(ĐSPL) - Dự án đường sắt đô thị tuyến Cát Linh-Hà Đông sẽ tiến hành mua sắm 13 đoàn tàu, loại tàu B1 của Trung Quốc.
Theo tin tức từ báo VietanmPlus/TTXVN, Ban quản lý (BQL) Dự án đường sắt vừa có tờ trình gửi Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) lựa chọn phương án thiết kế ngoại thất, nội thất của đoàn tàu thuộc dự án đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông.
[mecloud]wms1FuD8pu[/mecloud]
Dự án đường sắt đô thị tuyến Cát Linh-Hà Đông sẽ tiến hành mua sắm 13 đoàn tàu, loại tàu B1 của Trung Quốc với cấu hình mỗi đoàn tàu gồm 4 toa xe, thân tàu sử dụng vật liệu thép không gỉ.
Theo nội dung tờ trình, nhà sản xuất đoàn tàu là Công ty TNHH trang thiết bị tàu điện ngầm Bắc Kinh (Beijing Rolling Stock Equipment Co., Ltd).
Đoàn tàu hoạt động trên tuyến đường sắt này với tốc độ không cao, không đòi hỏi thiết kế khí động học nhưng vẫn cần dáng vẻ hiện đại, năng động với màu sắc, họa tiết trang trí trẻ trung, đậm đà bản sắc văn hóa thủ đô văn hiến nói riêng và dân tộc Việt Nam nói chung.
Được biết, Tổng thầu Trung Quốc đã trình nộp 10 phương án thiết kế, trong đó có 6 phương án thiết kế ngoại thất và 4 phương án thiết kế nội thất.
Mô hình đoàn tàu đường sắt Cát Linh - Hà Đông. (Ảnh: Báo Lao động). |
Cụ thể, 6 phương án thiết kế ngoại thất gồm: Phương án 1, 2 và 3 đều có hình dáng đầu tàu hình tròn tù, gần với hình dạng đầu tàu cổ điển, tuy có trang trí hiện đại hơn ở kính, đèn pha, gạt nước, cản trước... chỉ khác nhau ở phần trang trí đường nét màu sắc bên ngoài đoàn tàu.
Phương án 4 và 5 chỉ khác 3 phương án trên ở phần cản trước chống xô dưới đầu tàu có bo tròn về phía sau.
Phương án 6 đầu tàu có hình vát nhọn, gần với hình dạng khí động học, hiện đại, năng động thường thấy ở các đoàn tàu tốc độ cao, kính chắn gió, kính cửa sổ có màu sẫm, cửa sổ ẩn, tạo dáng vẻ hiện đại, nhanh nhẹn nhưng vẫn sang trọng, thích hợp với phong cách, bản sắc văn hóa của thủ đô văn hiến.
Bên cạnh đó, Tổng thầu cũng đưa ra 4 phương án thiết kế nội thất cho đoàn tàu.
Cụ thể, phương án 1 bố trí 2 hàng cột cong về phía cửa sổ, đem lại không gian rộng rãi, người đi tàu thuận tiện hơn khi ngồi nắm tay vào cột, hàng cột giữa dọc theo lối đi giữa toa cho phép hành khách đứng bám ổn định khi đông khách trên toa. Thiết kế này cũng làm tăng không gian cho hành khách khi phải đứng trên tàu.
Phương án 2 thiết kế lấy ý tưởng từ hình ảnh lá sen, thiết kế tấm ốp đầu hai phía đầu ghế tựa hình lá sen và cũng bố trí hai hàng cột giống như phương án 1.
Phương án 3 và 4 thiết kế hai hàng cột cong vươn ra giữa toa đem lại cảm giác cởi mở hơn. Tuy nhiên, lại giảm không gian cho hành khách khi phải đứng trên tàu.
Trên cơ sở nghiên cứu phương án thiết kế do Tổng thầu trình nộp và mô hình tàu mẫu tuyến Metro số 1 TP.HCM, kết hợp với việc lựa chọn các phương án thiết kế ngoại thất, nội thất phù hợp với nét văn hóa đặc trưng của Hà Nội, BQL Dự án đường sắt đề xuất lựa chọn phương án thiết kế ngoại thất với đầu tàu theo phương án 6.
Họa tiết trang trí lựa chọn biểu tượng Khuê Văn Các ở giữa đầu tàu, tại vị trí nổi bật, phía dưới là dòng chữ Cát Linh-Hà Đông thể hiện điểm đầu-điểm cuối của tuyến đường sắt đô thị thể hiện trên nền sơn phủ kín đầu trước tạo vẻ trang nghiêm và không đánh số tuyến để tránh phức tạp trong việc quy hoạch các tuyến khác của Hà Nội.
Sơn trang trí đoàn tàu sử dụng chất liệu vỏ thép không gỉ với bề mặt được đánh xước mờ. Chỉ trang trí họa tiết đầu tàu và dải mầu chỉ thị của tuyến đường sắt đô thị. Màu sắc chủ đạo là màu xanh lá cây. Đèn pha đầu tàu lựa chọn loại đèn pha 3 kép (đèn chiếu gần, chiếu xa, đèn đỏ khi ở đuôi tàu)...
BQL Dự án đường sắt đề nghị Bộ GTVT xem xét, bố trí cuộc họp để Ban trình bày có sự tham gia của các đơn vị và đại diện thành phố Hà Nội làm cơ sở chấp thuận lựa chọn phương án thiết kế nội ngoại thất chỉ đạo Tổng thầu sản xuất mô hình đầu tàu mẫu đưa sang Việt Nam để xin ý kiến đóng góp của nhân dân và các cơ quan một cách trực quan nhất.
LINH SAN(Tổng hợp)