(ĐSPL) - Thùy mua số lượng lớn tiền giả với tỷ lệ 3/10 (bỏ 300.000 đồng tiền thật mua 1 triệu đồng tiền giả). Tính tới thời điểm bị bắt, Thùy có hàng trăm chuyến buôn tiền giả với số lượng lên tới cả tỷ đồng...
Căn phòng trọ bí ẩn của “bà trùm”
Chiều 1/4, một cán bộ điều tra cơ quan CSĐT công an TP. Cần Thơ cho biết, cơ quan này vừa ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam các đối tượng Võ Hồng Thắng (40 tuổi, ngụ phường An Khánh, quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ); Nguyễn Rạng Đông (22 tuổi, ngụ phường Cái Khế, quận Ninh Kiều); Lâm Thị Xuân Thùy (34 tuổi), Nguyễn Văn Long (34 tuổi), Vũ Văn Nùng (47 tuổi, cùng ngụ TP. Cần Thơ); Đào Quang Đông (23 tuổi, ngụ TP.Hà Nội). Đây là các đối tượng nằm trong đường dây tiêu thụ tiền giả lớn nhất từ trước đến nay tại các tỉnh miền Tây Nam bộ.
|
Chân dung bà trùm buôn tiền giả Lâm Thị Xuân Thùy. |
Chân dung “bà trùm” Lâm Thị Xuân Thùy được dựng lên khiến dư luận không khỏi bàng hoàng. Trao đổi với PV báo Đời sống và Pháp luật, một cán bộ điều tra cho biết, vào thời điểm giữa tháng 3/2014, cơ quan CSĐT nhận được hàng loạt thông tin về việc có một nhóm đối tượng thường xuyên sử dụng tiền giả mệnh giá lớn để mua hàng hóa của người dân. Hành vi sử dụng tiền giả của các đối tượng này khiến nhiều hộ kinh doanh nhỏ lẻ gặp thiệt hại vô cùng lớn. Ngay khi tiếp nhận tin báo, cơ quan CSĐT liền tung nhiều mũi trinh sát hình sự vào cuộc. Sau nhiều ngày theo dõi, lực lượng trinh sát hình sự phát hiện có một người phụ nữ ngoài 30 tuổi có hành vi sử dụng tiền giả mệnh giá lớn để mua hàng hóa. Ngoài người phụ nữ này, lực lượng trinh sát còn phát hiện một số đối tượng khác.
Nhận định người phụ nữ trên chính là đối tượng cầm đầu, lực lượng trinh sát hình sự liền kiên trì mật phục, theo dõi. Vị cán bộ điều tra trên chia sẻ: “Khoảng vài ngày sau, chúng tôi xác định được phòng trọ của người phụ nữ nằm tại đường Nguyễn Văn Linh (quận Ninh Kiều, TP.Cần Thơ). Qua công tác xác minh, chúng tôi biết, người phụ nữ này không có việc làm ổn định, nhưng lại kiếm được khá nhiều tiền. Bên cạnh đó, có người dân nhìn thấy trong phòng trọ của Thùy có rất nhiều tiền (không rõ là tiền thật hay tiền giả – PV). Trước những chứng cứ trên, vào ngày 31/3, chúng tôi bất ngờ kiểm tra hành chính phòng trọ của Thùy”.
“Tại đây, chúng tôi nhanh chóng phát hiện có nhiều xấp tiền mệnh giá 200.000 đồng là tiền giả. Bên cạnh đó, chúng tôi còn phát hiện sáu cọc tiền giả trị giá 120 triệu đồng, giấu trong một thùng carton dùng để đựng trái cây và 18 triệu đồng bỏ trong túi xách. Khi yêu cầu người phụ nữ khai nhận về nguồn gốc số tiền trên, đối tượng run như cầy sấy. Qua biểu hiện bên ngoài, chúng tôi xác định đây là đối tượng lưu hành tiền giả chuyên nghiệp. Tại trụ sở cơ quan CSĐT, thị khai danh tính là Lâm Thị Xuân Thùy”, một lãnh đạo cơ quan CSĐT công an TP.Cần Thơ hé lộ.
