(ĐSPL) - Con số 339 triệu USD (tương đương hơn 7.000 tỉ đồng tiền Việt Nam) đội lên trong dự án Đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông (còn được gọi là dự án đường sắt trên cao - PV) đang khiến dư luận liên tưởng đến việc bộ Giao thông Vận tải (GTVT) không tiếc tay chi thêm tiền để có thêm "đôi cánh" cho các... đoàn tàu.
Tăng vì nhiều... nguyên nhân
Như trước đó báo Đời sống và Pháp luật đã đưa tin, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải vừa có văn bản yêu cầu Bộ GTVT, UBND TP. Hà Nội chỉ đạo kiểm điểm nguyên nhân, làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân về việc chất lượng thiết kế cơ sở hạn chế dẫn đến phải điều chỉnh, chậm trễ trong công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), kéo dài thời gian thi công làm tăng tổng mức đầu tư và phải điều chỉnh dự án.
Chỉ đạo trên được đưa ra sau khi Bộ GTVT có bản giải trình với Thủ tướng Chính phủ về lý do điều chỉnh dự án của mình, theo Bộ GTVT, GPMB và di dời công trình hạ tầng kỹ thuật kéo dài, chi phí xây lắp tăng kéo theo các chi phí thuế GTGT, lãi vay, bảo hiểm vốn vay, phí các loại... cũng tăng thêm, dự kiến phải cần thêm một khoản tiền không nhỏ.
Trong một thông cáo được phát đi mới nhất, Bộ GTVT cho biết, tổng thầu của dự án - Công ty hữu hạn tập đoàn cục 6 Đường sắt Trung Quốc - đã có văn bản đề nghị điều chỉnh tổng mức đầu tư. Chủ đầu tư đã phối hợp với tư vấn thẩm tra, rà soát và xác định được khái toán tổng mức đầu tư điều chỉnh của dự án là 891 triệu USD, tăng thêm 339 triệu USD so với tổng mức đầu tư được phê duyệt lúc đầu.
|
Cận cảnh dự án bị đội vốn 339 triệu USD. |
Để minh chứng con số phát sinh là xứng đáng, trong bản thông cáo gửi đến báo Đời sống và Pháp luật, Bộ GTVT đã đưa ra hàng loạt lý do khiến dự án Đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh - Hà Đông đội giá lên 339 triệu USD gồm: Thay đổi phương án nhà ga từ 2 tầng thành 3 tầng (tăng 84,2 triệu USD); Bổ sung hạng mục xử lý nền đất yếu khu depot (tăng 13,54 triệu USD); Bổ sung hạng mục đường tránh quốc lộ 6 (tăng 1,94 triệu USD); Điều chỉnh vật liệu vỏ tàu từ thép chịu khí hậu sang thép inox (tăng 3,19 triệu USD); Bổ sung chi phí đào tạo, chuyển giao công nghệ (tăng 2,91 triệu USD); Thay đổi vị trí bãi đúc dầm, phương án vận chuyển lao lắp dầm (tăng khoảng 10,16 triệu USD); Do biến động về giá nguyên, nhiên, vật liệu, tỷ giá hối đoái; các chế độ, chính sách trong thời gian thực hiện dự án cũng như các khối lượng, đơn giá chưa tính chính xác được trong bước TKCS (tăng khoảng 95 triệu USD); Do công tác GPMB và di dời công trình hạ tầng kỹ thuật gặp nhiều khó khăn (tăng 88,3 triệu USD)...
Được biết, dự án Đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông sẽ xây dựng 13km đường sắt trên cao và 1,7km đường sắt vào khu depot. Đường sắt có khổ rộng 1,435m, vận tốc thiết kế tối đa 80km/g, bình quân 35km/g với thời gian chạy tàu từ Cát Linh đến Hà Đông khoảng 24 phút. Toàn tuyến có 12 nhà ga trên cao, trong đó có hai ga trung chuyển là ga Cát Linh và ga đại học Quốc gia. Dự án được trang bị 13 đoàn tàu, mỗi đoàn bốn toa xe (một toa chở khoảng 300 người), tần suất vận chuyển tối đa 2 phút/chuyến, tương đương lưu lượng 1,02 triệu người/ngày.
Thời gian thực hiện dự án được phê duyệt là từ tháng 11/2008 đến tháng 11/2013. Nhưng do nhiều vướng mắc nên đến tháng 10/2011 dự án mới được khởi công. Dự kiến, tuyến sẽ khai thác vào tháng 6/2015 với điều kiện GPMB hoàn thành trong năm 2013. Tuy nhiên, khả năng dự án tiếp tục bị chậm là điều khó tránh khỏi.
Vì đâu nên nỗi?
