Hàng loạt vấn đề của Công ty TNHH tư vấn xây dựng Meinhardt Việt Nam - Đơn vị Tư vấn giám sát hợp đồng (TV GSHĐ) như nợ thuế, Trưởng đoàn TV GSHĐ rời khỏi Việt Nam nhưng hàng loạt văn bản có chữ ký của ông này vẫn ban hành ... Cơ quan chức năng cần nhanh chóng vào cuộc làm rõ những khuất tất của đơn vị này.
Từ việc nợ thuế vẫn được chỉ định thầu?
Dự án chống ngập do triều cường khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) có tổng mức đầu tư gần 10.000 tỷ đồng khởi công từ tháng 6/2016. Đây là dự án chống ngập triều đầu tiên tại Việt Nam thực hiện bằng hình thức BT (Xây dựng - Chuyển giao) được UBND.TP giao cho Tập đoàn Trung Nam làm Chủ đầu tư.
'"Siêu dự án" chống ngập tại TP.HCM đang bị dừng thi công hơn nửa năm qua |
Với một "siêu dự án" có quy mô thuộc vào loại lớn nhất cả nước về ngăn triều, chống ngập,… chính vì thế, mong muốn của các cấp lãnh đạo Chính phủ là có một đơn vị Tư vấn độc lập nước ngoài để "nâng cao hiệu quả, minh bạch, đảm bảo tính khách quan trong quá trình thực hiện dự án, quản lý vốn hiệu quả", sớm đưa dự án mang ý nghĩa dân sinh này đi vào hoạt động.
Theo đó, Liên danh TV GSHĐ được chỉ định là Công ty TNHH tư vấn xây dựng Meinhardt (Cty Meinhardt) với vốn 100% nước ngoài và có chuyên gia nước ngoài hỗ trợ. Nhưng, điều đáng nói là Cty Meinhardt chỉ chiếm 15% trong liên danh TV GSHĐ và chỉ duy nhất có một chuyên gia là người nước ngoài đứng đầu liên danh.
Hơn thế nữa, tại thời điểm được chỉ định vào gói thầu TV GSHĐ trị giá hơn 33 tỷ, thì Cty Meinhardt đã nợ thuế "đầm đìa" nhiều năm liền (tính từ năm 2013 - PV) cùng với việc nợ bảo hiểm xã hội. Đây là những hành vi xâm phạm quyền lợi của Nhà nước và Người lao động.
Công ty Meinhardt liên tục nợ thuế trong nhiều năm liền, nhưng vẫn hoạt động kinh doanh bình thường. |
Thế nhưng, tại thời điểm này, Cty Meinhardt vẫn cam kết với Cơ quan quản lý nhà nước là "không đang trong tình trạng nợ nần không có khả năng chi trả" nhằm qua mặt cơ quan quản lý nhà nước để được "lọt" vào gói thầu TV GSHĐ tại dự án chống ngập.
Việc nợ thuế của Cty Meinhardt đã khiến dư luận đặt ra nhiều nghi vấn: Vì sao một đơn vị với vốn pháp định chỉ hơn 7 tỷ đồng, đang nợ thuế như "chúa chổm" từ Bắc vào Nam với số tiền "khủng" hơn 60 tỷ đồng trong suốt 5 năm liền mà vẫn hoạt động kinh doanh bình thường. Đặc biệt hơn, còn "lọt" vào gói thầu TV GSHĐ tại dự án chống ngập trọng điểm của TP.HCM?
Nhưng điều khó hiểu ở đây là việc nợ thuế của công ty này chỉ thực hiện quyết liệt hơn sau khi có sự "minh bạch" từ các phương tiện truyền thông thời gian qua. Gần nhất, dù Cục thuế TP.HCM đã ra thông báo yêu cầu Sở KH&ĐT rút giấy phép hoạt động của công ty này trong vòng 10 ngày kể từ ngày 23/10/2018.
Tuy nhiên, việc làm trên của Cty Meinhardt vẫn chưa thực thi.
Đến việc "người lạ" điều hành Liên danh TV GSHĐ
Như đã nói, trong Liên danh TV GSHĐ chỉ có duy nhất một người nước ngoài - Ông L.Fernando Requena. Ông này được Liên danh Ủy quyền là Trưởng đoàn TV GSHĐ, đồng thời cũng là người duy nhất có quyền đại diện cho Liên danh TV GSHĐ làm việc trực tiếp với UBND TP.HCM.
Lúc này, mặc dù Ông L.Fernando Requena - Trưởng đoàn TV GSHĐ đã rời khỏi Việt Nam từ ngày 14/7/2018, nhưng hàng loạt văn bản hành chính bằng tiếng Việt có chữ ký của ông này vẫn liên tục được phát hành.
Vậy nhân vật quyền lực nào đã đứng sau chỉ đạo điều hành Liên danh TV GSHĐ?