Lần theo đường đi của tiền giả
Theo tìm hiểu của PV báo Đời sống và Pháp luật, tại cơ quan CSĐT, đối tượng Thùy còn khai nhận, thời gian trước đây, thị tìm mua tiền giả với một số “đầu nậu phân phối” loại tiền này tại các tỉnh phía Nam để tiêu thụ với tỷ lệ 6/10 (tức là bỏ 600.000 đồng tiền thật mua một triệu đồng tiền giả. Tuy nhiên, nguồn tiền mua từ đâu có mức lợi nhuận quá thấp nên buộc Thùy phải lùng sục các “đầu nậu” phân phối khác. Sau thời gian tìm kiếm, Thùy bắt được một “đầu nậu” chuyên phân phối loại tiền này tại khu vực biên giới tỉnh Lạng Sơn với Trung Quốc.
Sau đó, Thùy cùng với Long đi xe khách lên Lạng Sơn. Tại đây, Thùy mua số lượng lớn tiền giả với tỷ lệ 3/10, tức bỏ 300.000 đồng tiền thật mua một triệu đồng tiền giả đưa về các tỉnh miền Tây tiêu thụ. Do lo sợ việc vận chuyển tiền giả sẽ bị lực lượng chức năng phát hiện nên Thùy ngụy trang thành các thùng hàng trái cây vận chuyển vào Nam. Trước ngày bị bắt, Thùy cùng đồng bọn đi hàng chục chuyến để mua lượng tiền giả lên đến hàng tỷ đồng…
Một cán bộ điều tra cơ quan CSĐT cho biết, do mua được nguồn tiền giả có giá rẻ nên đối tượng Thùy cùng đồng bọn đưa về miền Tây và tổ chức bán sỉ cho nhiều “đầu nậu” khác với tỷ lệ 5/10 để kiếm lời. Bên cạnh đó, Thùy và đồng bọn còn trực tiếp đi lưu hành số tiền giả “khủng” này. Để tránh bị người dân, cơ quan chức năng phát hiện, Thùy và đồng bọn không sử dụng tiền giả tại các cây xăng, tiệm vàng... mà nhắm tới các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ dọc tuyến quốc lộ, tỉnh lộ... Bên cạnh đó, nhóm đối tượng này còn đưa tiền giả về các khu vực nông thôn để tiêu thụ.
Để tìm hiểu rõ hơn các thủ đoạn “buôn tiền giả” của Thùy và đồng bọn, PV tìm đến phòng trọ của Thùy tại đường Nguyễn Văn Linh. Trao đổi với PV, một số người dân ngụ gần phòng trọ của Thùy cho hay: “Trong thời gian Thùy ở trọ tại đây, người dân không hề hay biết Thùy là đối tượng cầm đầu băng nhóm chuyên tiêu thụ tiền giả. Qua quan sát, người dân chỉ phát hiện là người phụ nữ này thường xuyên đi xa và có một số mối quan hệ thân mật với nhiều người đàn ông”.
Theo thông tin mà PV báo Đời sống và Pháp luật thu thập được, để núp bóng cho hành vi tiêu thụ tiền giả quy mô lớn của mình, Thùy núp bóng bằng nghề bán trái cây ven đường Nguyễn Văn Linh. Đây chính là lý do tại sao Thùy vận chuyển tiền giả bằng các thùng hàng trái cây. Đối tượng Long thì núp bóng là chủ một quán hủ tiếu. Trong khi đó, đối tượng Nùng mặc dù là chủ khách sạn nhưng vẫn tham gia lưu hành tiền giả.
Nghi vấn hệ thống “chân rết” khác đang hoạt động Một cán bộ điều tra cơ quan CSĐT công an TP.Cần Thơ cho biết, đây là đường dây tiêu thụ tiền giả quy mô lớn tại các tỉnh miền Tây. Cơ quan CSĐT nghi vấn nhóm đối tượng còn tiêu thụ lượng tiền lớn hơn và còn có một số “chân rết” khác đang hoạt động. Cơ quan CSĐT đang mở rộng điều tra, làm rõ vụ án. |
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/triet-pha-duong-day-tieu-thu-tien-gia-lon-nhat-mien-tay-a28137.html