(ĐSPL) - Theo luật sư, người tạo hình ra tác phẩm hoặc người sở hữu tác phẩm tạo hình có quyền yêu cầu các tổ chức cá nhân sử dụng hình ảnh "rồng pikachu" phải trả phí bản quyền khi sử dụng tác phẩm tạo hình này trên các sản phẩm, quảng cáo...
Những ngày qua, cộng đồng mạng ở Việt Nam xôn xao với hình ảnh chú rồng vàng bằng cây cảnh và hoa cúc nằm trên đường Lê Hồng Phong (Ngô Quyền, Hải Phòng) bởi tạo hình "độc lạ" của nó.
Dù mới chỉ xuất hiện được vài ngày nhưng chú "rồng Pikachu" ở Hải Phòng này đã gây ra không ít tranh cãi về hình thù của mình và nhanh chóng bị tháo gỡ sau vài ngày gây tranh cãi trên mạng xã hội.
Tuy nhiên, chính vì sức hút lớn của chú rồng này mà nhiều sản phẩm ăn theo hình ảnh "rồng Pikachu" nhanh chóng xuất hiện, như áo phông in hình "rồng Pikachu" hay các loại cốc, bát, đĩa in hình "rồng Pikachu"...
"Rồng pikachu" được in hình lên ốp điện thoại và áo thun |
Có rất nhiều các sản phẩm ngộ nghĩnh in hình rồng, từ cốc, áo cho đến ốp điện thoại hay thậm chí là bánh gato.
Không chỉ tung ra những sản phẩm độc đáo, nhiều cửa hàng, quán cafe cũng tranh thủ sức hút của chú "rồng Pikachu" này để quảng cáo trên bảng hiệu, kính để trang trí cửa hàng, thu hút khách.
Bên cạnh những ý kiến trái chiều thì việc lấy hình ảnh "rồng pikachu" ở Hải Phòng để kinh doanh có vi phạm phạm luật cũng là điều dư luận đang thắc mắc.
Trao đổi với PV, luật sư Quách Thành Lực, Công ty Luật Hà Nội Tinh Hoa, Đoàn luật sư TP Hà Nội nhận định, “con Rồng Pikachu” là tác phẩm tạo hình theo quy định tại điểm g khoản 1 điều 14 Luật sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi bổ sung năm 2009; được hướng dẫn cụ thể tại khoản 1 điều 15 Nghị định 100/2006/NĐ-CP Hướng dẫn Bộ luật Dân sự, Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả và quyền liên quan.
Luật sư Quách Thành Lực, Công ty Luật Hà Nội Tinh Hoa, Đoàn luật sư TP Hà Nội |
Luật sư Lực dẫn Điều 15: Tác phẩm tạo hình, mỹ thuật ứng dụng như sau:
1. Tác phẩm tạo hình quy định tại điểm g khoản 1 Điều 14 của Luật Sở hữu trí tuệ là tác phẩm được thể hiện bởi đường nét, màu sắc, hình khối, bố cục như: Hội hoạ, đồ hoạ, điêu khắc, nghệ thuật sắp đặt và các hình thức thể hiện tương tự, tồn tại dưới dạng độc bản. Riêng đối với loại hình đồ hoạ, có thể được thể hiện tới phiên bản thứ 50, được đánh số thứ tự có chữ ký của tác giả.
Theo luật sư Lực, quyền tác giả với tác phẩm tại hình theo quy định của Luật sở hữu trí tuệ được bảo hộ tự động, tức là nó hình thành ngay khi tác phẩm được tạo hình tồn tại.
“Do vậy khi người khác sử dụng hình ảnh này phải trả thù lao cho tác giả hoặc người chủ sở hữu của tác phẩm tạo hình tùy vào nội dung thỏa thuận bản quyền giữa hai bên. Cụ thể trong trường hợp này người tạo hình ra tác phẩm hoặc người sở hữu tác phẩm tạo hình- UBND Thành phố Hải Phòng có quyền yêu cầu các tổ chức cá nhân sử dụng hình ảnh 'rồng pikachu' phải trả phí bản quyền khi sử dụng tác phẩm tạo hình này trên các sản phẩm, quảng cáo” - Luật sư Lực nhấn mạnh.
Luật sư cũng đề nghị, UBND Thành phố Hải Phòng cử bộ phận chuyên môn yêu cầu các cá nhân tổ chức sử dụng tác phẩm tạo hình phải trả phí bản quyền để tránh thất thu cho Nhà nước, hỗ trợ nâng cao nhận thức về sở hữu trí tuệ trong nhân dân; không yêu cầu cá nhân, tổ chức trả tiền bản quyền là gây thất thoát, lãng phí tài sản Nhà nước.
Xin cảm ơn luật sư!