(ĐSPL)- Nhóm tội phạm công nghệ cao của Đại đã dùng nhiều hình thức lừa đảo, giả danh công an, đe dọa để chiếm đoạt hàng tỷ đồng của người dân.
Theo tin tức báo Tri Thức trực tuyến, tháng 4/2014, qua mạng Facebook, Vũ Văn Đại (24 tuổi, quê Bắc Giang) nhận phiên dịch tiếng cho 2 người Đài Loan tại Hà Nội. Quá trình làm việc, 2 người này đặt vấn đề thuê Đại dùng chứng minh nhân dân (CMND) giả để mở tài khoản ngân hàng nhằm bán lại cho các doanh nghiệp thực hiện việc trốn thuế.
Các bị cáo tại phiên tòa xét xử (Ảnh: Theo Tri thức trực tuyến) |
Nhận lời, Đại bàn bạc với Nguyễn Trọng Đức (26 tuổi, quê Yên Bái) tìm mua CMND thật. Sau đó, Đức rủ thêm Nguyễn Xuân Độ (25 tuổi) và anh em Trần Nguyên Bình (26 tuổi), Trần Xuân Hòa (29 tuổi, ở Hà Nội) cùng tham gia chụp và dán ảnh làm CMND giả để mở thẻ master và visa.
Có thẻ ngân hàng, Đại chuyển phát nhanh thẻ và sim điện thoại cho người Đài Loan. Tổng cộng nhóm này làm được 146 thẻ quốc tế và thu lợi bất chính gần 500 triệu đồng. Đại trả cho Đức 110 triệu đồng. Những người khác hưởng lợi 10 – 35 triệu đồng.
Theo báo Lao Động, thời điểm này, công an liên tục nhận được đơn trình báo của các nạn nhân bị lừa đảo, chiếm đoạt với số tiền lớn. Thủ đoạn của nhóm này tự xưng cán bộ công an rồi thông báo đến một số người rằng họ có liên quan đến đường dây ma túy, rửa tiền, tiêu cực với số tiền lớn. Chúng yêu cầu các nạn nhân cung cấp thông tin về tài khoản ngân hàng và đe dọa bị hại giữ bí mật nhằm phục vụ điều tra.
Thiếu tá Phạm Đức Hà – Đội trưởng Đội 2 (PC50) cho biết, thủ đoạn của bọn tội phạm là gọi điện thoại qua internet đến số điện thoại máy cố định của người bị hại, xưng là nhân viên của tổng đài VNPT, thông báo số điện thoại đứng tên của bị hại đang nợ cước với số tiền 8.930.000 đồng.
Sau đó, khi người bị hại thắc mắc, đối tượng chuyển máy cho bị hại nói chuyện với người tự xưng là cán bộ công an, thông báo bị hại có liên quan đến đường dây ma túy, rửa tiền, tiêu cực với số tiền rất lớn. Đối tượng tìm cách hỏi han, khi biết bị hại có tiền gửi ở ngân hàng thì khai thác thông tin chi tiết bị hại mở tài khoản ở ngân hàng nào và yêu cầu phải rút toàn bộ số tiền này gửi vào tài khoản của đối tượng (với lý do chuyển cho cơ quan công an để điều tra).
Cũng theo ông Hà, đối tượng lừa đảo thường yêu cầu bị hại không được thông báo cho ai thông tin này, kể cả gia đình, con cái. Nhiều bị hại là người cao tuổi, nhận thức hạn chế nên rất lo sợ và răm rắp làm theo các yêu cầu của đối tượng lừa đảo nên mới xảy ra chuyện ngay cả khi cảnh sát bắt được đối tượng lừa đảo, thông báo cho bị hại biết nhưng có người vẫn tiếp tục gửi tiền vào tài khoản lừa đảo.
Ngày 1/11/2014, bà L.T.P (trú tại Tây Hồ, Hà Nội) trình báo về việc bị lừa đảo chiếm đoạt số tiền 2.350.000.000 đồng, dưới hình thức bị đối tượng gọi điện đe dọa bà nợ cước điện thoại và nói chứng minh thư của bà P. có liên quan vào vụ tiêu cực với tổng số tiền 16.000.000.000 đồng.
Để giải quyết việc này, đối tượng yêu cầu bà P chuyển tiền vào 8 tài khoản Ngân hàng Techcombank do đối tượng cung cấp rồi chiếm đoạt. Bà P đã rút tiền tiết kiệm và chuyển vào các tài khoản của các đối tượng với số tiền 2.350.000.000 đồng. Sau đó, bà P phát hiện đã bị lừa đảo nên đã trình báo cơ quan Công an.
Đối chiếu thông tin, cảnh sát xác minh các tài khoản ngân hàng mà bị hại chuyển tiền vào đều nằm trong danh sách 146 tài khoản do nhóm của Đại làm.
Hiện, PC50 đã làm rõ nội dung vụ án và các đối tượng có liên quan, bao gồm: Vũ Văn Đại, Nguyễn Trọng Đức, Đỗ Đình Phương, Nguyễn Xuân Độ, Trần Nguyên Bình, Trần Xuân Hòa.
Cũng theo Tri Thức trực tuyến, sáng 15/9, TAND TP Hà Nội xử phạt Đại 4 năm 6 tháng tù về tội Sửa chữa, sử dụng giấy chứng nhận và các tài liệu của cơ quan, tổ chức. Các bị cáo Hòa, Bình, Độ và Đức lĩnh án từ 2 năm 6 tháng đến 4 năm tù cùng về tội danh trên.
Đối với 2 người Đài Loan, cơ quan điều tra tách tài liệu để điều tra trong vụ án Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số để chiếm đoạt tài sản.
NINH LAN (Tổng hợp)
[mecloud]klNdGFMJcc[/mecloud]