Nguồn tin trên báo Thanh niên cho biết, khu vực tâm trận động đất xảy ra sáng nay nằm ở bờ tây sông Đáy trên địa bàn các xã Bột Xuyên, Mỹ Thành, Tuy Lai, An Mỹ của huyện Mỹ Đức (Hà Nội). Đây là các xã khu vực phía bắc huyện Mỹ Đức và nằm ở phía nam - tây nam Hà Nội, cách trung tâm Hà Nội khoảng 30 km đường chim bay. Đặc biệt, trong đó Tuy Lai, An Mỹ là những xã mà phía tây giáp ranh với tỉnh Hòa Bình.
Theo một số chia sẻ của người dân trên mạng xã hội cho biết, tại một số xã trên địa bàn huyện Mỹ Đức người dân cảm nhận thấy rõ sự rung lắc vào khoảnh khắc trận động đất xảy ra, camera tại một số gia đình cũng ghi lại được hình ảnh khiến người dân giật mình.
Một số hình ảnh xuất hiện khá nhiều trong các clip ngắn là những con chó đang nằm yên bỗng choàng dậy, tỏ ra hốt hoảng. Chị Sáu, một người dân ở xã Tuy Lai, cho biết lúc xảy ra động đất chị đang đi vệ sinh. Ban đầu chị tưởng do hầm biogas nhiều khí quá nên sục lên, khiến nhà vệ sinh bị chao đảo.
Tuy nhiên, thực tế không chỉ những địa phương thuộc huyện Mỹ Đức cảm nhận rõ diễn biến của trận động đất, mà phía tây là các xã của huyện Lương Sơn, Hòa Bình cũng cảm nhận rõ được cơn rung chấn dù nó chỉ thoáng qua trong 5 - 7 giây. Người dân tại các xã Trung Sơn, Cao Dương của huyện Lương Sơn (Hòa Bình) cho biết, họ cảm nhận thấy biểu hiện của trận động đất đáng sợ hơn, khiến những người dân chứng kiến đều khiếp sợ. Đó là những tiếng nổ trong núi, sau tiếng nổ là bụi bay mù phủ trắng những khoảnh rừng trước đó là màu xanh. Thậm chí, có một vạt núi ở mỏ đá Phú Đỉnh bị lở, đá lăn xuống làm sập nhà một hộ dân (nhà ông Viễn, thôn Om Làng, xã Cao Dương).
Chị Dung, một người dân ở thôn Om Làng, kể lại diễn biến sự việc: "Lúc đó, tôi vừa đưa con đi học về. Thấy mặt đất rung lên mấy giây, rồi nghe tiếng nổ, cứ tưởng người ta nổ mìn.
Rồi tôi nghe nói đá lăn sập nhà ông Viễn, nên chạy sang xem. Trước mắt tôi là cảnh tượng nhà bếp bị sập hoàn toàn, khu chăn nuôi bị sập, tiếng dê kêu nghe rất thảm. May quá, lúc đá lăn người đi vắng hết nên không ai bị làm sao! Một lát thì có công an đến, chúng tôi giải tán. Về sau đọc báo thì tôi mới biết là xảy ra động đất bên huyện Mỹ Đức".
Thông tin thêm về sự việc, ông Nguyễn Khánh Xuân, Bí thư Đảng ủy xã Cao Dương, xác nhận có sự việc động đất gây thiệt hại về tài sản cho hộ gia đình ông Nguyễn Xuân Viễn trên địa bàn xã. Còn người thì tất cả đều an toàn.
Qua xem xét, chính quyền địa phương nhận thấy từ đỉnh núi đá phía sau nhà ông Viễn có một vệt sạt lở rộng khoảng từ 10 - 20 m, hiện trường còn nhiều đá, xuất hiện do trận sạt trong sáng cùng ngày gây ra. Hiện trạng nhà ông Viễn đã bị các tảng đá lớn (có kích thước 1 m x 2 m) sạt lở lăn xuống đè vào gây sập một góc nhà chính (góc sau trong buồng ngủ), sập toàn bộ nhà bếp (rộng khoảng 40 m2), sập toàn bộ chuồng lợn, toàn bộ chuồng dê.
