+Aa-
    Zalo

    Dự thảo hạn chế thiết bị ghi âm, ghi hình: Làm khó công tác chống tham nhũng?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Ngay khi dự thảo Nghị định hạn chế người dùng thiết bị ghi âm ghi hình ngụy trang đưa ra lấy ý kiến đã vấp phải sự phản ứng từ dư luận.

    Ngay khi dự thảo Nghị định hạn chế người dùng thiết bị ghi âm, ghi hình ngụy trang đưa ra lấy ý kiến đã vấp phải sự phản ứng từ dư luận.

    Tại dự thảo Nghị định về điều kiện kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang ghi âm, ghi hình định vị mà Bộ công an đang xin ý kiến có nội dung “chỉ cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội mới được sử dụng thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị phục vụ cho hoạt động bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, phòng, chống tội phạm. 

    Ngay khi dự thảo được đưa ra lấy ý kiến đã vấp phải sự phản ứng từ dư luận. Để bạn đọc hiểu rõ hơn về vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Luật sư Phạm Hoài Nam (Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh) về quy định này.

    Ảnh Luật sư Hoài Nam tranh luận tại một phiên tòa.

    Phóng viên: Ông có nhận xét gì về quy định này trong hoàn cảnh hiện nay ?

    Luật sư Phạm Hoài Nam: Trong thời điểm hiện nay, nội dung quy định này là chưa phù hợp. Bởi vì, quy định  như vậy vô tình đã hạn chế quyền được sử dụng các thiết bị, phần mềm để ghi âm, ghi hình của người dân để phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt, đảm bảo an ninh chỗ ở, nơi kinh doanh… Mặt khác, quy định này sẽ hạn chế một nguồn chứng cứ quan trọng, có giá trị cho việc giải quyết các vụ việc dân sự, vụ án hình sự… Việc người dân sử dụng các thiết bị, phần mềm để ghi âm, khi hình đã trở thành quyền của công dân và đây là điều hoàn toàn đúng đắn. Nhất là giúp người dân có thể tham gia vào quá trình phòng, chống các hình vi tiêu cực của mọi thành phần trong xã hội… Đồng thời, quy định này phần nào cũng gây ra mâu thuẫn với một số quy định khác trong hệ thống pháp luật hiện này.

    Cụ thể là những quy định nào thưa ông?

    Quy định trên hạn chế quyền sở hữu tài sản của công dân theo tình thần của Hiến Pháp và Bộ luật dân sự. Ngoài ra nó mâu thuẫn, xung đột với nhiều quy định đã có trước đó về việc thu thập chứng cứ trong các văn bản pháp luật như: Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Bộ luật tố tụng hình sự, Luật Báo chí, Bộ luật tố tụng dân sự, Luật phòng, chống tham nhũng.

    Có ý kiến cho rằng Quy định ảnh hưởng đến quyền thu thập thông tin của nhà báo cũng như hoạt động báo chí, ý kiến của ông là gì?

    Quá trình thu thập thông tin của báo chí chủ yếu dựa trên các thông tin về hình ảnh, video, ghi âm và trong nhiều trường hợp phải thu thập thông tin một cách bí mật, đảm bảo an toàn cho người tác nghiệp.  Bởi vậy, nếu chỉ cơ quan chuyên trách mới được sử dụng ghi âm, ghi hình bí mật thì vô hình đã hạn chế quyền tác nghiệp của rất nhiều nhà báo.

    Quy định này có ảnh hưởng đến hoạt động phòng chống tham nhũng thế nào thưa ông?

    Theo quan sát của tôi, thời gian vừa qua có nhiều hành vi tham nhũng đã bị đưa ra ánh sáng, xử lý đúng người, đúng tội là nhờ đóng góp rất lớn và chủ yếu từ các chứng cứ dữ liệu điện tử từ các thiết bị ghi âm, ghi hình. Nếu áp dụng quy định này sẽ hạn chế rất lớn việc thu thập chứng cứ tố giác tham nhũng, từ đó hạn chế quyền chính đáng của công dân và đi ngược lại với các chủ trương phòng, chống tham nhũng. 

    Theo các quy định của pháp luật, cả người dân lẫn báo chí đều có quyền giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước. Để việc giám sát có hiệu quả thì không nên cấm các đối tượng đó sử dụng trang thiết bị ghi âm ghi hình.

    Ông đánh giá thế nào về tính thực thi của quy định này nếu được thông qua và triển khai trên thực tế?

    Tôi tin rằng, quy định này sẽ khó thực thi nếu được thông qua bởi trong bối cảnh khoa học kỹ thuật phát triển, nhiều thiết bị công nghệ cao đã được thương mại hóa, giá rẻ, ứng dụng nhiều trong đời sống. Những thiết bị phổ biến, phát minh phục vụ cho cuộc sống của người dân và không được phép cấm. Chỉ cấm nếu người dân sử dụng trong những phạm vi là mục tiêu bảo vệ an ninh quốc gia, bí mật quốc gia, bí mật quân sự, bí mật kinh tế…

     

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/du-thao-han-che-thiet-bi-ghi-am-ghi-hinh-lam-kho-cong-tac-chong-tham-nhung-a186976.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan