Đường không ưu tiên là gì
Theo quy định đường không ưu tiên là đường giao cùng mức với đường ưu tiên.
Đường không ưu tiên là đoạn đường mà các phương tiện lưu thông phải nhường đường cho các phương tiện đi trên đường ưu tiên khi đến giao lộ, ngã tư hoặc các điểm giao cắt khác. Trong giao thông, đường không ưu tiên thường có biển báo để chỉ rõ quy định nhường đường. Khi di chuyển trên đường không ưu tiên, phương tiện phải giảm tốc độ, quan sát và nhường đường theo luật giao thông.
Đặc điểm của đường không ưu tiên
Đặc điểm của đường không ưu tiên: Không có quyền ưu tiên: Phương tiện di chuyển trên đường không ưu tiên phải nhường đường cho các phương tiện khác đang đi trên đường ưu tiên.
Thường là đường nhánh: Đường không ưu tiên thường là các đường nhỏ, hẻm, ngõ hoặc đường dẫn vào các khu vực dân cư.
Có biển báo giao nhau với đường ưu tiên: Để cảnh báo người điều khiển phương tiện, tại các vị trí giao nhau giữa đường không ưu tiên và đường ưu tiên thường được đặt biển báo giao nhau với đường ưu tiên.
Tại sao phải phân biệt đường ưu tiên và đường không ưu tiên?
Đảm bảo an toàn giao thông: Việc phân biệt rõ ràng giữa đường ưu tiên và đường không ưu tiên giúp giảm thiểu tình trạng ùn tắc, tai nạn giao thông, đặc biệt tại các nút giao phức tạp.
Tạo ra sự thống nhất trong giao thông: Quy định về đường ưu tiên và đường không ưu tiên giúp mọi người tham gia giao thông dễ dàng nắm bắt và tuân thủ, tạo ra sự trật tự và an toàn trên đường.
Không tuân thủ biển báo giao nhau với đường ưu tiên bị phạt thế nào?
Căn cứ theo quy định tại các Điều 5, Điều 6, Điều 7 Nghị định 100/2019/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP) quy định xử phạt đối với hành vi không tuân thủ biển báo giao nhau với đường ưu tiên như sau:
Đối với xe ô tô:
- Phạt tiền từ 800.000 đồng - 1.000.000 đồng (căn cứ theo điểm n khoản 3 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP).
- Trong trường hợp gây tại nạn: Tước Giấy phép lái xe từ 02 tháng - 04 tháng (căn cứ theo điểm c khoản 11 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP)
Đối với xe máy:
- Phạt tiền từ 300.000 đồng - 400.000 đồng (căn cứ theo điểm e khoản 2 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, một số cụm từ bị thay thế bởi điểm k khoản 34 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP)
- Trong trường hợp gây tai nạn: Tước Giấy phép lái xe từ 02 tháng - 04 tháng (căn cứ theo điểm c khoản 10 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP)
Đối với xe máy chuyên dùng, máy kéo:
- Phạt tiền từ 400.000 đồng - 600.000 đồng (căn cứ theo điểm đ khoản 3 Điều 7 Nghị định 100/2019/NĐ-CP).
- Trường hợp gây tai nạn: Tước Giấy phép lái xe (máy kéo), chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ (xe máy chuyên dùng) từ 02 tháng - 04 tháng (căn cứ theo điểm b khoản 10 Điều 7 Nghị định 100/2019/NĐ-CP).
Đối với xe đạp, xe đạp máy (kể cả xe đạp điện):
- Phạt tiền từ 80.000 đồng - 100.000 đồng đối với hành vi vi phạm. (điểm n khoản 1 Điều 8 Nghị định 100/2019/NĐ-CP).