Bà bầu
VTC News dẫn lời Bác sĩ Nguyễn Hoài Thu - Viện Y học Ứng dụng Việt Nam cho biết, bản chất món lẩu không hề gây hại cho bà bầu nhưng đối tượng này tốt nhất vẫn cần hạn chế ăn.
Thói quen nhúng qua loa thức ăn, ăn thịt tái khi ăn lẩu có thể khiến bà bầu đối diện với các bệnh về ký sinh trùng như sán lá gan.
Ở bà bầu, sức đề kháng yếu đi, việc nhiễm sán hay ký sinh trùng sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe cả mẹ lẫn bé.
Bên cạnh đó, món lẩu thường chứa nhiều gia vị, nếu không thể đảm bảo các loại gia vị này an toàn thì có thể sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe thai nhi. Vì vậy trước khi ăn bà bầu cần cân nhắc kỹ.
Trẻ nhỏ
Đa số các món lẩu khi chế biến đều cho nhiều các loại gia vị, nhất là các gia vị cay nóng để tăng độ hấp dẫn. Không chỉ vậy, đặc trưng của món lẩu là ăn khi nóng, nhiệt độ còn rất cao nên trẻ nhỏ không nên ăn nhiều.
Độ nóng của nước lẩu, thức ăn cũng như việc sử dụng nhiều gia vị cay nóng dễ khiến trẻ nhỏ bỏng niêm mạc miệng...
Người đau dạ dày
Các loại lẩu cay như lẩu kim chi, lẩu Thái chua cay, lẩu gà ớt hiểm... dù đem lại cảm giác ngon miệng nhưng lại không phù hợp với người đang mắc bệnh dạ dày, vì có thể khiến dạ dày bị kích thích và tình trạng bệnh trầm trọng hơn.
Khi ăn lẩu cay, nóng sẽ khiến lớp màng nhầy trong dạ dày bị ảnh hưởng dẫn tới gây viêm loét dạ dày.
Người bị mỡ máu, đái tháo đường, tăng huyết áp
Một vấn đề nữa bác sĩ Hoài Thu cũng cảnh báo là nguyên liệu để làm ra món lẩu rất phong phú, đó là nấm, hải sản, thịt gà, nội tạng, thịt bò...
Đây đều là những thực phẩm giàu dinh dưỡng, dồi dào purine, nhiều cholesterol, không phù hợp để những người bệnh gút, tiểu đường, cao huyết áp ăn nhiều vì sẽ khiến tình trạng bệnh trở nên nghiêm trọng.
Những điều nên tránh khi ăn lẩu
Một bữa ăn quá dài sẽ khiến dạ dày tiết dịch vị, mật tiết dịch mật, tụy cũng phải tiết dịch làm cho hệ tiêu hóa liên tục phải làm việc, các cơ quan nội tạng không được nghỉ ngơi hợp lý và đúng đồng hồ sinh học dẫn đến chức năng dạ dày suy giảm.
Từ đó sinh ra rối loạn tiêu hóa, đau bụng, tiêu chảy, nặng có thể bị viêm dạ dày ruột cấp tính, viêm tụy.
Do đặc điểm của món lẩu là vừa nấu vừa ăn nên rất dễ dẫn đến việc chúng ta ăn thức ăn từ trên bếp vẫn còn nóng hổi. Việc ăn quá nóng sẽ làm cho niêm mạc miệng và thực quản quá nóng gây ra bỏng nhưng chúng ta không biết.
Cách tốt nhất là bạn nên gắp thức ăn từ nồi ra bát, chờ 1 chút cho nguội bớt rồi mới bắt đầu ăn.
Ngoài ra, khi ăn lẩu cần nhớ thời gian đủ làm chín thực phẩm trước khi ăn. Nếu ăn thịt quá tái sẽ gây đầy hơi, khó tiêu, nhiễm ký sinh trùng. Nếu chín quá kỹ sẽ khó ăn, mất chất.
Điều cuối cùng khi ăn lẩu cần tránh đó là không nên cho quá nhiều gia vị cay vào nồi nước lẩu. Điều này không những làm kích thích càng màng nhầy trong miệng, thực quản, đường tiêu hóa mà còn gây ra tắc nghẽn, phù nề, dễ gây bệnh
Sau khi ăn lẩu nên làm điều này
Theo Tuổi trẻ Thủ đô, ăn lẩu thường nóng và rất cay. Điều này gây kích thích dạ dày, thậm chí còn có thể gây tổn thương niêm mạc dạ dày. Bên cạnh đó, sự hoà trộn của quá nhiều nguyên liệu cũng không tốt cho hệ tiêu hoá. Thế nên, ăn lẩu dễ gây nóng trong người và nổi mụn. Những ai ăn lẩu thường xuyên còn dễ bị mắc các vấn đề về dạ dày và đường tiêu hoá nữa.
Do đó, sau khi ăn lẩu từ 30 - 40 phút bạn nên ăn một số loại trái cây có tính mát để giúp hỗ trợ tiêu hóa dễ hơn cũng như giảm béo và hạ nhiệt hiệu quả do các loại lẩu thường cay nóng và giàu chất béo động vật.
Những loại trái cây có tính mát rất giàu vitamin tránh cho cơ thể bị tích tụ axit do ăn quá nhiều chất đạm từ thịt bò, lợn, gà... bao gồm kiwi, thanh long, lê, bưởi, lựu, dưa hấu, dâu tây, cam, hồng... Lưu ý, do những loại trái cây này giàu vitamin C nên không nên ăn ngay lập tức sau khi ăn lẩu xong, đặc biệt là lẩu hải sản. Do chất asen pentavenlent trong hải sản kết hợp vitamin C có trong trái cây rồi chuyển hóa thành asen trioxide gây ngộ độc cho cơ thể.
Sau khi ăn lẩu khoảng 1 - 2 tiếng bạn có thể uống một cốc trà xanh vừa có tác dụng giảm mùi thức ăn trong miệng, thúc đẩy quá trình trao đổi chất và tiêu mỡ. Tuy nhiên không nên uống trà ngay sau khi ăn lẩu do tanin có trong trà kết hợp protein trong thực phẩm tạo các chất cặn khó tiêu, kết tủa và tạo sỏi thận.
Chất này còn phản ứng với các khoáng chất trong thức ăn như sắt (từ thịt bò), magie, kẽm... tạo ra các axit gây hại cho dạ dày. Hơn nữa tannin và theocin trong trà còn ức chế sự bài tiết của dịch vị và dịch ruột, khiến thức ăn khó hấp thụ hơn.
Nếu ăn lẩu hải sản, tốt nhất bạn nên uống trà xanh sau khoảng 2 giờ bởi axit tannic trong trà có thể kết hợp với canxi của tôm, cua... cũng gây khó tiêu, thậm chí kết sỏi. Các loại trà nên uống sau khi ăn lẩu là trà đen, trà xanh, trà mật ong hoa hồng.
Một cốc sữa chua sau khi ăn lẩu 30 phút sẽ giúp tăng lợi khuẩn trong đường ruột, không những bảo vệ niêm mạc dạ dày nếu bạn ăn các loại lẩu cay nóng mà còn giúp dạ dày tiêu hóa tốt hơn cũng như thúc đẩy quá trình đào thải cặn bã ra ngoài.
Lưu ý không nên ăn sữa chua còn lạnh ngay sau khi ăn lẩu bởi ăn lạnh và nóng liên tục rất dễ tổn thương tỳ vị gây rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy và ê buốt răng.
Các chuyên gia dinh dưỡng cũng cho rằng, không chỉ sau khi ăn lẩu, mà sau bữa ăn hàng ngày bạn cũng nên ăn một cốc sữa chua để duy trì cân bằng hệ khuẩn trong đường ruột cũng như hỗ trợ cho quá trình tiêu hóa và hấp thụ thức ăn tốt hơn.
Khi ăn lẩu, nhiều người thường sử dụng các đồ uống như rượu, bia, nước ngọt, đồ uống có ga... Điều này càng làm tăng thêm gánh nặng cho dạ dày và ảnh hưởng không tốt tới sức khoẻ. Các bạn chỉ nên uống nước lọc khi ăn lẩu và sau khi ăn lẩu. Nước lọc sẽ giúp hạn chế bớt những kích thích mà việc ăn lẩu, ăn cay gây nên.
Thùy Dung(T/h)