(ĐSPL) - Các thông số chi cho việc đổi mới chương trình sách giáo khoa sau 2015 càng ngày càng hoang mang, đầu tiên là gần 35 tỉ gây sốc, sau đó lại chi 5.000 tỉ cho viết sách giáo khoa, rồi từ 5.000 tỉ rút xuống 105 tỉ, nghĩa là rút xuống 1/50 lần.
Trao đổi với Báo Đời sống và Pháp luật, GS Văn Như Cương cho biết: “Việc dùng 20 tỉ, hơn 2/3 tổng kinh phí để mua trang thiết bị dạy học thì còn kinh khủng hơn việc dùng 105 tỉ đồng cho biên soạn sách giáo khoa”.
|
GS Văn Như Cương cho rằng 20 nghìn tỷ mua thiết bị dạy học là quá lãng phí. |
"Việc mua trang thiết bị là rất lãng phí và nhức nhối. Bộ GD&ĐT có thường xuyên kiểm tra việc sử dụng trang thiết bị dạy học các trường được nhận về không. Bộ có biết các trường đa phần là phải bắt buộc mua, rồi để thiết bị đắp chiếu trong kho không?
Có thực tế là nhiều thiết bị do chính Cục Cơ sở vật chất và Thiết bị trường học, đồ chơi trẻ em của Bộ GD&ĐT sản xuất, đưa xuống các trường không thể sử dụng, thiếu chính xác khiến giáo viên nản lòng.
Ví dụ như hình học, hay thí nghiệm vật lí có thể mô tả bằng clip chiếu cho học sinh xem chứ không nhất thiết phải xuống phòng thực hành mất thời gian mà học sinh vẫn không hiểu đầy đủ.
Trong đổi mới phải làm cuộc cách mạng toàn diện, chưa thấy bàn về nội dung đổi mới chương trình gì mà đã mất thì giờ mua những thứ không thiết thực. Cần đổi mới chuyển từ việc học chữ không sang học chữ và học làm người.
Chú trọng dạy văn, dạy toán mà không dạy phẩm chất đạo đức, dạy người, dạy nghề là thiếu. Vì thế học sinh, trẻ con mới sinh ra đánh nhau, học sinh đánh cả thầy giáo”, Giáo sư Văn Như Cương tiếp lời.
Từng tham gia viết sách giáo khoa, GS Văn Như Cương cho biết, mỗi tiết được trả 300.000 đồng, sau đó tăng dần lên 500.000 đồng. Với những người tham gia viết sách giáo khoa mới, nếu được trả 2 triệu đồng mỗi tiết thì chỉ hết khoảng 34 tỷ đồng.
Ông nhẩm tính, môn Toán lớp 12 có 100 tiết, nếu trả 2 triệu đồng mỗi tiết thì hết 200 triệu đồng. Từ lớp 1 đến lớp 12 môn này tốn khoảng hơn 2 tỷ đồng. Con số này đem nhân với 12 môn học là gần 30 tỷ đồng.
|
Dùng 20 ngàn tỷ mua thiết bị dạy học là quá lãng phí? (Trong ảnh: Vì nhiều lý do, thiết bị dạy học của một trường miền núi đã phải nằm đắp chiếu như thế này). |
Khẳng định từ trước đến nay việc viết sách rất tiết kiệm, thầy Cương đề nghị thành lập trại viết sách giáo khoa tập trung.
“Ở đó các tác giả làm việc tập trung theo đúng giờ hành chính. Họ phải tách ra khỏi cơ sở làm việc cũ trong một thời gian quy định, tập trung hoàn toàn cho công việc này. Trước đây chúng tôi viết theo kiểu tay trái, nghĩa là ngày tôi vẫn dạy ở trường sư phạm, buổi tối hoặc lúc rảnh rỗi ngồi viết. Nhưng bây giờ không nên như thế, người viết cần tập trung trí tuệ", ông nói.
Sau khi có sách rồi, kế hoạch của Bộ Giáo dục và Đào tạo là thay sách 3 lớp đầu cấp theo kiểu cuốn chiếu nên ít nhất tiểu học mất 5 năm mới xong. Do đó, thầy Cương đề nghị nên thay mới toàn bộ sách giáo khoa từ lớp 1 đến lớp 12 để tiết kiệm thời gian đổi mới.
Trước đó, năm 2011, khi đưa ra đề án đổi mới trị giá 70.000 tỷ đồng gây tranh cãi, Bộ GD&ĐT giải thích đó chỉ là con số khái toán và việc biên soạn chương trình sách giáo khoa hết 960 tỉ đồng, số tiền còn lại để xây dựng cơ sở vật chất (khoảng 35.000 tỷ đồng), mua sắm thiết bị, đồ dùng dạy học (30.000 tỷ đồng), đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên 390 tỷ đồng…
Bộ GD-ĐT công bố dự kiến chi tiêu 34.275 tỉ đồng
Bộ GD&ĐT đã công bố khái toán kinh phí thực hiện đổi mới chương trình SGK phổ thông sau 2015. Theo đó, tổng kinh phí dự kiến cho đề án này là 34.275 tỷ đồng. Gồm 5 khoản chi sau:
Kinh phí dành cho biên soạn chương trình SGK, sách giáo viên: 105 tỉ đồng, bao gồm: xây dựng chương trình tổng thể và chương trình các môn học của 12 lớp; biên soạn SGK, sách giáo viên từ lớp 1 đến lớp 12; tổ chức thẩm định chương trình và SGK.
Kinh phí dành cho tổ chức thử nghiệm chương trình - SGK mới tại 600 trường với 34.000 học sinh: 910 tỉ đồng, bao gồm: tập huấn, bồi dưỡng dạy thử nghiệm cho giáo viên và cán bộ quản lý (khoảng 20.000 người); đánh giá và hoàn thiện SGK, sách giáo viên; cấp SGK thử nghiệm cho học sinh và sách giáo viên cho giáo viên dạy thử nghiệm.
Kinh phí triển khai dạy học đại trà theo chương trình - SGK mới: 8.150 tỉ đồng, bao gồm: Triển khai dạy học đại trà trên phạm vi cả nước (khoảng 30.000 trường, 15 triệu học sinh); tập huấn bồi dưỡng dạy học đại trà theo chương trình và SGK mới cho giáo viên và cán bộ quản lý (khoảng 900.000 người).
Khoán kinh phí lớn nhất dự kiến đầu tư cho trang thiết bị dạy học với: 20.100 tỉ đồng, bao gồm: bổ sung, thay thế khoảng 50\% thiết bị dạy học tối thiểu đã có; trang bị mới thiết bị do chương trình - SGK mới yêu cầu.
Kinh phí dành cho ứng dụng công nghệ thông tin và xây dựng kênh truyền thông giáo dục: 5.010 tỉ đồng, bao gồm: xây dựng kênh truyền thông giáo dục phục vụ đổi mới chương trình - SGK giáo dục phổ thông gắn với xây dựng xã hội học tập.
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/dung-20-ngan-ty-mua-thiet-bi-day-hoc-la-qua-lang-phi-a29684.html