Theo TTXVN, ngày 13/5, Bộ Quốc phòng Đức xác nhận sẽ cung cấp gói khí tài quân sự lớn trị giá 2,7 tỷ euro (hơn 2,9 tỷ USD) cho Ukraine trong những tuần và tháng tới đây.
Theo Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius, Berlin sẽ tiếp tục cung cấp mọi sự hỗ trợ cần thiết cho Kiev. Danh sách gói hỗ trợ mới nhất này bao gồm 20 xe chiến đấu bộ binh Marder, 30 xe tăng Leopard-1-A5, 18 pháo tự hành bánh lốp, 15 pháo phòng không Gepard, 200 máy bay không người lái trinh sát, 4 hệ thống phòng không IRIS-T cùng đạn dược, nhiều đạn pháo bổ sung cùng hơn 200 phương tiện hậu cần và chiến đấu bọc thép.
Ngoài ra, Đức sẽ cung cấp cho Ukraine 12 bệ phóng IRIS-T-SLS cùng hàng trăm tên lửa dẫn đường cho hệ thống này. Đây được xem là gói khí tài quân sự lớn nhất mà Đức cung cấp để tăng cường sức mạnh cho lực lượng vũ trang Ukraine kể từ khi nổ ra cuộc xung đột hồi tháng 2/2022.
Tờ Der Spiegel cho rằng với việc chuyển giao vũ khí mới, Chính phủ liên bang Đức một lần nữa tập trung vào việc tăng cường hệ thống phòng không của Ukraine. Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết ông đã có "sự đồng thuận" với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky rằng vũ khí của Đức sẽ không được sử dụng cho các cuộc tấn công vào lãnh thổ Nga.
NATO liên tục bơm vũ khí để Kiev chuẩn bị tiến hành kế hoạch phản công. Vương quốc Anh mới đây tuyên bố cung cấp cho Kiev tên lửa hành trình Storm Shadow có thể tấn công các mục tiêu cách xa hơn 250 km. Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace cho biết tên lửa Storm Shadow sẽ “cho phép Ukraine đẩy lùi các lực lượng Nga đóng trên lãnh thổ có chủ quyền của Ukraine”.
Ukraine nhiều lần yêu cầu khả năng tấn công tầm xa song các quốc gia phương Tây từ chối cung cấp loại vũ khí này. Họ cho rằng, động thái này có thể khiến leo thang căng thẳng khi vũ khí này cung cấp cho Ukraine khả năng tấn công vào lãnh thổ Nga.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hôm 11/5 nói quân đội nước ông cần thêm thời gian để chuẩn bị cho cuộc phản công. Ông cho rằng cuộc phản công rất được mong đợi chống lại quân đội Nga bị trì hoãn một phần do thiếu vũ khí và xe bọc thép.
Xung đột Nga - Ukraine diễn ra hơn một năm và chưa có hồi kết. Phương Tây liên tục bơm vũ khí cho Ukraine chống lại Nga. Nga cho rằng, quyết định của Mỹ và các nước NATO cung cấp khí tài cho Ukraine khiến cho đàm phán giữa Nga và Ukraine trở nên “vô nghĩa”.
Nga nhiều lần cáo buộc Mỹ và đồng minh tìm cách cố tình kéo dài cuộc xung đột, cảnh báo phương Tây không cung cấp vũ khí cho Ukraine, đồng thời nhấn mạnh điều này sẽ chỉ làm leo thang xung đột và gây thương vong không đáng có mà không thay đổi được cục diện chiến sự, thông tin từ VTC News.
Thùy Dung (t/h)