Liên quan đến nghi vấn các xưởng khai thác đá gần đổ nổ mìn gây ra tình trạng trên, Công an xã Cao Dương đã điều tra và khẳng định, sáng 25/3 trên địa bàn xã không có mỏ đá nào nổ mìn. Trong khi thông tin chính quyền nhận được là có vụ động đất cùng thời điểm xảy ra vụ sạt lở ở huyện Mỹ Đức, mà xã Cao Dương giáp ranh với huyện Mỹ Đức. Vì thế, vụ nổ khiến đá trên núi sau nhà ông Viễn bị sạt lở được xác định nguyên nhân là do động đất.
Thống kê sơ bộ tài sản tại hiện trường, gia đình ông Viễn bị thiệt hại gồm một đàn dê (vừa chết, vừa bị gãy chân) gồm 25 con gia đình đang nhốt trong chuồng. Ngoài ra, một số đồ gia dụng, nội thất khác cũng bị hỏng, gồm 1 tủ lạnh, 1 máy lọc nước, 2 bình đựng nước Sơn Hà (bình inox và bình nhựa), 2 bếp gas (một bếp gaa công nghiệp, một bếp gas để bàn), 1 tủ bát và dụng cụ nhà bếp, 1 giường và tủ phòng ngủ, 1 xe máy (xe Dream, bị hỏng bánh trước).
Ngoài điểm sạt lở ở sau nhà ông Viễn, trận động đất còn gây sạt lở 2 vị trí khác ở khu vực Thung Ngái. Một là sau nhà ông Trần Quốc Hội (làm hỏng cây trong vườn, nhà không sao). Vị trí còn lại là núi đá nằm dưới chằm Ngái (phía gần huyện Mỹ Đức, Hà Nội), khu vực này không có nhà ở, cây cối, tài sản.
Sau khi sự việc xảy ra, UBND xã Cao Dương đã phối hợp thôn Om Làng huy động nhân dân hỗ trợ gia đình ông Nguyễn Xuân Viễn di dời tài sản, thiết bị về nhà con gái ở gần đó để tạm thời sinh sống. Đồng thời, lãnh đạo xã ban hành văn bản đề nghị các mỏ đá trên địa bàn xã dừng hoạt động nổ mìn trong ngày 25/3 để kiểm đếm và khắc phục thiệt hại do lở đá trong trận động đất gây ra.
UBND xã Cao Dương cũng kiến nghị UBND huyện cùng các phòng, ban quan tâm, có nguồn kinh phí phù hợp hỗ trợ gia đình ông Viễn sớm ổn định đời sống. Ngoài điểm sạt lở tại gia đình ông Viễn, gia đình ông Trần Quốc Hội, thì còn nhiều hộ dân đang ở gần các chân núi, có thể tiềm ẩn nguy cơ sạt lở nguy hiểm.
Như đã đưa tin trước đó, sáng 25/3, Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu Nguyễn Xuân Anh cho biết, vào hồi 8h5 cùng ngày, tại vị trí khu vực huyện Mỹ Đức (Hà Nội) đã xảy ra một trận động đất mạnh 4 độ richter.
Nguồn tin cho biết, vị trí xảy ra động đất có tọa độ (20.770 độ vĩ Bắc, 105.720 độ kinh Đông), độ sâu chấn tiêu khoảng 16km.
"Viện Vật lý địa cầu đánh giá, cấp độ rủi ro thiên tai của trận động đất này là cấp 0", ông Nguyễn Xuân Anh cho biết.
Trong sáng nay, nhiều người dân đang sống tại các tòa nhà cao tầng ở Hà Nội đã cảm nhận rõ sự rung lắc, được xác định do ảnh hưởng của trận động đất.
Theo Tạp chí Người đưa tin Pháp luật, huyện Mỹ Đức từng ghi nhận động đất do nằm trên đứt gãy sông Hồng. Đới đứt gãy này dài khoảng 1.560 km, bắt đầu từ Vân Nam (Trung Quốc) kéo đến vịnh Bắc Bộ. Kết quả nghiên cứu cho thấy Mỹ Đức cũng như vùng trũng Hà Nội xảy ra động đất với độ lớn dưới 5,3.
Theo thang độ lớn mô men, động đất 2,5-5,4 người dân cảm nhận được, nhưng chỉ gây hư hại nhỏ. Độ lớn 5,5-6 gây thiệt hại cho các tòa nhà; 6,1-6,9 có thể gây thiệt hại đáng kể cho khu đông dân cư; từ 7 trở lên gây thiệt hại nghiêm trọng.
Hiện Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần - Viện Vật lý Địa cầu vẫn đang tiếp tục theo dõi trận động đất này.
Bảo An(T/h)