Trong một diễn tiến khác có liên quan, đại diện ban Quản lý dự án Đường sắt Cát Linh - Hà Đông cho biết, nguyên nhân phải điều chỉnh dự án và tăng vốn đầu tư vì trong quá trình thực hiện có một số hạng mục phải bổ sung, phát sinh và điều chỉnh, chậm GPMB làm thời gian thực hiện dự án kéo dài.
Theo lý giải của ban Quản lý dự án này thì dự án trải qua thời gian khá dài, được bắt đầu nghiên cứu từ năm 2004 và quyết định đầu tư vào tháng 10/2008, cho đến nay có nhiều biến động lớn về giá đầu vào cho các công trình xây dựng, làm ảnh hưởng đến tổng mức đầu tư của dự án. Chi phí dự phòng trượt giá trong tổng mức đầu tư đã duyệt năm 2008 là 17\%, tương ứng 69,1 triệu USD, tuy nhiên tính toán của chủ đầu tư và TEDI (Tổng công ty Thiết kế Giao thông Vận tải) cho thấy, giá cả và chế độ chính sách thay đổi nên kinh phí trượt giá cho khối lượng xây lắp phải bổ sung dự tính khoảng 134,1 triệu USD. Dự án là tuyến đường sắt đô thị đầu tiên ở Việt Nam có quy mô lớn và tính chất kỹ thuật phức tạp nên các đơn vị làm dự án chưa có nhiều kinh nghiệm.
Một điều đáng nói khác, trong dự án này là cả chủ đầu tư lẫn tổng thầu đều lần đầu tiên thực hiện hợp đồng EPC nên các điều khoản hợp đồng thống nhất lấy theo mẫu hợp đồng EPC của FIDIC, nhưng việc cụ thể hóa thành các điều khoản chi tiết cho phù hợp với quy định hiện hành và điều kiện cụ thể của dự án lại chưa được xây dựng đầy đủ, nên quá trình thực hiện đã phát sinh nhiều tình huống phức tạp và phải thảo luận kĩ mới thống nhất được.
Ông Trần Văn Lục, Giám đốc Ban Quản lý dự án Đường sắt, Cục Đường sắt, Bộ GTVT (chủ đầu tư dự án Đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, Hà Nội) cho hay, ngoài là đơn vị tư vấn giám sát, TEDI còn là đơn vị lập thiết kế dự án cơ sở. Tuy nhiên, thiết kế dự án cơ sở "vênh" với thực tế thi công, trong đó không có hạng mục xử lý nền đất yếu ở depot thì TEDI phải giải trình với Bộ GTVT. Thiết kế cơ sở chưa phù hợp là một trong những nguyên nhân làm tăng vốn đầu tư. ông Lục cũng phải thừa nhận một sự thật: Với tổng thầu là Công ty hữu hạn tập đoàn cục 6 Đường sắt Trung Quốc, sau khi tìm hiểu chúng tôi được biết, đây là nhà thầu lần đầu tiên nhận thầu với tư cách là tổng thầu EPC trên lĩnh vực đường sắt đô thị. "Trước khi trúng thầu tại Việt Nam, nhà thầu này chưa từng xây dựng tuyến đường sắt đô thị nào theo hình thức tổng thầu EPC. Cho nên, việc điều hành của nhà thầu tại công trường hiện nay có phần lúng túng, đôi khi là khó kiểm soát", ông Lục nói.
Một lãnh đạo thuộc Bộ GTVT (xin được giấu danh tính - PV) bật mí cho PV báo Đời sống và Pháp luật biết, theo quy định, nếu là tổng thầu EPC phải có kĩ thuật thiết kế. Do không có thiết kế nên khi thi công tại dự án, nhà thầu này phải đi thuê thiết kế bên ngoài. Do vậy mới có chuyện thiết kế kĩ thuật khác với thực tế tại Việt Nam. Thế nên, kể cả việc biết, năng lực nhà thầu vẫn phải chấp nhận vì có sự ràng buộc. "Trong hiệp định vay ODA từ phía Trung Quốc, phía đối tác được xác định nhà thầu. Trong điều khoản vốn vay ưu đãi có nêu do công ty hữu hạn cục 6 Đường sắt Trung Quốc thực hiện. Như vậy, được hiểu rằng, khi hai Chính phủ đàm phán ký kết hiệp định thì phải thống nhất nhà thầu sẽ thực hiện dự án", vị này nói.
