Khoản 1 Điều 60 Luật Giao thông đường bộ đã quy định về độ tuổi của người lái xe, cụ thể như sau:
- Người đủ 16 tuổi trở lên sẽ được điều khiển xe gắn máy có dung tích xi lanh dưới 50cm3.
- Người đủ 18 tuổi trở lên sẽ được điều khiển xe mô tô hai bánh và xe mô tô ba bánh có dung tích xi lanh từ 50cm3 trở lên, cũng như các loại xe có kết cấu tương tự; xe ô tô tải, máy kéo có trọng tải dưới 3.500 kg; xe ô tô chở người tới 9 chỗ ngồi.
- Người đủ 21 tuổi trở lên được lái xe ô tô tải và máy kéo có trọng tải từ 3.500 kg trở lên; xe hạng B2 kéo rơ moóc (FB2).
- Người đủ 24 tuổi trở lên được lái xe ô tô chở người từ 10 - 30 chỗ ngồi; xe hạng C kéo rơ moóc, sơ mi rơ moóc (FC).
- Người đủ 27 tuổi trở lên được điều khiển xe ô tô chở người trên 30 chỗ ngồi; xe hạng D kéo rơ moóc (FD).
- Độ tuổi tối đa của người lái xe ô tô chở người trên 30 chỗ ngồi là 50 tuổi đối với nữ; 55 tuổi đối với nam.
Ngoài ra, Điều 65 Luật Giao thông đường bộ đã quy định cụ thể về thời gian làm việc cũng như thời gian lái xe liên tục của tài xế. Theo đó, thời gian làm việc của tài xế ô tô không được quá 10 giờ trong một ngày và không được lái xe liên tục quá 4 giờ.
Nếu vi phạm thì sẽ bị phạt tiền từ 3-5 triệu đồng, hình thức phạt bổ sung là tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 1-3 tháng, theo như quy định tại Điểm d Khoản 6; Điểm a Khoản 8 Điều 23 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP bổ sung bởi Điểm c Khoản 12 Điều 2 Nghị định số 123/2021/NĐ-CP quy định mức xử phạt người điều khiển xe ô tô chở hành khách, ô tô chở người và các loại xe tương tự xe ô tô chở hành khách, chở người vi phạm quy định về vận tải đường bộ.
Theo Nghị định số 123, nếu chủ xe ô tô là cá nhân giao xe cho người làm công, người đại diện điều khiển xe quá thời gian quy định thì sẽ bị phạt tiền từ 4-6 triệu đồng. Trong trường hợp chủ xe ô tô là tổ chức thì sẽ bị phạt tiền từ 8-12 triệu đồng.