Theo báo cáo của công ty kế toán hàng đầu PwC, trong năm 2023, lạm phát sẽ khiến mức lương thực tế của người dân Vương quốc Anh giảm xuống mức thấp nhất trong 17 năm, tương đương mức lương năm 2006. Cụ thể, PwC ước tính đến thời điểm kết thúc năm 202, tiền lương thực tế tại Anh dự kiến giảm tổng cộng 3% và sẽ tiếp tục giảm thêm 2% nữa trong toàn bộ năm 2023.
Báo cáo của công ty cho biết mức tăng tiền lương tại Anh đã bị đình trệ trong bối cảnh lạm phát tăng tới 2 con số, gây ra cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ. Điều này đã gây ra các cuộc đình công lan rộng trong mọi khắp nền kinh tế ở Anh, từ đường sắt, trường học, bệnh viện đến dịch vụ bưu chính.
Các nhân viên hàng không hồi cuối tuần trước cũng đã bắt đầu một cuộc đình công lớn, dự kiến sẽ ảnh hưởng tới các hoạt động tại một số sân bay bận rộn nhất Anh trong dịp Giáng sinh và năm mới 2023 như Heathrow và Gatwick ở London. Trong tuyên bố về vấn đề này, chính phủ Anh cho biết họ sẽ triển khai quân đội hỗ trợ Lực lượng Biên phòn. Tuy nhiên, London cảnh báo khách du lịch đến anh có thể sẽ bị chậm trễ hoặc gián đoạn khi sử dụng các dịch vụ.
Barret Kupelian, nhà kinh tế cấp cao tại PwC, cho biết: "2022 rõ ràng là một năm đầy thách thức đối với nền kinh tế Anh. Và sẽ không có gì ngạc nhiên khi những khó khăn này tiếp tục kéo dài trong năm 2023".
Tuy nhiên, báo cáo của PwC cũng mang đến nhiều kỳ vọng mới cho Vương quốc Anh. Trong đó, PwC ước tính vào năm 2023, hơn 300.000 lao động Anh có thể trở lại thị trường lao động, góp phần giải quyết tình trạng thiếu nhân viên ở những khu vực đòi hỏi lao động tay nghề cao.
Đồng thời, PwC cũng dự đoán việc gia tăng nhập cư vào Vương quốc Anh có thể đóng góp trực tiếp 19 tỷ bảng Anh (23 tỷ USD) cho nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng GDP thêm 1% "ngay cả khi nền kinh tế co lại".
Nhà kinh tế Jake Finney của PwC nhận xét: "Mặc dù nền kinh tế Anh đang gặp khó khăn nhưng Vương quốc Anh vẫn là một điểm đến hấp dẫn đối với người lao động".
Ngay cả với lượng người nhập cư kỷ lục, Vương quốc Anh vẫn đang bị tụt hậu so với các quốc gia phát triển khác trong quá trình phục hồi thị trường việc làm sau COVID-19. Các vị trí tuyển dụng đạt kỷ lục 1,3 triệu vào đầu năm nhưng đã giảm xuống chỉ còn dưới 1,2 triệu trong tháng 11. Tình trạng thiếu nhân công đặc biệt nghiêm trọng trong các ngành khách sạn, bán lẻ và nông nghiệp.
Nghiên cứu của Ủy ban các vấn đề kinh tế Hạ viện được công bố trong tuần này kết luận xu hướng nghỉ hưu sớm là nguyên nhân lớn nhất dẫn đến việc siết chặt lực lượng lao động ở Vương quốc Anh. Gia tăng bệnh tật dài hạn, di cư EU thấp hậu Brexit và tình trạng già hóa dân số cũng là những nguyên nhân gây ra tình trạng này.
Ủy ban thông tin: "Tình trạng thiếu lao động làm trầm trọng thêm thách thức lạm phát hiện nay; gây thiệt hại cho tăng trưởng trong thời gian tới; và làm giảm doanh thu có sẵn để tài trợ cho các dịch vụ công trong khi nhu cầu đối với các dịch vụ đó tiếp tục tăng".
Kupelian của PwC nói thêm rằng lạm phát ở Anh có thể đã đạt đỉnh vào tháng 10 và "sẽ bắt đầu giảm trở lại trong 2 năm tới".
Minh Hạnh (Theo CNN)