+Aa-
    Zalo

    Sáng nay (25/3), Hà Nội xảy ra động đất

    (ĐS&PL) - Đây là thông tin từ Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần - Viện Vật lý Địa cầu, theo đó tại một số tòa nhà cao tầng, người dân cảm nhận rõ sự rung lắc.

    Thông tin trên báo VietNamnet, Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu Nguyễn Xuân Anh cho biết, vào hồi 8h5 ngày 25/3, tại vị trí khu vực huyện Mỹ Đức (Hà Nội) đã xảy ra một trận động đất mạnh 4 độ richter.

    Nguồn tin cho biết, vị trí xảy ra động đất có tọa độ (20.770 độ vĩ Bắc, 105.720 độ kinh Đông), độ sâu chấn tiêu khoảng 16km. 

    "Viện Vật lý địa cầu đánh giá, cấp độ rủi ro thiên tai của trận động đất này là cấp  0", ông Nguyễn Xuân Anh cho biết.

    Trong sáng nay, nhiều người dân đang sống tại các tòa nhà cao tầng ở Hà Nội đã cảm nhận rõ sự rung lắc, được xác định do ảnh hưởng của trận động đất.

    sang nay 25 3 ha noi xay ra dong dat
    Bản đồ chấn tâm động đất của Viện Vật lý địa cầu. Ảnh: VietNamnet.

    Anh Tô Thế (ở chung cư quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, anh bất ngờ thấy đèn điện rung lắc và cảm giác chóng mặt nên nghi ngờ có động đất. Chị Thanh Mai (ở Thanh Oai, Hà Nội) cũng chia sẻ, chị thấy chiếc quạt trần ở nhà bị rung dù không bật, kèm theo đó là chóng mặt kéo dài từ 3 - 5 giây.

    Hiện Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần - Viện Vật lý Địa cầu vẫn đang tiếp tục theo dõi trận động đất này.

    PGS.TS Cao Đình Triều, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật Địa Vật lý Việt Nam, Viện trưởng Viện Địa Vật lý ứng dụng thông tin trên báo Sức khỏe&Đời sống, TP Hà Nội nằm trong vùng đứt gãy sông Hồng-sông Chảy, nơi đã từng xảy ra các trận động đất có độ lớn từ 5,1-5,5 độ richter. Thông thường, chu kỳ lặp lại động đất mạnh 5,3 độ richter ở TP Hà Nội là 1.100 năm và trận động đất mạnh cuối cùng xảy ra cách đây hơn 700 năm (1285).

    Cũng theo PGS.TS Cao Đình Triều, Hà Nội là vùng có nền đất không tốt nên động đất cấp 8 cũng có nguy cơ. Lý do bởi nếu động đất xảy ra ở vùng đứt gãy sông Hồng-sông Chảy (đới động đất này đi qua thành phố Hà Nội) với số liệu tối đa ghi nhận được bằng trạm quan trắc ở cấp độ 6, thì khả năng tác động trong tự nhiên cũng có thể lên tới cấp độ 8. Do vậy trong xây dựng, Hà Nội cần để ý hơn tới câu chuyện kháng chấn đối với các công trình, nhất là đối với công trình dân sinh (như chung cư cao tầng,…) để đảm bảo an toàn cũng như giảm thiểu các nguy cơ tiềm ẩn có thể xảy ra, ảnh hưởng tới người dân.

    Bảo An(T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/sang-nay-25-3-ha-noi-xay-ra-dong-dat-a615723.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan