+Aa-
    Zalo

    Dùng thẻ tiết kiệm giả số dư 72 tỷ đồng, rút mua 500 triệu USD

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Sử dụng một thẻ tiết kiệm giả với số dư “khủng” đến 72 tỷ đồng, nhóm 6 đối tượng đã lập kế hoạch đến chi nhánh ngân hàng ACB Bắc Giang để rút tiền dùng vào việc mua USD giả.

    (ĐSPL) - Với thủ đoạn sử dụng một thẻ tiết kiệm giả với số dư “khủng” đến 72 tỷ đồng,  nhóm 6 đối tượng đã lập kế hoạch đến chi nhánh một ngân hàng ở phía Bắc để rút tiền dùng vào việc mua USD giả.
    Thế nhưng hành vi của chúng đã không qua mắt được cơ quan chức năng.
    Ngang nhiên dùng thẻ giả vào ngân hàng rút tiền
    Thượng tá Ngô Hồng Minh, Phó trưởng phòng An ninh điều tra (ANĐT) Công an tỉnh Bắc Giang cho biết, đơn vị này đang hoàn tất hồ sơ vụ án lừa đảo chiếm đoạt tiền tỷ  qua sổ tiết kiệm tại ngân hàng Thương mại Cổ phần Á Châu (ACB) chi nhánh Bắc Giang.
    Theo đó, vào chiều ngày 15/8/2013, ngân hàng TMCP Á Châu chi nhánh Bắc Giang thông báo, tại chi nhánh xuất hiện 3 khách hàng đến giao dịch rút 3 tỷ  đồng từ thẻ tiết kiệm không kỳ hạn, trong thẻ số dư tài khoản lên đến 72 tỷ đồng. Qua kiểm tra thông tin trên hệ thống nội bộ, nhân viên ngân hàng ACB chi nhánh Bắc Giang phát hiện không có khách hàng nào tên Triệu Văn Khinh mở thẻ với số tiền khủng như vậy nên đã giữ lại thẻ tiết kiệm này.
    Sáng 16/8, nhóm khách hàng trên quay lại ngân hàng ACB chi nhánh Bắc Giang để “xin” lấy lại thẻ tiết kiệm, lãnh đạo ngân hàng đã trình báo đến Công an tỉnh Bắc Giang. Nhận thấy 3 khách hàng này có hành vi dùng thẻ tiết kiệm giả có số dư 72 tỷ đồng để rút 3 tỷ đồng tại ngân hàng ACB chi nhánh Bắc Giang, phòng ANĐT đã tiến hành bắt giữ.
    Nhóm tội phạm với thủ đoạn dùng thẻ giả để mua... 500 triệu USD
    Thẻ tiết kiệm giả (tang vật do cơ quan công an cung cấp). 
    Tại cơ quan ANĐT, danh tính nhóm đối tượng được xác định gồm Triệu Văn Khinh (SN 1954) trú ở Hoàng Đồng - Lạng Sơn, Nguyễn Hoàng Giai (SN 1966) trú ở Bến Cầu - Tây Ninh và Nguyễn Anh Đức (SN 1968) trú ở cầu Xéo, Long Thành - Đồng Nai. Mở rộng điều tra, phòng ANĐT Công an tỉnh Bắc Giang ra lệnh bắt khẩn cấp thêm ba đối tượng khác là Trần Văn Tám (SN 1967) trú tại Châu Thành - Tiền Giang, Lê Thanh Phong (SN 1958) trú tại phường 2, TP.Cà Mau tỉnh Cà Mau, Dương Hoàng Anh (SN 1973), ở phường Bình Chiểu, quận Thủ Đức (TP.Hồ Chí Minh).
    Theo cơ quan ANĐT, vài năm trước đây, do các mối quan hệ xã hội nên các đối tượng đã quen biết nhau. Trong nhiều lần ngồi uống cà phê với nhau, các đối tượng nảy sinh ý định mua USD giả về tiêu thụ trong nước. Sau thời gian bàn bạc, ngày 8/8/2013, Tám chuyển cho Giai 170 triệu đồng để mua 10.000 USD giả. Ngày 9/8, Giai, Khinh sang Bằng Tường – Trung Quốc mua tiền USD giả của đối tượng Lý A Sàng. Ngày 10/8, Giai mang 10.000 USD giả vào TP.HCM bàn giao cho Phong, Anh. Sau đó hai đối tượng này chuyển đến cho Tám. Sau đó Tám chuyển số tiền này cho đối tượng Tân (hiện đã xuất cảnh) tiêu thụ trót lọt. Tám còn chỉ đạo Giai điện thoại cho Khinh bay vào TP.HCM để bàn bạc về việc mua tiền giả.
    Tại đây, đối tượng Lê Thanh Phong ký với Triệu Văn Khinh hai hợp đồng mua USD giả, một hợp đồng trị giá 6 triệu USD giả với mệnh giá 100 USD, một hợp đồng trị giá 500 triệu USD với mệnh giá 100 USD. Theo thỏa thuận giữa hai bên, mỗi lần giao dịch, người mua sẽ bỏ ra số tiền bằng 65\% giá trị tiền thật, cộng với 2\% để trả cho người môi giới và vận chuyển trong mỗi phi vụ.
    Để có tiền thực hiện “hợp đồng”, các đối tượng nghĩ ra thủ đoạn sử dụng thẻ tiết kiệm giả của ngân hàng ACB rồi mang về các tỉnh lân cận để rút. Sáng 14/8/2013 các đối tượng Khinh, Đức, Giai, Anh, Phong bay ra Hà Nội, tối cùng ngày Tám mang thẻ tiết kiệm giả ra Hà Nội. Cả bọn tụ tập tại nhà nghỉ Đông Đô - Giảng Võ (Ba Đình - Hà Nội).
    Sáng 15/8/2013, Khinh, Giai và Đức bắt taxi lên TP. Lạng Sơn thuê nhà nghỉ Lâm Sơn để ở, sau đó chúng đi tìm chi nhánh ngân hàng ACB tại Lạng Sơn để rút tiền. Nhưng ở Lạng Sơn không có chi nhánh của ngân hàng ACB nên cả bọn bắt taxi xuống ngân hàng ACB chi nhánh Bắc Giang rút tiền. Sau khi bị ngân hàng giữ thẻ, Khinh đã điện báo cho đồng bọn đang trú ở Hà Nội biết, sau đó nhóm của Tám đã thông báo nhóm của Khinh phải quay lại ngân hàng để “xin” lại thẻ tiết kiệm đã bị giữ, còn nhóm của Tám đã quay vào TP.HCM.
    Theo khai nhận của các  đối tượng, thấy việc mua bán tiêu thụ USD giả ngon ăn nên Nguyễn Văn Tân (SN 1963), quê quán ở Tân Phong, huyện Giá Rai (Bạc Liêu) đã đưa thẻ tiết kiệm giả cho nhóm đối tượng để rút tiền thật mang sang Trung Quốc mua  USD giả về tiêu thụ, kiếm lợi bất chính. Năm 2002, Tân đã chuyển sang định cư tại Mỹ, gần đây mới về Việt Nam sinh sống. Hiện Tân đã xuất cảnh ra nước ngoài nên cơ quan điều tra chưa xác minh, làm rõ được hành vi phạm tội của đối tượng.
    Thượng tá Minh cho biết, thẻ tiết kiệm giả được in phun màu rất tinh vi, trông giống như thật, mắt thường khó có thể phát hiện. Tại cơ quan điều tra, các đối tượng khai nhận, mục đích chiếm đoạt tiền tại ngân hàng ACB chi nhánh Bắc Giang là để có tiền sang Trung Quốc mua USD giả về tiêu thụ. Còn việc quay lại “xin” lại thẻ tiết kiệm nhằm mang sang bên Trung Quốc “làm tin” với chủ hàng và cầu may sẽ mua được USD giả bằng chiếc thẻ giả.
