Tặng vàng trong lễ cưới từ lâu đã trở thành nét đẹp văn hoá, thể hiện tấm lòng của hai bên gia đình dành cho cặp đôi trẻ. Tuy nhiên, khi giá vàng tăng cao, việc "mừng cưới bằng vàng" lại trở thành nỗi lo lớn, không chỉ là vấn đề tình cảm, mà còn là bài toán kinh tế khiến nhiều người không khỏi đau đầu.
Cụ thể, chị Hải Anh (Đống Đa, Hà Nội) có bạn thân chuẩn bị cưới vào cuối năm nay bày tỏ băn khoăn: "Trước đây, tôi và bạn thân đã hứa với nhau rằng khi một trong hai cưới, sẽ mừng 1 chỉ vàng. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, khi giá vàng đang tăng cao, tôi thực sự cảm thấy lo lắng và đắn đo bởi mua 1 chỉ vàng cũng tiêu tốn gần hết tháng lương của tôi".
"Tôi không muốn thất hứa với bạn, dù sao thì món quà đó không chỉ là giá trị vật chất mà còn chứa đựng tình cảm, nhưng tôi cũng không muốn mình rơi vào tình trạng căng thẳng tài chính chỉ vì một món quà”, chị Hải Anh chia sẻ.
Tương tự, bà Đặng Thu Hà (Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ, ngày trước con gái cưới chồng, gia đình anh chị bà đã mừng đến 3 chỉ vàng. "Khi đó giá vàng chỉ khoảng 4-5 triệu đồng/chỉ. Lúc ấy, tôi thấy việc tặng vàng là điều bình thường, không có gì phải lo lắng".
"Nhưng giờ đây, người cháu của tôi chuẩn bị kết hôn, tôi dự tính cũng sẽ mừng ít nhất 3 chỉ vàng giống như trước, nhưng giá vàng hiện tại đã gấp đôi trước, khiến tôi cảm thấy rất lo lắng", tạp chí Người Đưa Tin thông tin.
PGS.TS Phạm Ngọc Trung - Giảng viên cao cấp, nguyên Trưởng khoa Khoa Văn hóa và Phát triển, Học viện Báo chí và Tuyên truyền nhìn nhận, thông thường trong đám cưới, chỉ có những người người rất thân thiết mới sử dụng vàng để mừng, bởi vàng là hiện vật có giá trị lớn.
Người Việt Nam vẫn quan niệm "Có ăn có trả", nếu ngày trước được mừng vàng thì cũng nên đáp lễ lại như vậy. Tiền nong có thể biến đổi nhưng vàng vẫn là vàng.
Ngày trước, các cụ quan niệm rất khắt khe về việc này. Nếu không đáp lễ được như họ đã từng mừng gia đình thì đó là những người không biết ứng xử, "ăn mật trả gừng", hưởng ngọt nhưng lại trả cho đời đắng cay.
Tuy nhiên hiện nay, nếu như quan niệm thoáng hơn, xét về góc độ tình nghĩa, ngày trước người thân chúc mừng con cháu họ hàng bằng vàng nhưng hiện nhiều gia đình không có điều kiện để đáp lễ như cũ thì cũng phải thông cảm. Không nên so đo từng li từng tí, đánh mất tình cảm.
"Theo quan điểm cá nhân, nếu có điều kiện tốt thì nên đáp lễ như cũ, thể hiện tình nghĩa, không nên vì thiệt thòi vài ba triệu mà băn khoăn suy nghĩ mất đi tình cảm. Còn nếu không có thì cũng nên vận dụng tài để mừng sao cho phù hợp hài hoà, tránh rạn nứt", ông Trung nói.
Bên cạnh câu chuyện “mừng cưới bằng vàng”, nhiều người cho rằng: “Liệu có phải chính trong suy nghĩ của ông cha ta ngày xưa việc mừng cưới cho con cháu bằng vàng chẳng qua chỉ là vỏ bọc cho việc con cháu vay vàng phải trả chứ không hề xuất phát từ suy nghĩ yêu thương? Hay việc mừng cưới bằng vàng đã bị biến tướng bởi sự sĩ diện hão của một cộng đồng và mặc định tự cho là đúng?”.
Thông tin từ Vnexpress, từ khi nào việc mừng cưới vàng đã trở thành vay vàng để rồi trả vàng, trở thành gánh nặng cho đôi trẻ? Từ khi nào người được cho bỗng trở thành người giữ của giúp người cho, vàng không dám xài để đó chờ trả lại? Từ khi nào giá trị món quà trong ngày cưới trở thành thước đo cho sự biết điều, để được nể mặt?
Bản chất thật của việc mừng cưới không hề quy định cụ thể phải đi mừng cái gì. Ai có gì thì mình mừng cái đó, ngày xưa ông bà còn tặng đôi chiếu, cái phích nước, ai không có tiền thì còn phụ đám.
Mọi thứ đều tròn trịa trong chữ "mừng", mừng cho đôi trẻ khởi đầu cuộc sống mới. Cuộc sống đổi thay khi những món quà mừng ấy dần được thay thế bằng kim tiền thiết thực. Nhưng nó vẫn không vượt qua một ý nghĩa đó là mừng cho đôi trẻ. Nếu đã là mừng và nó xuất phát từ cái tâm thì hà cớ gì nó trở thành vay trả.
Cô dâu và chú rể có mở tiệc vay chăng? Người được mời trở nên toan tính khi nhận được tấm thiệp mời? Nếu ai vẫn nghĩ rằng cho là vay thì xin hãy giữ lại số tiền vàng của mình, đừng bắt người khác giữ giùm mà mình được tiếng thơm. Sống không quên ân nghĩa, có trước có sau nhưng điều quan trọng hãy liệu cơm gắp mắm, đừng để bệnh sĩ chết trước bệnh tim.