PV báo Đời sống và Pháp luật cũng đã cất công lần tìm đầu mối từ Bộ KH&ĐT, tuy nhiên, thông tin nhận được cho thấy, Bộ KH&ĐT không thẩm tra, thẩm định dự án này. Theo phân cấp, Bộ GTVT làm chủ đầu tư sẽ tự thẩm định, phê duyệt và chịu trách nhiệm. Cho biết cụ thể việc dự án Đường sắt Cát Linh - Hà Đông "đội" một số vốn quá lớn, ông Nguyễn Xuân Tự, Vụ trưởng Giám sát và Thẩm định Đầu tư (Bộ KH&ĐT) cho rằng: Quan trọng không phải tăng bao nhiêu, mà vì sao tăng, nguyên nhân do đâu? Ông Tự cũng cho biết, trên thực tế có xu hướng chủ đầu tư phê duyệt giảm vốn để được duyệt nhiều dự án hơn, sau đó lại điều chỉnh tăng vốn.
|
Phối cảnh nhà ga đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông. |
Xử lý ai?
Trao đổi với PV báo Đời sống và Pháp luật, ông Nguyễn Hồng Trường, Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết, số vốn tăng thêm này sẽ bổ sung từ vốn ODA của Trung Quốc. Sau chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Bộ GTVT sẽ phối hợp với bộ Tài chính đàm phán với phía Trung Quốc để vay thêm. Còn về chỉ đạo kiểm điểm trách nhiệm các tổ chức, cá nhân liên quan, ông Trường cho biết, sẽ xem cụ thể vì liên quan đến công tác GPMB chậm và nhiều vấn đề vướng mắc trong dự án: Bộ GTVT sẽ xem xét để xử lý từng việc cụ thể chứ đến thời điểm này chưa nói cụ thể được, bộ GTVT sẽ có trả lời sau khi giải quyết.
Trong một diễn biến mới nhất, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng vừa ký văn bản yêu cầu làm rõ trách nhiệm của các cá nhân và tập thể khiến dự án Đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông "đội" thêm hàng trăm triệu USD. Cụ thể, Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu các đơn vị căn cứ chức năng nhiệm vụ của mình, tổ chức kiểm điểm nguyên nhân, làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan làm tăng tổng mức đầu tư và phải điều chỉnh dự án.
Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu vụ Kế hoạch Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương hoàn chỉnh thủ tục phê duyệt, điều chỉnh dự án theo đúng quy định, tham mưu cho Bộ GTVT, phối hợp với các bộ ngành làm việc với phía Trung Quốc để bổ sung vốn ODA cho phần vốn tăng thêm của dự án.
Bộ trưởng GTVT “trảm tướng” vì phát ngôn “không chuẩn”
Không biết có phải vì giữ lời hứa với báo giới hay không, mà ngay sau khi các quan chức của Bộ này đưa ra phát ngôn, một người đứng đầu lĩnh vực đường sắt đã bị... "trảm". Cụ thể ngày 25/4, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng ký Quyết định số 1552/QĐ-BGTVT, tạm đình chỉ chức vụ đối với ông Nguyễn Hữu Thắng - Cục trưởng cục Đường sắt Việt Nam. Tuy nhiên, lý do kỷ luật đưa ra là do có những phát ngôn không đúng, gây bức xúc trong dư luận và thiếu trách nhiệm liên quan đến dự án Đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông?.
Còn nhớ cách đây mấy hôm, ông Nguyễn Hữu Thắng với tư cách là Cục trưởng cục Đường sắt Việt Nam đã từng làm dậy sóng dư luận khi phát biểu với báo giới về việc dự án đường sắt trên cao đội giá 339 triệu USD rằng: "Mới điều chỉnh một tí đã rùm beng cả lên!".
Tổng Công ty Đường sắt... "thay tướng" Theo nguồn tin riêng báo Đời sống và Pháp luật nhận được, ban Cán sự Đảng Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đã thống nhất cho ông Nguyễn Đạt Tường thôi giữ chức vụ Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam. Trước đó, chiều 28/4, ban Cán sự Đảng bộ GTVT đã họp và đồng ý với đề xuất của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam và giao Tổng Công ty này thực hiện quy trình bổ nhiệm Tổng Giám đốc mới theo đúng quy định của pháp luật. Theo một nguồn tin chưa kiểm chứng, người sẽ ngồi vào vị trí Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam thay ông Tường là ông Vũ Tá Tùng - Tổng Giám đốc Công ty Vận tải hành khách đường sắt Sài Gòn. ông Tùng cũng mới được bổ nhiệm làm Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam hồi tháng 8/2013. Được biết, một số nhân sự lãnh đạo Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cũng có những thay đổi chức vụ, vị trí công tác trong thời gian sắp tới. ông Nguyễn Đạt Tường từng được biết đến trên cương vị là quyền Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam từ năm 2012. Đầu tháng 4/2013, bộ GTVT đã có quyết định lựa chọn ông Trần Ngọc Thành (Vụ trưởng vụ Vận tải) giữ cương vị Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam. |
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/duong-sat-tren-cao-ha-noi-doi-von-qua-dat-giac-mo-tren-troi-a31910.html