bố.
Ngoại trưởng Ukraine - ông Dmytro Kuleba nói rằng gói viện trợ mới trên “là một minh chứng mạnh mẽ và kịp thời khác về sự thống nhất và quyết tâm của châu Âu trong việc đạt được chiến thắng chung của chúng ta”.
Hồi đấu tháng 2, Quan chức phụ trách chính sách đối ngoại của EU Josep Borrell cho biết khối có thể sử dụng lợi nhuận từ tài sản bị phong tỏa của Nga để mua vũ khí cho Ukraine thông qua Cơ sở Hòa bình châu Âu, một cơ chế ngoài ngân sách được sử dụng để chuyển vũ khí cho Ukraine.
Tuy nhiên, một số nước phương Tây vẫn bị chia rẽ về việc dùng tài sản phong tỏa của Nga để viện trợ cho Ukraine. Trong khi Mỹ và Anh ủng hộ việc trực tiếp tịch thu tài sản, một số quốc gia thành viên EU, bao gồm cả Pháp và Đức, gần đây đã cảnh báo rằng động thái này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sự ổn định tài chính và làm xói mòn niềm tin vào vị thế đồng tiền dự trữ của đồng euro.
Trong cuộc xung đột với Nga, Ukraine phụ thuộc rất nhiều vào sự hỗ trợ kinh tế và quân sự từ các đồng minh phương Tây. Dữ liệu của Bộ Tài chính cho thấy Ukraine đã nhận được khoảng 73,6 tỷ USD tài trợ nước ngoài vào năm 2022 và 2023.
Hàng tỷ USD viện trợ trong 2 năm đầu của xung đột đã giúp chính phủ Ukraine duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, đảm bảo thanh toán lương hưu và tiền lương khu vực công kịp thời. Trong khi đó, Kiev chuyển phần lớn nguồn thu ngân sách trong nước để tài trợ cho các nỗ lực quốc phòng của mình.
Mộc Miên (Theo Reuters)