    Con nợ lôi chủ nợ vào vòng lao lý
    Trao đổi riêng với PV báo Đời sống và Pháp luât, Thượng tá Vũ Văn Tường, người trực tiếp điều tra vụ án cho biết, cái khó trong vụ án này là các đối tượng tham gia cư trú ở nhiều tỉnh, thành phố phía Nam. Do các đối tượng này thường xuyên vắng mặt tại địa phương, thay đổi chỗ ở liên tục  nên việc truy bắt gặp rất nhiều khó khăn. Cán bộ của phòng ANĐT Công an Bắc Giang đã phải ngược xuôi nhiều tỉnh thành phía Nam để phá án.
    Trong số các đối tượng, Triệu Văn Khinh là đối tượng có một tiền án về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản và mới ra tù năm 2012. Nguyễn Hoàng Giai, nguyên cán bộ UBND huyện Bến Cầu, từng được cử làm hội thẩm nhân dân của TAND huyện. Trước khi bị bắt, Giai đã xin nghỉ việc và có quyết định cho thôi việc của cơ quan chức năng.
    Đối tượng Trần Văn Tám được xem là người có vai trò quan trọng trong vụ án này vì là người kết nối các đối tượng với nhau. Trước đây, Tám hành nghề bốc thuốc nam, nhưng không có giấy phép nên bị chính quyền xử phạt. Khi bỏ xứ ra đi, y đã có vợ và con. Lang thang trên TP.HCM, y gặp và sống chung với một người phụ nữ tên H. và có một con lên 4 tuổi. Tuy nhiên chị H. bị bệnh về thận nên phải cần rất nhiều tiền để điều trị.
    Nhiều người dân khu vực nơi Tám sống cho biết, thường ngày thấy Tám rất thích ra oai, hay xách một chiếc ca-táp đen bóng lộn để đi lòe thiên hạ. Tám còn tự gắn cho mình cái mác “cán bộ nhà nước” trong khi bản thân không nghề nghiệp.
    Nhóm tội phạm với thủ đoạn dùng thẻ giả để mua... 500 triệu USD
    Đối tượng Tám và Khinh tại cơ quan điều tra.
    Theo Trung tá Tường, trong số các bị can trên, đáng tiếc nhất là trường hợp của Dương Hoàng Anh. Là đảng viên, được tặng thưởng huân chương trong thời gian phục vụ quân đội, chủ một công ty tư nhân chuyên san lấp mặt bằng, trước khi bị bắt, Anh quen Trần Văn Tám (lúc này Tám mạo danh tên khác là Nguyễn Tấn Bình) và nhận là người nhà của một quan chức trong Chính phủ đang công tác biệt phái tại các tỉnh phía Nam. Cách đây 3 năm, việc làm ăn khó khăn, nghĩ giao du với Bình sẽ mở rộng được mối quan hệ và đem về các mối làm ăn mới nên khi Khinh hỏi vay tiền, Anh đã không ngần ngại cho hắn vay. Tính đến năm 2012, Dương Hoàng Anh đã hào phóng cho Bình mượn hơn 1 tỷ đồng tiêu xài cá nhân. Khi biết rõ bộ mặt thật của Tám, Anh đã nhiều lần đòi tiền Tám nhưng không được. Biết vớ phải "kẻ trọc đầu”, số tiền cho vay khó có thể đòi được, lại nghe Tám rủ rê, lôi kéo, Anh đã tham gia đường dây lừa đảo của Tám và Tân hy vọng có thể thu lại khoản tiền đã mất nhưng không ngờ tiền không thu được lại còn vướng vào vòng lao lý.           
    Hầu hết các đối tượng đều vô công rồi nghề
    Theo nhận định của Trung tá Tường, hầu hết các đối tượng trong vụ án này đều không có việc làm ổn định, lười lao động, nay đây mai đó. Hiện phòng ANĐT đang hoàn tất hồ sơ đề nghị truy tố các đối tượng theo quy định. Riêng đối tượng Nguyễn Văn Tân, do không có mặt tại địa phương nên sẽ xem xét, xử lý trong vụ án khác.
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/dung-the-tiet-kiem-gia-so-du-72-ty-dong-rut-mua-500-trieu-usd-a29230.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan