Mạng xã hội đang lan truyền đề kiểm tra học kỳ II, môn Hóa của học sinh lớp 9, trường THCS Long Bình Tân, TP.Biên Hòa, Đồng Nai được cho là "ca ngợi, quảng cáo" rượu làng Vân.
Theo đó, câu 3 trong đề kiểm tra này có nội dung như sau: "Làng Vân thuộc thôn Yên Viên, xã Vân Hà, huyện Bắc Giang là nơi có truyền thống nấu rượu từ lâu đời. Cùng với thời gian, cái tên làng Vân lại trở thành thương hiệu của một loại rượu nổi tiếng khắp cả nước: Rượu làng Vân. Không giống với các loại rượu khác, rượu làng Vân uống êm, vị đậm, uống xong có cảm giác lâm li hương vị đặc biệt trong họng và không đau đầu.
Trên nhãn của các chai rượu đều ghi số 35 độ.
a. Hãy giải thích ý nghĩa của số trên?
b. Tính thể tích rượu etylic nguyên chất có trong 500ml rượu 35 độ".
Trên các diễn đàn, một số phụ huynh bức xúc vì cho rằng cách ra đề của nhà trường vì giống như một hình thức "quảng cáo" rượu. Điều này có thể kích thích tính tò mò của học sinh, gây hệ lụy xấu.
Bà Lưu Thị Hằng - Phó trưởng Phòng Giáo dục và đào tạo TP.Biên Hòa thông tin trên Tuổi trẻ, đã yêu cầu nhà trường rà soát, họp chuyên môn phân tích, đánh giá quy trình ra đề, phản biện và kiểm duyệt đề. Tùy theo mức độ, cá nhân có liên quan nếu như nhận định có thiếu sót, sơ suất sẽ nghiêm khắc kiểm điểm rút kinh nghiệm.
Bà Hằng cho biết thêm, trong trường hợp này, khi ra đề, giáo viên chỉ tập trung vào kiến thức chuyên môn mà không chú ý đến yếu tố phù hợp nên đã vô tình gây hiểu nhầm là có nội dung quảng bá về rượu, làm ảnh hưởng tới nguyên tắc giáo dục.
Trao đổi với Dân trí, thầy Vũ Khắc Ngọc, giáo viên dạy Hóa ở Hà Nội nhận định, đây là đề thi chưa tốt về mặt chuyên môn. Để đề thi tốt hơn, thầy Ngọc cho rằng người ra đề có thể giảm bớt những tính từ mang tính chất mô tả rượu làng Vân, vì bản thân những tính từ này cũng không có nhiều ý nghĩa đối với câu hỏi. Hoặc đơn giản hơn, có thể phần dẫn chỉ cần một ảnh chụp chai rượu làng Vân, trên đó ghi nhãn 35 độ, hoặc chí ít là "một loại rượu làng Vân có ghi trên nhãn là 35 độ" rồi tới câu hỏi thì sẽ trọn vẹn hơn.
Việt Hương (T/h)