Cả nước còn 4.302 lối đi dân sinh, đường ngang tự phát do dân mở để đi qua đường sắt. Cộng với số đường ngang cảnh báo bằng đèn, còi tín hiệu, biển báo thì số điểm giao cắt với đường sắt không có người gác lên đến 5.165 điểm.
Người dân cố tình luồn lách qua điểm giao cắt với đường sắt trên đường Nguyễn Thái Học, phường Hồng Hà, thành phố Yên Bái. Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN. |
Đây là thông tin được đưa ra theo thống kê mới nhất của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR). Bên cạnh đó, toàn hệ thống đường sắt quốc gia có 1.514 đường ngang hợp pháp. Trong đó, có 641 đường ngang có người gác, 366 đường ngang có cảnh báo tự động (bằng chuông, đèn trước khi tàu đi qua), 507 đường ngang có biển báo.
Ông Đoàn Duy Hoạch, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, để duy trì một đường ngang cần có 3 - 5 công nhân thay ca nhau 24/24h. Tiền lương, chi phí điện, nước... cho trạm gác chắn trung bình 600 triệu đồng/năm/trạm.
“Chính vì chi phí cao nên không thể đường ngang nào cũng có gác chắn”. Theo ông Hoạch, cũng có trường hợp địa phương, cá nhân, tập thể tự phát lập, vận hành rào chắn nhưng các trạm này nằm ngoài danh sách các rào chắn phải bố trí người gác chắn chính thức.
Để khắc phục tình trạng này, Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam lập khoảng 600 cần chắn và dàn chắn tự động. Nhưng theo ông Đoàn Duy Hoạch, đến nay mới lắp được gần 100 điểm do việc thẩm định công nghệ cửa chắn tự động chưa xong và thiếu vốn triển khai.
QUANG TOÀN
Xem thêm video:
[mecloud]A2MsZzfMXe[/mecloud]