Theo báo Dân Trí, ngày 20/8, Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần, Viện Vật lý địa cầu đã phát đi thông báo vừa ghi nhận 7 trận động đất tại huyện Kon Plông, Kon Tum.
Các trận động đất có độ lớn từ 2.7 đến 4.2, độ sâu chấn tiêu khoảng 8,1km. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 0. Trong đó, trận động đất 4.2 độ đã gây rung lắc mạnh ở vùng tâm chấn huyện Kon Plông và một số tỉnh, huyện lân cận.
Anh Đinh Hồng Khoản, cán bộ Trạm quản lý bảo vệ rừng Đăk Kôi 2, xã Măng Cành, huyện Kon Plông cho biết, trưa cùng ngày, nhiều người tại trạm đang ngồi nghỉ trưa, uống nước thì cảm nhận mặt đất có rung lắc trong vài giây.
"Chúng tôi cảm nhận động đất mạnh hơn những ngày thường, phần mái nhà cũng phát ra tiếng kêu ầm ầm", anh Khoản cho biết.
Được biết, chỉ khoảng 3 phút sau khi xảy ra trận động đất, người dân TP Pleiku, Gia Lai, cách tâm chấn 100km, đã cảm nhận được sóng rung lắc truyền tới nhà cửa.
Ông Nguyễn Hồng Anh, cán bộ văn phòng tại phường Tây Sơn, TP Pleiku, cho biết trên báo Tuổi Trẻ, khi đang nằm nghỉ trưa trên tầng 4 thì cảm nhận thấy mặt đất rung lắc, tòa nhà rung chuyển nhẹ khoảng vài giây.
Sóng rung lắc làm ông Anh thức giấc, mở cửa sổ kiểm tra công trình xây dựng bên cạnh vì nghĩ rằng do máy công trình hoạt động gây ra.
Theo thống kê của Viện Vật lý địa cầu, tính từ đầu năm 2024 đến nay, ở Kon Tum đã xảy ra khoảng 250 trận động đất có độ lớn 2,5 trở lên theo thang Mô men. Các trận động đất có độ lớn M ≥ 3,5 đã được thông báo đầy đủ trên các phương tiện thông tin.
Trong đó, trận động đất mạnh nhất xảy ra ở khu vực này vào trưa ngày 28/7 với độ lớn 5,0, cấp độ rủi ro thiên tai cấp 2 tại huyện Kon Plông và khu vực lân cận, đã gây rung lắc mạnh cho các tỉnh, thành phố miền Trung, Tây Nguyên.
Động đất ở Kon Plông được các nhà khoa học của Viện Vật lý địa cầu nhận định là động đất kích thích, xảy ra do quá trình tích nước của hồ chứa thủy điện tác động lên hệ thống đứt gãy sâu trong lòng đất. Động đất kích thích tại huyện Kon Plông có thể kéo dài trong nhiều năm tới, có độ lớn không quá 5,5.