Liên minh châu Âu (EU) đã gia hạn tất cả các biện pháp trừng phạt Nga thêm 6 tháng, đến ngày 31/1/2025. Quyết định này bao gồm cả các biện pháp trừng phạt từ hồi năm 2014 sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea và các biện pháp mới được áp đặt từ năm 2022 khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.
EU tới nay đã áp đặt tổng cộng 14 lệnh trừng phạt đối với Nga, bao gồm các biện pháp hạn chế trong các lĩnh vực thương mại, tài chính, công nghệ, công nghiệp, giao thông, cũng như hạn chế nhập khẩu dầu và sản phẩm hóa dầu từ Nga, hạn chế xuất khẩu sang Nga các mặt hàng xa xỉ và hàng hóa lưỡng dụng.
Ngoài ra, EU cũng thực hiện các biện pháp trừng phạt đối với các hành động nhằm "lách" các lệnh trừng phạt.
Phía Nga coi các biện pháp trừng phạt là bất hợp pháp và thiếu tính xây dựng. Tổng thống Nga Vladimir Putin nhấn mạnh rằng một trong những điều kiện để giải quyết tình hình tại Ukraine là phải dỡ bỏ tất cả các lệnh trừng phạt Nga.
Trong một diễn biến liên quan, Foreign Policy đưa tin, xuất khẩu dầu mỏ, khí tự nhiên và than đá của Nga tiếp tục gia tăng nhanh chóng sang các thị trường lớn nhất ở châu Á, đặc biệt là ở Trung Quốc và Ấn Độ. Ngay cả châu Âu, nơi phần lớn đã từ bỏ khí đốt Nga từ khi xung đột ở Ukraine nổ ra, cũng đang lén lút mua thêm rất nhiều khí đốt từ các tàu chở dầu để đáp ứng nhu cầu năng lượng của mình.
Doanh thu xuất khẩu năng lượng của Nga trước xung đột là khoảng 1 tỷ euro (1,1 tỷ USD)/ngày song toàn bộ các lệnh trừng phạt đã đưa nó xuống còn khoảng 660 triệu euro (720 triệu USD) vào tháng 6 này. Dù vậy, mức doanh thu của Moscow vẫn duy trì ổn định trong suốt 18 tháng qua. Nga đã ghi nhận mức thặng dư tài khoản vãng lai hiếm hoi vào tháng trước, một dấu hiệu cho thấy sự khôi phục của xuất khẩu. Cuộc chiến trừng phạt, giống như chính cuộc xung đột ở Ukraine, dường như đã đi vào bế tắc.
Một số lĩnh vực trong ngành xuất khẩu năng lượng của Nga đã sụt giảm nhanh chóng, ví dụ như xuất khẩu khí tự nhiên qua các đường ống đã biến mất khỏi thị trường châu Âu. Tuy nhiên, xuất khẩu dầu mỏ và các sản phẩm dầu tinh chế, đóng góp lớn nhất vào doanh thu của Moscow, vẫn giữ nguyên sau những tác động của lệnh trừng phạt phương Tây trong những tháng đầu tiên và hiện doanh thu từ nguồn này thậm chí còn có phần cao hơn nhờ giá dầu toàn cầu tăng.
Theo Foreign Policy, bất chấp các lệnh trừng phạt chưa từng có trong nhiều năm đối với một trong những nhà cung cấp năng lượng lớn nhất thế giới, doanh thu của Nga vẫn được đảm bảo để tiếp tục chiến dịch quân sự đặc biệt.