Theo tìm hiểu của ĐS&PL, nhân vật quyền lực đứng sau điều hành toàn bộ công việc nội bộ của Liên danh TV GSHĐ là ông Nguyễn Viết Thanh. Dù ông này không tên, không chức vụ, không phận sự… gì trong Liên danh TV GSHĐ tại dự án chống ngập 10.000 tỷ.
Không phận sự gì trong Đoàn TV GSHĐ, nhưng ông Nguyễn Viết Thanh thường tham dự các cuộc họp liên quan đến dự án chống ngập tại UBND TP.HCM |
Dưới sự điều hành của ông Thanh, chức năng tư vấn, hướng dẫn các bên liên quan tuân thủ pháp luật và hợp đồng đã ký kết của TV GSHĐ đã nảy sinh nhiều vấn đề… phản biện nhiều lần với UBND TP.HCM.
Cụ thể, việc gây trở ngại cho quá trình triển khai thực hiện dự án rõ nhất là việc thay đổi địa điểm đổ bùn thải. Sự việc xảy ra đã lâu và Sở TN&MT TP đã phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường; UBND TP đã có văn bản chấp thuận, nhưng ông Thanh vẫn yêu cầu nhân viên cấp dưới theo dõi, tìm mọi sơ hở khi có thể, nhằm đẩy dự án đến bước "chết chìm".
Ngoài ra, một thành viên trong Đoàn TV GSHĐ còn tiết lộ: "Khi nhà đầu tư trình vấn đề nghị gì, lập tức ông Thanh chỉ đạo làm văn bản bác ngay vấn đề đó. Rõ nhất là, khi nhà đầu tư thi công xong và xin xác nhận giá trị hoàn thành cống Tân Thuận trị giá 76 tỷ, ông Thanh yêu cầu làm báo cáo bác bỏ. Các sai sót của nhà đầu tư, ông Thanh chỉ đạo làm báo cáo gửi cơ quan chức năng trả hồ sơ để nhà đầu tư tự làm, TV GSHĐ không hướng dẫn".
Không những thế, ông Thanh còn chỉ đạo nhân viên sau khi Trưởng đoàn tư vấn người nước ngoài thông qua thì phải trình văn bản cho ông xem trước khi phát hành. Thậm chí với nhiều báo cáo, ông Thanh còn yêu cầu nhân viên soạn thảo, để ông "duyệt" xong mới phát hành. Tuy nhiên, chỉ đóng dấu chứ không cần phải xin ý kiến Trưởng đoàn TV GSHĐ hoặc hợp thức hóa sau đó…
Từ những sự việc trên và các văn bản qua lại giữa các Cơ quan quản lý Nhà nước, Tư vấn hợp đồng, Nhà đầu tư đối với "siêu dự án" này… Dư luận đặt câu hỏi: Vậy động cơ ẩn ý sau hành vi của ông Nguyễn Viết Thanh là gì?
Cần nhanh chóng làm rõ tư cách của TV GSHĐ
Có thể nói, trước và trong quá trình là TV GSHĐ, Cty Meinhardt đã liên tục "hợp thức hoá" các vi phạm để được chỉ định thầu.
Theo đó, liên quan đến việc hoàn thành nghĩa vụ thuế, thay vì thực hiện đúng chức phận của một doanh nghiệp, Cty Meinhardt lại liên tục gửi công văn xin giảm, xin xóa, xin cứu xét... (hơn 10 văn bản) đến Cục thuế để kéo dài, gây áp lực lên các Cơ quan hữu quan.
Chưa kể, mới đây tại cuộc họp với các ban, ngành, Cty Meinhardt còn cố tình đưa ra giấy Ủy quyền từ năm 2017 nhằm hợp thức những nhân viên không có tên trong dự án.
Theo luật sư Trần Đức Phượng - Đoàn Luật sư TP.HCM, Công ty TNHH Tư vấn Xây dựng Meinhardt (Việt Nam) có vốn 100% nước ngoài, nhưng được thành lập tại Việt Nam thì đều có quyền và nghĩa vụ như các doanh nghiệp khác được thành lập tại Việt Nam.
Cụ thể, trong trường hợp Cty Meihardt (Việt Nam) hết thời hạn nộp thuế, nộp tiền phạt vi phạm pháp luật về Thuế nhưng không thực hiện thì sẽ bị áp dụng quy định Luật Quản lý thuế 2006 (và các văn bản Luật sửa đổi) để xử lý như doanh nghiệp khác được thành lập tại Việt Nam.
Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, tại sao Cty Meihardt (Việt Nam) sai phạm về Thuế suốt nhiều năm liền nhưng vẫn không xử lý dứt điểm? Một đơn vị vi phạm pháp luật về Thuế, Bảo hiểm Xã hội thì có đủ tư cách để tiếp tục là đơn vị phán xét cho dự án quan trọng này không?...
Cơ quan chức năng cần nhanh chóng vào cuộc làm rõ những khuất tất của một đơn vị mang danh TV GSHĐ dự án chống ngập trọng điểm của Thành phố.
Hằng Thanh (t/h)