Tổng quan về đậu bắp
Đậu bắp còn có nhiều tên gọi khác như mướp tây, bông vàng, bắp chà hay thảo cà phê, okra (Anh), có tên khoa học cũ gọi là Hibicus enculentus L. (Albelmoschus enculentus Wight et Arn) thuộc họ Đông (Malvaceae). Là loại cây có nguồn gốc từ Tây Phi, có khả năng chịu đựng được nóng bức và khô hạn tốt, được gieo trồng ở những vùng nhiệt đới hay ôn đới, thấy phổ biến tại miền Nam Hoa Kỳ. Ở nước ta, đậu bắp được trồng ở nhiều nơi nhưng tập trung ở các tỉnh phía Nam.
Các công dụng của đậu bắp có thể kể đến như:
Ngăn ngừa thiếu máu: Đậu bắp chứa nhiều vitamin B, K, sắt, kali, kẽm, canxi, magie, mangan giúp tạo ra các tế bào hồng cầu cho cơ thể nên những ai bị thiếu máu có thể bổ sung loại đậu này.
Chữa ho và viêm họng: Người bị đau họng có thể dùng nước ép đậu bắp uống hàng ngày bởi tính kháng khuẩn, chống viêm rất hữu ích cho tình trạng này.
Hỗ trợ người bị tiểu đường: Đậu bắp chứa các tinh chất giống insulin, có tác dụng giảm lượng đường trong máu. Vì thế uống nước ép đậu bắp giúp kiểm soát lượng đường hiệu quả.
Cải thiện sinh lý cho nam giới: Đậu bắp chứa glucid phức polysaccharide và nhiều thành phần khác giúp tăng cường bản lĩnh phái mạnh.
Giảm cholesterol: Trong đậu bắp chứa nhiều chất xơ hòa tan, vì thế sẽ giúp giảm cholesterol trong máu và bảo vệ trái tim khỏe mạnh.
Hỗ trợ tốt cho tiêu hóa: Đậu bắp được ví như một loại thuốc nhuận tràng tự nhiên, có lợi cho tiêu hóa.
Cải thiện hệ miễn dịch: Thành phần vitamin C và chất chống oxy hóa dồi dào trong đậu bắp sẽ giúp bạn hạn chế mắc các bệnh như cảm lạnh, cúm, hen suyễn…
Làm đẹp da: Các chất chống oxy hóa cũng sẽ giúp thanh lọc máu, giảm mụn trứng cá hay các bệnh ngoài da do tạp chất trong máu gây nên.
Giúp xương chắc khỏe: Nhờ vitamin K, folate dồi dào, đậu bắp là “cứu tinh” trong việc ngừa loãng xương, tăng mật độ xương, cho xương chắc khỏe hơn.
Đậu bắp hỗ trợ phòng ngừa ung thư: Chất chống oxy hóa là các hợp chất tự nhiên giúp cơ thể chống lại gốc tự do - phân tử gây hại cho tế bào. Các gốc tự do có thể gây ra sự mất cân bằng oxy hóa, cuối cùng dẫn đến ung thư.
Đậu bắp chứa các chất chống oxy hóa polyphenol, gồm vitamin A và C. Đậu bắp cũng chứa loại protein gọi là lectin có thể ức chế sự phát triển của tế bào ung thư ở người. Các nghiên cứu sử dụng hợp chất cô đặc từ đậu bắp cho thấy chúng có tác dụng ức chế đến 65% sự phát triển của tế bào ung thư vú. Tuy nhiên, cần thêm nghiên cứu để có bằng chứng chắc chắn về đặc tính ngăn ngừa ung thư của đậu bắp.
Những người cần tránh ăn đậu bắp
Bệnh nhân có vấn đề về đường ruột
Đậu bắp chứa nhiều fructan – một dạng carbohydrate có thể gây tiêu chảy, đầy hơi ở những bệnh nhân vốn có vấn đề về đường ruột. Điều đáng lưu ý là bệnh nhân bị hội chứng ruột kích thích và một số bệnh đường ruột khác dễ nhạy cảm với thực phẩm có hàm lượng fructan cao như đậu bắp.
Người viêm khớp, đau khớp nhạy cảm với thành phần solanine
Đậu bắp chứa solanine vốn có liên quan với đau khớp, viêm khớp và viêm kéo dài ở một tỉ lệ nhỏ người nhạy cảm với thành phần này. Solanine cũng hiện diện trong khoai tây, cà chua, cà tím, dâu tây và atisô. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có nghiên cứu nào đề xuất nên hạn chế dùng solanine và điều ngược lại dường như có ý nghĩa hơn là rau quả nói chung kéo giảm tình trạng viêm.
Bệnh nhân đang dùng thuốc chống đông máu
Ăn nhiều thực phẩm có hàm lượng vitamin K cao có tác dụng ngược đối với bệnh nhân đang dùng thuốc chống đông máu như warfarin – là loại thuốc có tác dụng ngăn ngừa kết tụ huyết khối làm nghẽn đường dẫn máu vào tim hoặc não. Vitamin K cũng bị xem là trợ giúp cho huyết khối hình thành, làm cho đường truyền máu tới tim hoặc não bị tắc nghẽn cực nguy hiểm.
Người bị sỏi thận
Những ai từng mắc sỏi thận cũng đều tránh dùng quả đậu bắp bởi vì quả đậu bắp có chứa lượng oxalate lớn dễ tạo nên sỏi thận với dạng calcium oxalate.
Ăn nhiều đậu bắp mỗi ngày có thể khiến một số người phải đối mặt với một số vấn đề sức khỏe như:
Tăng nguy cơ sỏi thận
Trong đậu bắp có chứa nhiều oxalat. Theo nhiều khuyến cáo từ viện nghiên cứu, ăn nhiều thực phẩm giàu oxalat có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh sỏi thận dạng canxi oxalat. Do đó, những người đang bị bệnh sỏi thận nên hạn chế ăn nhiều đậu bắp, cũng như các thực phẩm giàu chất oxalat.
Gây ra bệnh tiêu chảy
Đậu bắp có chứa fructans – một loại carbohydrate. Ăn nhiều thực phẩm chứa fructans có thể gây ra các tình trạng tiêu chảy, đầy hơi, chuột rút ở những người có vấn đề đường ruột, đặc biệt là người bị hội chứng ruột kích thích.
Ngoài ra ăn đậu bắp bị tiêu chảy thì có thể là do vệ sinh thực phẩm không sạch. Mặc dù đây là thực phẩm có lợi cho những người mắc bệnh táo bón nhưng đối với người bụng cồn cào hay đau bụng thì không nên ăn đậu bắp.
Viêm khớp
Mặc dù không phổ biến, nhưng một tỷ lệ nhỏ người có thể sẽ bị tăng tình trạng đau khớp, viêm khớp và viêm khớp kéo dài nếu ăn đậu bắp thường xuyên. Nguyên nhân là do trong đậu bắp có chất solanine, đây là một hợp chất có thể gây ra các vấn đề liên quan đến xương khớp.
Cách sử dụng đậu bắp an toàn
Một tuần bạn có thể ăn đậu bắp 2 – 3 lần, mỗi lần ăn khoảng 100 - 150g bắp kết hợp với những thực phẩm khác trong bữa ăn là đã có thể cung cấp đủ hàm lượng dinh dưỡng cần thiết cho một ngày.
Thùy Dung (T/h)